Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Chỉ số progesterone ảnh hưởng đến khả năng thụ thai trong thụ tinh nhân tạo IVF

03/02/2021
Chỉ số progesterone ảnh hưởng đến khả năng thụ thai trong thụ tinh nhân tạo IVF

Progesterone là một phần quan trọng trong điều trị vô sinh, với các chuyên gia về sinh sản thường kê đơn bổ sung Progesterone để giúp cải thiện tỷ lệ Mang thai của thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng có thể có những ảnh hưởng sinh sản từ chỉ số progesterone của người phụ nữ trong các giai đoạn cụ thể của chu kỳ IVF.

1. Progesterone là gì?

Cấu trúc hoá học của progesterone chứa 4 vòng hydrocacbon liền nhau, chứa gốc ceton và các nhóm chức năng oxi hoá cùng 2 nhánh methyl.

Progesterone là một hormone được tiết ra chủ yếu ở nửa sau chu kỳ kinh nguyệt, là một trong những loại hormone kích thích và điều hòa nhiều chức năng của cơ thể. Progesterone được sản xuất từ buồng trứng, ngoài ra còn ở nhau thai (trong giai đoạn mang thai) và tuyến thương thận, giữ vai trò quan trọng trong chu kỳ kinh nguyệt và duy trì thai kỳ.

Progesterone được liệt kê vào nhóm các hormone steroid, gọi là progestogen. Đây cũng là một chất chuyển hoá trung gian quan trọng trong quá trình sản xuất steroid nội sinh khác, bao gồm các hormone giới tính và các steroid tự nhiên, đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động của Não như một neurosteroid.

2. Hàm lượng progesterone

Nồng độ của progesterone Huyết thanh dao động trong suốt chu kỳ kinh nguyệt, đạt đỉnh trước ngày Hành kinh 7 ngày và cao hơn ở phụ nữ mang thai.

Trong giai đoạn nang noãn (trước khi rụng trứng), nồng độ progesterone duy trì ở mức thấp (0,2-1,5 ng/ml). Sau khi nồng độ hormone LH (hormone tạo hoàng thể) tăng cao, đạt đỉnh và dẫn đến hiện tượng rụng trứng, các tế bào hạt trong nang noãn sẽ bị vỡ, sản xuất ra progesterone dưới tác dụng của LH.

Trong giai đoạn hoàng thể (sau khi rụng trứng), nồng độ progesterone sẽ tăng nhanh đến mức tối đa đạt 10-20 ng/ml trong khoảng 5-7 ngày sau khi rụng trứng.

Nếu trứng không được thụ tinh, quá trình thụ thai không xảy ra, nồng độ progesterone sẽ giảm trong 4 ngày cuối của chu kỳ do quá trình thoái hoá của thể vàng.

Nếu trứng được thụ tinh, thể vàng giữ nồng độ progesterone ở mức cao. Sau đó, nhau thai chính là nguồn tiết progesterone giúp nồng độ progesterone tăng từ 10-50 ng/ml (trong ba tháng đầu của thai kỳ) đến 50-280 ng/ml (trong ba tháng cuối thai kỳ).

3. Khả năng sinh sản và chỉ số Progesterone

Progesterone là một loại hormone được sản xuất bởi buồng trứng. Nó xuất hiện vào giữa chu kỳ kinh nguyệt khi trứng được phóng ra (rụng trứng). Một trong những chức năng quan trọng nhất của progesterone là chuẩn bị niêm mạc tử cung (nội mạc tử cung) để cho phép trứng được thụ tinh (phôi) cấy vào.

Một chu kỳ điều trị IVF thành công đòi hỏi thời gian chính xác cho từng bước của các giai đoạn:

  • Giai đoạn kích thích nơi nhiều nang trứng đang trưởng thành.
  • Giai đoạn thu hồi nơi trứng trưởng thành được lấy.
  • Giai đoạn thụ tinh trong đó trứng được thụ tinh với tinh trùng trong phòng thí nghiệm.
  • Giai đoạn quan sát và phát triển trong đó mỗi phôi được theo dõi chặt chẽ trong phòng thí nghiệm phôi trong 3-6 ngày.
  • Cuối cùng, giai đoạn chuyển phôi, trong đó phôi chất lượng tốt được chuyển trở lại vào tử cung của người phụ nữ.

Nếu như chỉ số progesterone tại thời điểm kích hoạt hCG tăng lên, bác sĩ có thể đóng băng tất cả phôi vào ngày thứ 5. Mục đích của việc này là cho phép buồng trứng của bạn trở lại trạng thái nghỉ ngơi và có thể chính xác hơn thời gian chuyển phôi để tối đa hóa xác suất chuyển thành công.

4. Progesterone trong hỗ trợ hoàng thể

Trong chu kỳ IVF, thuốc thường được sử dụng để ngăn bạn giải phóng trứng sớm (rụng trứng sớm) nhằm hỗ trợ hoàng thể. Những loại thuốc này ảnh hưởng đến chỉ số progesterone. Do đó, bác sĩ có thể kê toa một chất bổ sung progesterone để bù cho sự suy giảm khả năng sản xuất progesterone này của buồng trứng.

