1. Cắt dạ dày có sao không?
Trong ung thư dạ dày cắt toàn bộ dạ dày theo nguyên tắc cùng với một số tạng lân cận như các tác giả trên, có ưu điểm là: không bỏ sót tế bào ung thư ở thành dạ dày, cắt bỏ một diện rộng các tổ chức quanh dạ dày mà ta không thể xác định tế bào ung thư đã di căn đến mức nào.
Nói cách khác khả năng triệt căn tốt nhưng lại có nhược điểm lớn như tử vong cao, chức năng chứa đựng và co bóp của dạ dày không còn, rối loạn Dinh dưỡng sau mổ nặng nề hơn.
2. Chế độ ăn cho người cắt toàn bộ dạ dày
Phẫu thuật cắt bỏ dạ dày là phương pháp điều trị phổ biến được thực hiện đối với các bệnh nhân bị bệnh ung thư dạ dày. Sau khi tiến hành phẫu thuật, người bệnh cần đặc biệt lưu ý tới chế độ ăn sau Cắt dạ dày sao cho tốt nhất để giúp mau chóng phục hồi bệnh và tránh các biến chứng có thể xảy ra.
Các nguyên tắc người bệnh cần được tuân thủ trong chế độ ăn uống sau khi phẫu thuật cắt bỏ dạ dày:
2.1 Nguyên tắc chung trong ăn uống
Nguyên tắc chung trong ăn uống mà bất cứ người bệnh nào sau khi phẫu thuật cắt bỏ dạ dày cũng cần phải thực hiện đó là nên chia nhỏ bữa ăn thay vì ăn 3 bữa chính như bình thường.
Cùng với đó, người bệnh cần chú ý nên ăn chậm, nhai kỹ để quá trình tiêu hóa diễn ra thuận tiện và dễ dàng hơn. Theo lời khuyên, người bệnh nên chia nhỏ bữa ăn ra thành 6 - 8 bữa/ngày là hợp lý.
2.2 Nên ăn thực phẩm giàu protein
Các loại thực phẩm giàu protein không chỉ giúp cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết giúp cho sức khỏe người bệnh mau chóng phục hồi mà còn giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và ngăn ngừa bệnh tiêu chảy.
Do vậy, người bệnh nên ăn các loại thực phẩm như thịt, gia cầm, cá, trứng, phô mai, bơ... là các loại thực phẩm có chứa nhiều protein rất tốt cho sức khỏe.
2.3. Các loại ngũ cốc
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người bệnh phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ dạ dày nên lựa chọn các loại ngũ cốc ít chất xơ. Chất xơ là thành phần thiết yếu trong một chế độ ăn uống lành mạnh. Chỉ có trong các thực phẩm từ thực vật (như ngũ cốc, hoa quả và rau củ), chất xơ giúp tạo thức ăn thành khối và giúp quá trình vận chuyển thức ăn trong hệ tiêu hóa diễn ra dễ dàng. Bổ sung thường xuyên và đầy đủ chất xơ giúp ngăn ngừa Táo bón và một số bệnh ung thư như ung thư đại tràng hoặc ung thư ruột kết.
Tuy nhiên, người bị bệnh Túi thừa hoặc tiêu chảy mạn tính nên áp dụng một chế độ ăn ít chất xơ. Ngoài ra, người nhạy cảm với chất xơ sẽ bị khó chịu và tiêu chảy nếu tiêu thụ chất xơ quá nhiều. Áp dụng chế độ ăn ít chất xơ theo khuyến cáo của bác sĩ có thể giúp thư giãn đường tiêu hóa và khiến bạn cảm thấy tốt hơn.
2.4. Trái cây và rau quả
Hầu hết các loại trái cây và rau xanh đều tốt cho người bệnh sau khi phẫu thuật cắt bỏ dạ dày nên ăn. Tuy nhiên, các bạn lưu ý với các loại rau xanh thì nên ăn chín, với trái cây thì nên gọt vỏ trước khi ăn và bỏ hạt. Trong số các loại trái cây hoa quả, chuối và dưa hấu được cho là 2 loại quả tốt nhất cho người bệnh trong trường hợp này nên ăn. Chính vì thế, người bệnh cần lưu ý để bổ sung sao cho có hiệu quả nhất.
2.5. Sữa
Sữa là một loại thực phẩm quan trọng và thiết yếu trong chế độ ăn uống của hầu hết các bệnh về đường tiêu hóa giúp cung cấp lượng chất cần thiết cho cơ thể khi người bệnh không có khả năng hoặc không nên ăn các loại thực phẩm khác có nguồn chất tương tự. Đối với những người sau khi phẫu thuật cắt bỏ dạ dày có thể lựa chọn loại sữa gầy (sữa đã tách béo hoàn toàn) và các sản phẩm từ sữa chứa 1% chất béo cho chế độ ăn uống hàng ngày.
Ngoài các loại thực phẩm nêu trên, người bệnh có thể cần uống bổ sung thêm các loại vitamin như vitamin B1, B12 và viên Sắt để bồi bổ sức khỏe, ngăn ngừa tình trạng thiếu máu do phẫu thuật. Bên cạnh đó, các bạn cần lưu ý hạn chế ăn các loại thực phẩm lên men như dưa chua, hành muối hay các loại gia vị cay nóng, hoa quả chua, các loại chất kích thích và các loại đồ ăn cứng sẽ không tốt cho việc phục hồi căn bệnh.
Cắt toàn bộ dạ dày là phẫu thuật cắt bỏ hết dạ dày, ở trên cắt đến thực quản bụng và ở dưới cắt dưới môn vị tới tá tràng. Lưu thông tiêu hoá được thực hiện bằng cách nối hỗng tràng với thực quản. Đây là phẫu thuật nặng và phức tạp đòi hỏi phải được thực hiện bởi các phẫu thuật viên chuyên khoa tiêu hoá và phải chuẩn bị người bệnh (NB) thật tốt trước khi phẫu thuật.