Cơn đau thắt ngực điển hình bao gồm 3 đặc điểm sau:
- Cảm giác đau như bóp nghẹt, đau như thắt hoặc đè nặng vùng ngực trái hoặc sau xương ức, có thể lan lên cằm, tay trái.
- Xuất hiện có tính chất quy luật, tăng lên sau gắng sức, xúc cảm mạnh, gặp lạnh... Thời gian kéo thường từ 3-5 phút.
- Đau ngực đỡ khi nghỉ ngơi hoặc sau khi dùng Nitroglycerin.
1. Mối liên hệ giữa thiếu máu cơ tim và đau thắt ngực
Bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính thường xảy ra khi lòng động Mạch vành bị hẹp làm giảm lưu lượng máu đến vùng cơ tim tương ứng, không đáp ứng đủ nhu cầu oxy cơ tim gây ra triệu chứng đau ngực. Trường hợp Mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn sẽ gây ra biến chứng nhồi máu cơ tim, là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng tử vong ở bệnh nhân mắc bệnh tim mạch.
Trong nhiều trường hợp, người mắc bệnh Thiếu máu cơ tim cục bộ sẽ không thấy bất kỳ dấu hiệu nào (trường hợp này gọi là thiếu máu cơ tim thầm lặng). Tuy nhiên, đa số người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng như:
- Đau thắt ngực.
- Khó thở, rõ nhất khi hoạt động gắng sức.
- Chân tay mệt mỏi rã rời.
- Buồn nôn.
- Vã mồ hôi, tim đập nhanh, đánh trống ngực.
- Choáng váng, chóng mặt.
2. Đau thắt ngực - dấu hiệu của bệnh tim thiếu máu cục bộ
Biểu hiện điển hình của bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính là những cơn đau thắt ngực xảy ra khi hoạt động gắng sức, căng thẳng, xúc động mạnh về Tâm lý hay tăng huyết áp đột ngột... Nếu tình trạng này xuất hiện thường xuyên và kéo dài mà người bệnh không phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời sẽ gây ra hậu quả nhồi máu cơ tim do cơ tim bị thiếu máu đột ngột.
2.1. Nguyên nhân đau thắt ngực
Đau thắt ngực do bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ gây ra xuất hiện khi mức độ cung cấp oxy cho cơ tim bị thiếu hụt so với nhu cầu. Về nguyên lý, tất cả oxy cung cấp cho cơ tim đều là do động mạch vành cung cấp, nếu như Xơ vữa động mạch vành làm tắc nghẽn thì chúng sẽ gây ra tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim, khi đó sẽ xuất hiện những cơn đau thắt ngực.
2.2. Đau thắt ngực ổn định
Các cơn đau thắt ngực ổn định thường xảy ra ở người bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ khi hoạt động gắng sức, người bệnh có thể cảm nhận trước được cơn đau và chúng diễn ra trong thời gian ngắn (khoảng 5 phút), cơn đau có thể lan tỏa đến tay, lưng hoặc các bộ phận khác của cơ thể.
Một số trường hợp người bệnh sẽ không thấy rõ cơn đau mà chỉ có cảm giác tức nặng, khó chịu ở ngực, một số khác lại có cảm giác bị cứng hàm khi cố gắng sức, một số lại đau thắt ngực khi gắng những lần đầu, sau đó đỡ đau khi hoạt động với cường độ tương tự.
2.3. Đau thắt ngực không ổn định
Là tình trạng các cơn đau ở ngực xảy ra kể cả khi người bệnh đang nghỉ ngơi không có hoạt động thể lực. Cơn đau thắt ngực có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào, không liên quan đến gắng sức, kéo dài hơn thường 10-15 phút, tạo cảm giác như lồng ngực bị thắt lại và tần suất nhiều lần.. Cơn đau thắt ngực sau đó có thể lan đến những nơi khác như cánh tay (đặc biệt là vùng cánh tay trái), cổ, vai, xương hàm. Trong một vài trường hợp nó có thể khiến người bệnh cảm thấy buồn nôn, khó thở, đổ mồ hôi, kiệt sức.
Đau thắt ngực không ổn định là trường hợp cấp cứu, người bệnh cần đến bệnh viện ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời.
3. Đau ngực do thiếu máu cơ tim được điều trị bằng cách nào?
Điều trị đau thắt ngực đồng nghĩa với điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ gồm có điều trị nội khoa, tái thông mạch vành bằng can thiệp hoặc phẫu thuật.
Khi có chỉ định chụp mạch vành, bệnh nhân sẽ được tiến hành thực hiện tùy theo theo tổn thương mạch vành phù hợp với can thiệp (đặt stent mạch vành) hoặc phẫu thuật. Bệnh nhân sẽ được tư vấn để lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu phù hợp với bản thân.