Các lĩnh vực ứng dụng của progesterone trong hỗ trợ hoàng thể gồm (mỗi progesterone có lĩnh vực ưu thế riêng):

  • Bổ sung progesterone trong pha hoàng thể ngoài sinh sản nhằm hỗ trợ trong bối cảnh có ít sự thay đổi trong điều hòa gen.
  • Bổ sung progesterone trong pha hoàng thể sinh sản nhằm hỗ trợ trong bối cảnh có sự thay đổi mạnh trong điều hòa gene hoặc trong bối cảnh thay đổi mạnh chức năng hoàng thể.
  • Bổ sung progesterone trong Sảy thai có nguyên nhân do suy hoàng thể và Sảy thai liên tiếp trong bối cảnh của mất cân bằng tế bào Th1-Th2.

Bằng cách đó, phôi có thể cấy và phát triển bên trong tử cung. Nhiều nghiên cứu khoa học đã xem xét tỷ lệ Mang thai trong các chu kỳ IVF sử dụng progesterone. Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ này cao hơn nhiều so với các chu kỳ không sử dụng progesterone.

Chỉ số progesterone ảnh hưởng đến khả năng thụ thai trong thụ tinh nhân tạo IVF - ảnh 1
Có nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ mang thai trong các chu kỳ IVF sẽ cao hơn nếu sử dụng progesterone

5. Chỉ số progesterone trong IVF

Các nghiên cứu đã cho thấy sự phát triển chậm của phôi có thể làm giảm tỷ lệ có thai, đây cũng có thể là yếu tố cho sự giảm chất lượng phôi hoặc khả năng dị bội. Chúng dẫn đến sự không đồng bộ giữa phôi và nội mạc tử cung, dẫn đến giảm khả năng làm tổ của phôi.

Sự tăng chỉ số progesterone trong IVF sớm có tác động làm giảm tỷ lệ sinh sống ở các chu kỳ hỗ trợ sinh sản sử dụng noãn tự thân, có thể do sự không đồng bộ giữa phôi và nội mạc tử cung. Có rất ít nghiên cứu đánh giá tác động của sự tăng chỉ số progesterone vào ngày gây trưởng thành noãn lên tỷ lệ sinh sống của những ca được chuyển phôi ngày 5 so với ngày 6.

Nghiên cứu này hồi cứu dữ liệu từ 4120 bệnh nhân được chuyển phôi ngày 5 và 230 bệnh nhân chuyển phôi ngày 6, sử dụng noãn tự thân, từ năm 2011 đến năm 2014.

Trong đó, bệnh nhân được chuyển phôi vào ngày 6 có ít phôi tốt hơn (73% so với 83%, p thấp hơn 0.001) nhưng tỷ lệ phôi nang được chuyển là tương đương giữa 2 nhóm (92% so với 91%, p bằng 0.92).

Tỷ lệ sinh sống ở nhóm chuyển phôi ngày 6 thấp hơn nhóm được chuyển phôi vào ngày 5 (34% so với 46%, p bằng 0.01).

Phân tích số liệu cho thấy chỉ số progesterone cao hơn 1.5 ng/ml vào ngày gây trưởng thành noãn có tác động rõ rệt ở nhóm chuyển phôi ngày 6 so với phôi vào ngày 5 (p thấp hơn 0.001).

Tỷ lệ sinh sống ở nhóm chuyển phôi ngày 6 chỉ thấp hơn 8% so với phôi vào ngày 5 ở nhóm có chỉ số progesterone bình thường nhưng sự chênh lệch này tăng lên 17% khi chỉ số progesterone cao hơn 1.5 ng/ml.

Trong đó p là trị số biểu thị sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giúp các nhà khoa học quyết định giả thuyết của họ đúng hay sai. Trị số p được sử dụng để xác định liệu kết quả thí nghiệm có nằm trong dãy giá trị thông thường của các trường hợp được quan sát.

Mối tương quan phân tích được giữa chỉ số progesterone và ngày chuyển phôi được chứng minh là có ý nghĩa thống kê, cho thấy chỉ số progesterone có tác động rõ rệt lên việc chuyển phôi vào ngày 6. Trong các chu kỳ chọc hút có chỉ số progesterone cao, phôi sau đó được trữ lạnh và chuyển phôi trữ không cho thấy sự khác biệt giữa nhóm ngày 5 và ngày 6.

Nghiên cứu này đã chỉ ra được sự không đồng bộ giữa phôi và nội mạc tử cung khi phôi phát triển chậm có thể là những nguyên nhân kết hợp để dẫn tới giảm tỷ lệ sinh sống. Ngoài ra, sự tăng chỉ số progesterone trong IVF sớm còn là một nhân tố tiên đoán cho sự giảm tỷ lệ sinh sống ở bệnh nhân được chuyển phôi ngày 6.

Chỉ số progesterone trong IVF được theo dõi, khi bệnh nhân bị kích thích. Nếu mức độ của hormone này trở nên quá cao trước khi kích hoạt, bác sĩ Nội tiết sinh sản có thể đề nghị tất cả các phôi của bệnh nhân sẽ được đông lạnh và lưu lại cho một chu kỳ IVF khác.

Việc đưa ra quyết định đóng băng phôi vì chỉ số progesterone tăng sớm chỉ có thể được đưa ra gần cuối chu kỳ IVF. Bác sĩ theo dõi mức độ progesterone chặt chẽ và nếu nhìn thấy sự gia tăng, họ sẽ quyết định chiến lược tốt nhất cho bệnh nhân và chia sẻ nó với bệnh nhân. Đôi khi, chuyển phôi có thể là lựa chọn tốt nhất, trong khi vào thời điểm khác, quyết định có thể là chuyển phôi không đông cứng để tạo cơ hội cho chúng cấy ghép.