Chụp PET/CT: Mục đích và kỳ vọng

Chụp cắt lớp phát xạ positron hay chụp PET là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp tiết lộ cách các mô và cơ quan hoạt động. Chụp PET rất hữu ích trong việc phát hiện hoặc đánh giá một số tình trạng như: bệnh ung thư, bệnh tim và rối loạn não. Thông thường, hình ảnh PET được kết hợp với chụp CT hoặc MRI để tạo ra các chế độ xem đặc biệt.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Mục đích của chụp PET scan

Chụp cắt lớp phát xạ positron (tên tiếng Anh là positron emission tomography và viết tắt là PET) công cụ hiệu quả để đánh giá hoạt động sinh học của các bộ phận của cơ thể bạn từ đó giúp xác định một loạt các bệnh, bao gồm nhiều bệnh ung thư, bệnh tim và thần kinh.

Hình ảnh từ chụp PET cung cấp thông tin khác với hình ảnh được phát hiện bởi các loại hình chụp khác, chẳng hạn như chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Chụp PET hoặc chụp PET/CT kết hợp cho phép bác sĩ chẩn đoán bệnh tốt hơn và đánh giá tình trạng sức khoẻ của bạn.

1.1 Ung thư

Các tế bào ung thư xuất hiện dưới dạng các điểm sáng trên hình ảnh của PET vì chúng có tốc độ trao đổi chất cao hơn so với các tế bào bình thường. Chụp PET có thể hữu ích trong:

● Phát hiện ung thư;

● Kiểm tra liệu ung thư đã lan rộng;

● Đánh giá hiệu quả phác đồ điều trị ung thư;

● Phát hiện ung thư tái phát.

Chụp PET phải được kiểm tra cẩn thận vì các bệnh lý không ung thư có thể trông giống như ung thư và một số bệnh ung thư không xuất hiện trên hình ảnh của PET. Nhiều loại khối u rắn xuất hiện chụp được chụp PET, bao gồm:

● Não;

● Cổ tử cung;

● Đại trực tràng;

● Thực quản;

● Đầu và cổ;

● Phổi;

● Ung thư hạch;

● Khối u ác tính;

● Tụy;

● Tuyến tiền liệt;

● Tuyến giáp.

Chụp PET/CT: Mục đích và kỳ vọng - ảnh 1
Chụp PET/CT giúp phát hiện u não
 

1.2 Bệnh tim

Chụp PET có thể cho thấy các khu vực giảm lưu lượng máu trong tim. Thông tin này có thể giúp bác sĩ quyết định liệu người bệnh có đủ điều kiện để thực hiện thủ thuật thông động mạch tim bị tắc (nong mạch vành) hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.

1.3 Bệnh lý thần kinh

Chụp PET có thể được sử dụng để đánh giá một số bệnh lý thần kinh, chẳng hạn như khối u, bệnh Alzheimer và co giật.

2. Mục đích của chụp PET/CT

Chụp PET/CT là công cụ cung cấp cả hình ảnh chức năng (PET) và giải phẫu (CT). Đối với một số loại ung thư, chụp PET/CT là cách giúp tìm ra ung thư và xác định giai đoạn của bệnh, định vị ung thư và xem đã di căn chưa. Các bác sĩ cũng tìm hiểu thông tin về giai đoạn của ung thư và cách ung thư ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể như thế nào. Khi biết được những thông tin này, sẽ giúp bác sĩ có cơ sở để lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất và tiên lượng khả năng phục hồi của người bệnh.

3. Chụp PET/CT khác với quét CT như thế nào?

Chụp CT cho thấy hình ảnh chi tiết của các cơ quan và mô bên trong cơ thể bạn. Còn chụp PET có thể tìm thấy hoạt động bất thường của các cơ quan và kỹ thuật này có thể nhạy hơn các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác. Chụp PET cũng có thể hiển thị những thay đổi trong cơ thể sớm hơn. Các bác sĩ sử dụng chụp PET-CT để cung cấp thêm thông tin về bệnh ung thư. Ngoài việc tìm hiểu giai đoạn ung thư, chụp PET-CT có thể giúp bác sĩ:

● Tìm đúng vị trí để sinh thiết;

● Đánh giá hiệu quả điều trị ung thư;

● Kiểm tra ung thư mới phát triển sau khi điều trị đã kết thúc;

● Lên kế hoạch xạ trị.

