1. Nguyên nhân gây dậy thì muộn
1.1. Nguyên nhân gây Dậy thì muộn ở bé gái
1.1.1. Buồng trứng có vấn đề
Một trong những nguyên nhân gây dậy thì muộn ở bé gái là do suy buồng trứng sớm. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do phóng xạ – thường được dùng để điều trị bệnh bạch cầu và một số loại ung thư khác. Ngoài ra, hội chứng Turner – bệnh do mất đi một phần hay toàn bộ nhiễm sắc thể X ở nữ giới, cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng suy buồng trứng. Hầu hết những bé gái mắc phải Hội chứng Turner có triệu chứng như: lùn, da ở cổ thừa ra, vòm miệng uốn cao, cẳng tay quay ra ngoài, xương ngực lõm.
Đôi khi buồng trứng bị tổn thương sẽ làm trẻ dậy thì trễ vì thiếu hormone tuyến yên (LH và FSH), hay còn gọi là gonadotropin. Bên cạnh đó, tình trạng này cũng xảy ra khi cơ thể không sản sinh hormone tăng trưởng.
1.1.2. Thể chất
Một vài bé gái dậy thì muộn đơn giản là chúng sẽ trưởng thành muộn hơn so với bạn bè đồng trang lứa mà thôi. Khi giai đoạn dậy thì bắt đầu thì mọi việc sẽ diễn ra bình thường. Trường hợp này gọi là dậy thì muộn do thể chất, thường phổ biến ở bé trai hơn bé gái.
1.1.3. Do di truyền
Dậy thì đôi khi cũng là một phần được di truyền từ bố mẹ. Nếu bé bị dậy thì muộn rất có thể người mẹ hoặc người bố là người dậy thì muộn.
1.1.4. Lượng mỡ của cơ thể bị giảm đi
Lượng mỡ của cơ thể giảm là nguyên nhân chính gây dậy thì muộn ở các bé gái. Dậy thì muộn thường xảy ra ở những bé gái hay vận động, đặc biệt là chuyên viên thể dục, vũ công múa ba-lê, tuyển thủ bơi lội. Trường hợp này cũng có thể xảy ra ở các bé mắc chứng chán ăn Tâm lý vì chúng sợ sẽ mập lên dù thực tế thân hình chúng gầy hơn bình thường. Dậy thì muộn còn được phát hiện ở các bệnh nhân mắc bệnh kinh niên – những người có hàm lượng chất béo thường xuyên bị giảm so với khối lượng mỡ trong cơ thể.
1.2. Nguyên nhân gây dậy thì muộn ở bé trai
- Di truyền: Khoảng 70% trường hợp dậy thì muộn ở bé trai là do di truyền từ bố mẹ;
- Mắc bệnh mạn tính: Những bé trai mắc các bệnh mạn tính như viêm đại tràng, thiếu máu Hồng cầu liềm hoặc Xơ nang thường dễ bị dậy thì muộn;
- Thiếu hụt hormone: Một số bé trai bị dậy thì muộn do chứng thiếu hụt hormone điều hòa tuyến sinh dục riêng biệt (IGD) biểu hiện ở tình trạng thiếu hormone luteinizing (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH). Tình trạng này thường xuất hiện ngay từ khi sinh ra, bé trai mắc phải đều có dương vật nhỏ bất thường;
- Vấn đề ở tinh hoàn: Các khiếm khuyết ở tinh hoàn, tinh hoàn quá nhỏ, đã từng phẫu thuật ở tinh hoàn hoặc phẫu thuật điều trị ung thư có thể là nguyên nhân khiến bé trai bị dậy thì muộn.
2. Sự phát triển chiều cao ở tuổi dậy thì
Tuổi dậy thì (quy định từ 12-18 tuổi) là khoảng thời gian cơ thể có sự tăng trưởng vượt bậc về cả cơ bắp, khung xương cũng như các chức năng sinh dục. Thời gian phát triển chiều cao mạnh nhất ở nữ giới là từ 8-17 tuổi. Chiều cao đạt mức cao nhất ở trẻ nam là 12 tuổi (10cm/năm) và đạt tối đa đến 14 tuổi (15cm/năm).
Tốc độ tăng trưởng chiều cao sẽ giảm dần trong khoảng 15 tuổi ở nữ giới và khoảng 17 tuổi ở nam giới. Kích thước xương, khối lượng xương và mật độ chất khoáng tăng lên khoảng 4% mỗi năm tính từ giai đoạn trẻ 8 tuổi cho đến qua giai đoạn vị thành niên.
3. Dậy thì muộn ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ như thế nào?
3.1. Ảnh hưởng của dậy thì muộn đối với sự phát triên của bé gái
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây chứng dậy thì muộn, ảnh hưởng của nó đến tâm sinh lý của trẻ sẽ khác nhau. Một điều dễ nhận thấy ở các bạn gái bị dậy thì muộn là tâm lý tự ti so với bạn bè đồng lứa và sự lo lắng về khả năng sinh sản sau này. Tuy nhiên, nhìn chung dậy thì muộn không ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh sản của bạn gái khi trưởng thành. Sau khi dậy thì, bạn gái vẫn có khả năng sinh sản bình thường. Và để tránh các mặc cảm về tâm lý, phụ huynh cần chú ý chia sẻ nhiều hơn với trẻ.
3.2. Ảnh hưởng của dậy thì muộn đối với bé sự phát triên của trai
Với các bạn nam, dậy thì muộn nếu không được điều trị sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất. Về thể chất, hầu hết các bé trai dậy thì muộn thường thấp hơn nhiều so với các bạn đồng trang lứa. Nguyên nhân là do giai đoạn phát triển nhảy vọt của trẻ chậm hơn so với các bạn. Tuy nhiên, nếu được theo dõi và điều trị kịp thời, trẻ vẫn có thể phát triển đuổi kịp bạn bè vào năm 18 tuổi và có chiều cao bình thường như người trưởng thành.
Bên cạnh đó, dậy thì muộn còn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng sinh sản của nam giới. Cụ thể, hệ thống Nội tiết không kích hoạt quá trình phát triển của cơ quan sinh dục nam sẽ khiến dương vật bị nhỏ, tinh hoàn teo, gây ảnh hưởng xấu tới quá trình sinh tinh, có thể dẫn đến Vô sinh nam hoặc ảnh hưởng tới khả năng tổng hợp Testosterone của tinh hoàn.
Đồng thời, dậy thì muộn cũng gây ảnh hưởng xấu tới tâm lý của trẻ. Trẻ thường tách ra khỏi tập thể, bị rối loạn tâm lý, không muốn giao tiếp, thậm chí là trầm cảm.