Mục lục:

Nguyên nhân Đau ở phụ nữ mang thai và cho con bú

Sự thay đổi về sinh lý, chuyển hoá, hệ cơ xương, vùng khung chậu và thành bụng ở các mẹ mang thai, sinh đẻ và cho con bú có thể dẫn đến nhiều kiểu đau mới và đa dạng gây ảnh trực tiếp lên quá trình mang thai và sau sinh.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Đau ở phụ nữ Mang thai và cho con bú

Việc mang thai đôi khi làm nặng hơn tình trạng đau sẵn có như đau lưng, đau khớp do làm những tổn thương sẵn có ở đĩa đệm, khớp, dây chằng tiến triển nặng lên. Nguyên nhân gây đau không liên quan trực tiếp đến sản khoa rất phổ biến, nhưng việc điều trị những chứng đau mãn tính trong suốt quá trình mang thai và cho con bú thực sự là thách thức. Những mẹ Mang thai thường tiềm ẩn nguy cơ không được quan tâm đến đau và không được điều trị đau một cách đúng mực do bản thân họ rất sợ việc dùng thuốc uống do lo sợ ảnh hưởng đến em bé nên họ thường chọn cách chung sống với đau.

Trong suốt 9 tháng mang bầu, cơ thể mẹ thay đổi một cách kỳ diệu để thích ứng với sự lớn lên của bé. Sự thay đổi không chỉ về hình thể bên ngoài mà có sự thay đổi sâu sắc về chức năng và cấu trúc bên trong. Đặc biệt là thay đổi về cân nặng, thay đổi sinh lý - dịch thể gây nên một áp lực đáng kể lên cột sống lưng và khung chậu.

Các vấn đề liên quan đến đau thường gặp ở các mẹ bầu là: Đau lưng, đau khung chậu, đau vùng thắt lưng chậu, đau khớp mu, đau tay - cổ tay.

Nguyên nhân Đau ở phụ nữ mang thai và cho con bú - ảnh 1
Phụ nữ mang thai có thể bị đau ở nhiều vùng trên cơ thể

2. Đau do giãn khớp mu

Đây là tình trạng không phổ biến, thường xuất hiện trong và sau thai kỳ. Nếu cường độ đau nhiều trong thai kỳ thì tiên lượng sẽ đau nhiều hơn sau sinh bé.

Giãn khớp mu > 10mm thường có các triệu chứng của viêm như: sưng nề khớp mu, đau ở trên khớp mu, đau có thể lan xuống chân hoặc ra lan ra sau lưng.

Tình trạng khung chậu giãn sẽ hồi phục sau vài tuần sau sinh. Và hầu hết các mẹ hồi phụ triệu chứng này trong vòng 1 tháng với việc nghỉ ngơi tại giường và các thuốc giảm đau chống viêm thông thường. Việc mang đai hỗ trợ khung chậu trong quá trình mang thai, các bài tập làm khỏe nhóm cơ vùng sàn chậu (bài tập Kegels) sẽ giúp giảm đau khớp mu. Ngoài ra, cần hạn chế các động tác mang vác, gây áp lực đè đẩy lên vùng khung chậu cũng hạn chế được tình trạng này.

Nếu các mẹ có đau dai dẳng và khó kiểm soát sau sinh em bé thì việc đi khám và gặp bác sĩ điều trị đau là cần thiết.

3. Hội chứng ống cổ tay

Nguyên nhân Đau ở phụ nữ mang thai và cho con bú - ảnh 2
Đau cổ tay trong thai kỳ thường xảy ra đặc biệt ở 3 tháng cuối

Thường xảy ra trong thai kỳ đặc biệt ở 3 tháng cuối.

Đau trong trường hợp này là do sự chèn ép dây Thần kinh giữa do nguyên nhân phù nề toàn thân gây nên. Biểu hiện bởi các triệu chứng: dị cảm, tê bì, mất cảm giác, kiến đốt.