Chụp PET/CT: Mục đích và kỳ vọng - ảnh 2
Chụp PET có thể tìm thấy hoạt động bất thường của các cơ quan

4. Lưu ý khi chụp PET/CT

4.1 Chuẩn bị trước khi chụp PET-CT

● Khi bạn lên lịch chụp PET-CT, nhân viên y tế sẽ cho bạn biết cần chuẩn bị những gì. Hãy chắc chắn làm theo hướng dẫn của họ một cách cẩn thận để tránh ảnh hưởng đến kết quả chụp.

● Ăn uống: bạn có thể được yêu cầu không ăn trong vòng 4 gờ trước khi chụp.

● Thuốc và tiền sử sức khỏe của bạn: cung cấp cho nhân viên y tế thông tin về bạn có được dùng thuốc hoặc chất bổ sung vào ngày chụp không. Ngoài ra, cho họ biết nếu bạn bị tiểu đường hoặc các bệnh lý khác. Cụ thể, bệnh tiểu đường có thể làm thay đổi kết quả Xét nghiệm và chất đánh dấu phóng xạ có thể tác động đến lượng đường trong máu của bạn. Nếu bạn đang cho con bú hoặc có thể mang thai, hãy nói với nhân viên y tế.

● Dị ứng. bạn cần báo cho bác sĩ biết nếu bạn Dị ứng với bất kỳ một loại thuốc hoặc thực phẩm nào đó, bao gồm mọi phản ứng đã từng xảy ra..

● Những thứ bạn cần tránh: Đừng lựa chọn những hoạt động quá mức như chạy bộ hay cử tạ trước khi chụp 24h. Tập thể dục có thể khiến kết quả trở nên kém chính xác.

● Bạn nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái mà không có khóa kéo hoặc nút bằng kim loại. Bạn sẽ cần phải loại bỏ bất kỳ quần áo nào có kim loại vì kim loại có thể ảnh hưởng đến quá trình chụp, chẳng hạn như thắt lưng, hoa tai, áo sơ mi có khóa hoặc khóa kéo, áo lót và kính. Bạn có thể mặc áo choàng bệnh viện. Trong quá trình chụp PET/CT bạn sẽ được yêu cầu không mang bất cứ đồ trang sức nào, vì vậy, tốt nhất bạn nên để chúng ở nhà vào ngày chụp.

4.2 Trong quá trình chụp PET-CT

Kỹ thuật viên sẽ đưa Dược chất phóng xạ vào cơ thể bạn bằng phương pháp tiêm tĩnh mạch.

Sau khi tiêm chất này, bạn phải hạn chế cử động và tránh hoạt động, có thể ngồi trên ghế hoặc nằm giường một cách thoải mái. Việc di chuyển hay vận động có thể khiến dược chất phóng xạ bị giữ tại các cơ, làm giảm chất lượng hình ảnh. Mất khoảng từ 30 đến 90 phút để chất phóng xạ đi đến các bộ phận cơ thể cần được chụp.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân cần tiêm thuốc cản quang có thể gây dị ứng hoặc phản ứng phụ. Hầu hết phản ứng là nhẹ như gây phát ban hoặc ngứa. Rất hiếm xảy ra trường hợp phản ứng Dị ứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu bạn có phản ứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như khó thở, bạn cần báo ngay cho nhân viên y tế. Trước khi bắt đầu thủ thuật này, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn đi tiểu để làm trống bàng quang.

Khi thực hiện, bạn sẽ được hướng dẫn nằm lên bàn với các tư thế như nằm ngửa, nằm nghiêng hoặc nằm sấp, tùy thuộc vào bộ phần cần được kiểm tra. Với một số trường hợp, chụp PET/CT được sử dụng để lên kế hoạch xạ trị nhằm điều trị ung thư.

Các nhân viên sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái nhất có thể. Bạn cần nằm yên trong suốt quá trình kiểm tra. Bạn cũng có thể cần giữ hai cánh tay trên đầu.

Nhân viên cũng có thể nâng hoặc hạ bàn trong quá trình quét. Điều này giúp họ có được hình ảnh từ các góc độ khác nhau.

Tổng thời gian chụp PET/CT từ khi chuẩn bị đến kết thúc hường sẽ kéo dài từ 1 đến 3 giờ. Thời gian ghi hình trên máy mất khoảng 30 phút. Nếu máy quét một khu vực rộng trên cơ thể, việc kiểm tra có thể mất nhiều thời gian hơn. Nhân viên sẽ cho bạn biết thời gian cần thực hiện.

Khi quá trình kiểm tra kết thúc, bạn vẫn cần nằm lại trên bàn cho đến khi bác sĩ chắc chắn về các hình ảnh thu được không bị mờ. Nếu chúng không rõ ràng, bạn có thể cần phải thực hiện lại.

Sau khi chụp PET/CT, bạn có thể hoạt động như bình thường. Kỹ thuật viên sẽ nhắc bạn uống thêm nước để tăng đào thải dược chất phóng xạ trước khi ra về.

4.3 Sau khi chụp PET-CT

Bạn có thể hoạt động bình thường sau khi chụp. Nhân viên Y tế sẽ hướng dẫn bạn uống vài ly nước để giúp tăng đào thải chất phóng xạ và thuốc cản quang ra khỏi cơ thể.

Chụp PET/CT: Mục đích và kỳ vọng - ảnh 3
Sau khi chụp PET/CT bệnh nhân nên uống nhiều nước

5. Chụp PET có nguy hiểm không?

Lợi ích của các phương pháp chẩn đoán này thường lớn hơn rủi ro mà nó đem lại. Trong thủ thuật này, bạn sẽ tiếp xúc với một lượng nhỏ chất phóng xạ. Với một lượng như vậy, chất phóng xạ được chứng minh là không gây hại.

Các bác sĩ có thể thực hiện kỹ thuật chụp PET/CT với lượng phóng xạ thấp hơn hoặc giới hạn các khu vực cần được quét. Bạn cần phải báo cho bác sĩ biết về các thông tin, chẳng hạn như số lần bạn thực hiện Xét nghiệm hình ảnh, phương pháp thực hiện, tình trạng có thai hoặc nghi ngờ có thai.

Thông tin này có thể giúp bác sĩ quyết định có nên thực hiện phương pháp xét nghiệm hình ảnh nào khác nhằm giảm rủi ro. Nếu bạn lo lắng về việc tiếp xúc với bức xạ, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn, và tham khảo xem bạn có thể thực hiện phương pháp xét nghiệm nào khác sử dụng ít bức xạ hơn không.

6. Những bệnh viện ở hà nội có dịch vụ Chụp PET/CT

Bệnh viện K

  • Bệnh viện K - Cơ sở 1: Số 43 Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội và số 9A-9B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  • Bệnh viện K - Cơ sở 2: Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội.
  • Bệnh viện K - Cơ sở 3: cơ sở Tân Triều, số 30 Cầu Bươu, Thanh Trì, Hà Nội.
  • Thời gian làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: Sáng (07:30 - 12:00) - Chiều (13:30 - 17:00)

Bệnh viện Ung bướu Hà Nội

  • Địa chỉ: 42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam
  • Thời gian làm việc: Thứ 2 - Thứ 6: Sáng (06:00 - 12:00) - Chiều (13:00 - 17:00); Thứ 7: Sáng (07:30 - 12:00)

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

  • Địa chỉ: Times City T11, 458 Phố Minh Khai, Khu đô thị Times City, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam
  • Thời gian làm việc:: Thứ 2 - Thứ 6: Sáng (08:00 - 12:00) - Chiều (13:00 - 17:00); Thứ 7: Sáng (08:00 - 12:00)

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

  • Địa chỉ: Số 208 Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, Q.Bình Thạnh, Hồ Chí Minh
  • Thời gian làm việc:: Thứ 2 - Thứ 6: Sáng (08:00 - 12:00) - Chiều (13:00 - 17:00); Thứ 7: Sáng (08:00 - 12:00)

Nguồn tham khảo: mayoclinichealthsystem.org, cancer.net

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung
Đặt lịch khám nhanh