Trong thai kỳ và giai đoạn cho bé bú, để hạn chế việc uống thuốc thì việc sử dụng tiêm thuốc chống viêm vào vị trí ống cổ tay là một lựa chọn phù hợp với các mẹ mang thai nhằm giải quyết triệu chứng. Sau sinh, theo thời gian thì triệu chứng sẽ biến mất khi hiện tượng phù nề thuyên giảm. Nếu Hội chứng ống cổ tay còn tồn tại dai dẳng, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và chăm sóc em bé thì cần cân nhắc đến kỹ thuật điều trị đau chuyên sâu hơn nhằm giảm viêm, phù nề, giải phóng chèn ép thần kinh giữa được thực hiện bởi bác sĩ điều trị đau.

4. Đau do hội chứng vòng thắt khung chậu

Sự lỏng lẻo của các dây chằng dài và khớp mu là do thay đổi nội tiết progesteron và relaxin, có thể gây nên hội chứng vòng thắt khung chậu.

Biểu hiện của hội chứng này là đau như một vòng thắt ngang: mặt trước và mặt sau đều 2 bên khung chậu. Hội chứng này ảnh hưởng đến 1/5 số phụ nữ mang thai. Cảm giác đau nhói có thể lan đến mặt sau đùi gây khó khăn cho việc: Đứng, đi lại và ngồi của các mẹ. Hầu hết thời gian, hội chứng vòng thắt chậu ảnh hưởng đến khớp xương cùng trong khi chức năng của sàn chậu (tức là vùng thấp của khung chậu) thì không bị ảnh hưởng. Các mẹ có tình trạng thừa cân, Béo phì và sớm có chu kỳ kinh trở lại sau sinh thì hay mắc chứng đau này.

Có khoảng 80% mẹ mang thai hồi phục sớm sau 6 tháng, một số hồi phục hoàn toàn muộn hơn sau 2 năm.

Các mẹ với hội chứng vòng thắt khung chậu thường có nguy cơ cao đau dai dẳng đau sinh nếu như có mẹ có chỉ định sinh mổ. Vì vậy, sau mổ, nếu mẹ còn bị đau với các biểu hiện trên thì việc gặp bác sĩ điều trị đau để có một chẩn đoán chính xác nguồn gốc gây đau và điều trị đúng nguyên nhân một cách tích cực sẽ sớm đưa các mẹ về nhịp sinh hoạt bình thường để có khả năng chăm sóc bản thân và em bé được tốt hơn.

5. Đau lưng

Nguyên nhân Đau ở phụ nữ mang thai và cho con bú - ảnh 3
Đau lưng tương đối phổ biến ở phụ nữ có thai

Đau lưng khá phổ biến ở các mẹ mang thai đặc biệt nửa sau thai kỳ, có thể là một dấu hiệu mới do kết quả của sự thích ứng của hệ cơ- xương hoặc từ cột sống cong ra trước nhằm bù trừ sự quá tải của tử cung, hoặc cũng có thể tình trạng năng lên của đau đã sẵn có trước khi mang thai.

Với các mẹ mang thai mà đã sẵn có tình trạng đau lưng trước đó như đau lưng do phình đĩa đệm, do hẹp ống sống, do Viêm khớp cùng chậu, do Viêm khớp liên mấu thì nguy cơ đau lưng trong thai kỳ tăng gấp đôi so với các mẹ khác. Tuy nhiên, tỷ lệ Thoát vị đĩa đệm ở các mẹ mang thai và phụ nữ không mang thai là tương đương. Vì vậy, nếu như các mẹ đã có những chứng đau vùng lưng từ trước thì nên thông báo cho bác sĩ tình trạng của mình, để bác sĩ có thông tin và có những lời khuyên phù hợp nhằm phòng ngừa và có hướng xử trí nếu như tình trạng đau trở nên trầm trọng hơn trong quá trình mang bầu và cho con bú.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung