Dậy thì muộn có làm sao không?

Dậy thì muộn là một dạng rối loạn phát triển dậy thì. Bệnh có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý, sự phát triển về thể chất và khả năng sinh sản của trẻ sau này.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Tuổi dậy thì là lúc cơ thể phát triển từ một đứa trẻ thành người trưởng thành. Dậy thì thường bắt đầu vào độ tuổi 9 - 12 ở con gái và 10 - 13 ở con trai. Biểu hiện Dậy thì muộn ở nam và ở nữ khác nhau. Cụ thể là:

1.1. Dậy thì muộn ở nam giới

Quá trình dậy thì ở bé trai diễn ra khi tuyến yên bắt đầu tiết ra nhiều hơn hormone luteinizing (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH) - chất khiến tinh hoàn phát triển và tạo ra hormone nam testosterone. Sự phát triển tăng vọt thường bắt đầu trong vòng 1 năm kể từ thời điểm trẻ có dấu hiệu dậy thì đầu tiên, thường vào lúc 15 tuổi.

Dấu hiệu nhận biết quá trình dậy thì đang diễn ra ở con trai là chiều cao tăng nhanh, nặng cân hơn, vai mở rộng, cơ bắp bắt đầu phát triển, thanh quản (cơ quan phát âm) to rộng ra nên giọng nói trở nên trầm đục. Hệ thống lông của trẻ phát triển, có ria mép và mọc râu, tinh hoàn và dương vật sẽ lớn hơn, có hiện tượng phóng tinh lần đầu.

Nếu trẻ trai đã bước qua tuổi 14 và không có các dấu hiệu kể trên, bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra vật lý để đánh giá kích thước của tinh hoàn và dương vật của trẻ. Nếu kết quả kiểm tra cho thấy dương vật và tinh hoàn không phát triển hơn trước thì chứng tỏ trẻ đã bị dậy thì muộn.

1.2. Dậy thì muộn ở nữ giới

Giai đoạn dậy thì ở bé gái bắt đầu khi tuyến yên sản xuất hormone luteinizing (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH). 2 loại hormone này khiến buồng trứng phát triển và bắt đầu sản sinh estrogen. Giai đoạn tăng trưởng nhảy vọt ở bé gái bắt đầu sau khi ngực phát triển và chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên sẽ xuất hiện khoảng 2 - 3 năm sau đó.

Thông thường, con gái bắt đầu dậy thì trong độ tuổi từ 11 - 15 với biểu hiện là sự xuất hiện của lần có kinh đầu tiên cùng một số dấu hiệu sinh dục phụ như chiều cao tăng lên, vú phát triển và xuất hiện lông ở cơ quan sinh dục. Nếu bạn gái không có bất kỳ dấu hiệu phát triển sinh dục nào ở tuổi 14 hoặc không có kinh nguyệt cho tới khi được 16 tuổi thì được gọi là dậy thì muộn.

2. Nguyên nhân gây dậy thì muộn

2.1. Nguyên nhân gây dậy thì muộn ở bé gái

  • Vấn đề ở buồng trứng: Suy buồng trứng sớm (do phóng xạ điều trị bệnh bạch cầu và một số loại ung thư hoặc mắc Hội chứng Turner - bệnh mất đi một phần hoặc toàn bộ nhiễm sắc thể X ở nữ giới), thiếu hormone tuyến yên (LH, và FSH), cơ thể không sản sinh hormone tăng trưởng đều là nguyên nhân gây dậy thì muộn ở trẻ nữ;
  • Thể chất: Một số bé gái dậy thì muộn do cơ thể trưởng thành muộn hơn so với bạn bè đồng trang lứa;
  • Di truyền: Trẻ bị dậy thì muộn có thể do di truyền từ cha hoặc mẹ;
  • Lượng mỡ trong cơ thể giảm đi: Dậy thì muộn thường xảy ra ở những bé gái hay vận động (chuyên viên thể dục, vũ công múa ba lê, tuyển thủ bơi lội), những trẻ mắc chứng chán ăn Tâm lý hoặc người mắc bệnh kinh niên - có hàm lượng chất béo thường xuyên bị giảm so với khối lượng mỡ trong cơ thể.

2.2. Nguyên nhân gây dậy thì muộn ở bé trai

  • Di truyền: Khoảng 70% trường hợp dậy thì muộn ở bé trai là do di truyền từ bố mẹ;
  • Mắc bệnh mạn tính: Những bé trai mắc các bệnh mạn tính như viêm đại tràng, thiếu máu Hồng cầu liềm hoặc Xơ nang thường dễ bị dậy thì muộn;
  • Thiếu hụt hormone: Một số bé trai bị dậy thì muộn do chứng thiếu hụt hormone điều hòa tuyến sinh dục riêng biệt (IGD) biểu hiện ở tình trạng thiếu hormone luteinizing (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH). Tình trạng này thường xuất hiện ngay từ khi sinh ra, bé trai mắc phải đều có dương vật nhỏ bất thường;
  • Vấn đề ở tinh hoàn: Các khiếm khuyết ở tinh hoàn, tinh hoàn quá nhỏ, đã từng phẫu thuật ở tinh hoàn hoặc phẫu thuật điều trị ung thư có thể là nguyên nhân khiến bé trai bị dậy thì muộn.

3. Dậy thì muộn có ảnh hưởng gì không?

3.1. Ảnh hưởng của dậy thì muộn đối với bé gái

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây chứng dậy thì muộn, ảnh hưởng của nó đến tâm sinh lý của trẻ sẽ khác nhau. Một điều dễ nhận thấy ở các bạn gái bị dậy thì muộn là tâm lý tự ti so với bạn bè đồng lứa và sự lo lắng về khả năng sinh sản sau này. Tuy nhiên, nhìn chung dậy thì muộn không ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh sản của bạn gái khi trưởng thành. Sau khi dậy thì, bạn gái vẫn có khả năng sinh sản bình thường. Và để tránh các mặc cảm về tâm lý, phụ huynh cần chú ý chia sẻ nhiều hơn với trẻ.

3.2. Ảnh hưởng của dậy thì muộn đối với bé trai

Với các bạn nam, dậy thì muộn nếu không được điều trị sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất. Về thể chất, hầu hết các bé trai dậy thì muộn thường thấp hơn nhiều so với các bạn đồng trang lứa. Nguyên nhân là do giai đoạn phát triển nhảy vọt của trẻ chậm hơn so với các bạn. Tuy nhiên, nếu được theo dõi và điều trị kịp thời, trẻ vẫn có thể phát triển đuổi kịp bạn bè vào năm 18 tuổi và có chiều cao bình thường như người trưởng thành.

Bên cạnh đó, dậy thì muộn còn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng sinh sản của nam giới. Cụ thể, hệ thống Nội tiết không kích hoạt quá trình phát triển của cơ quan sinh dục nam sẽ khiến dương vật bị nhỏ, tinh hoàn teo, gây ảnh hưởng xấu tới quá trình sinh tinh, có thể dẫn đến Vô sinh nam hoặc ảnh hưởng tới khả năng tổng hợp Testosterone của tinh hoàn.

Đồng thời, dậy thì muộn cũng gây ảnh hưởng xấu tới tâm lý của trẻ. Trẻ thường tách ra khỏi tập thể, bị rối loạn tâm lý, không muốn giao tiếp, thậm chí là trầm cảm.

4. Điều trị dậy thì muộn như thế nào?

4.1. Điều trị các vấn đề sức khỏe thể chất

  • Ở bé gái
    • Với trẻ bị dậy thì muộn về thể chất: Sử dụng phương pháp bổ sung estrogen trong 4 - 6 tháng để thúc đẩy quá trình dậy thì diễn ra sớm hơn;
    • Với trẻ bị dậy thì muộn do lượng mỡ cơ thể giảm: Cần cân bằng Dinh dưỡng cho trẻ để tăng cân đúng chỉ số yêu cầu, giúp giai đoạn dậy thì diễn ra bình thường;
    • Với trẻ mắc chứng suy buồng trứng sớm hoặc thiếu hụt hormone điều hòa tuyến sinh dục: Cho trẻ dùng estrogen dưới dạng viên estradiol hoặc miếng dán cho da 2 lần/tuần. Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng từ liều thấp và định kỳ 6 tháng sẽ tăng liều lên. Sau 12 - 18 tháng, bác sĩ sẽ tiếp tục bổ sung hormone progestin và sau vài tháng sẽ dừng progestin 1 - 2 ngày. Phụ huynh nên thảo luận với bác sĩ về khả năng sinh sản của trẻ sau này.
  • Ở bé trai
    • Dùng thuốc tiêm trong vài tháng. Sau khi tiêm thuốc, trẻ sẽ tăng chiều cao, tăng cân, kích thước dương vật tăng và lông mu phát triển;
    • Với trẻ mắc chứng thiếu hụt hormone điều hòa tuyến sinh dục riêng biệt (IGD) hoặc dương vật bị tổn thương, lựa chọn điều trị tốt nhất là bổ sung testosterone. Liều lượng sử dụng cần tăng theo thời gian và tiếp tục bổ sung khi đã trưởng thành.

4.2. Trị liệu tâm lý

Phụ huynh cần chú ý tới sức khỏe thể chất và tinh thần của con. Nếu thấy trẻ có cảm giác mặc cảm, tự ti, cha mẹ cần chú ý chia sẻ nhiều hơn, chỉ ra những điểm mạnh của trẻ thay vì chỉ tập trung vào những vấn đề trên cơ thể mình. Đối với trẻ, khi có các dấu hiệu của dậy thì muộn, tốt nhất nên báo với phụ huynh để đi kiểm tra càng sớm càng tốt. Các em cũng nên giữ tâm lý bình tĩnh, đón nhận chuyện này một cách tự nhiên, chia sẻ với người lớn nhiều hơn và tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ để đuổi kịp đà phát triển của lứa tuổi, đảm bảo đời sống tâm sinh lý bình thường.

Nhìn chung, hầu hết các trường hợp dậy thì muộn ở trẻ không gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, sự phát triển của trẻ. Dù vậy, phụ huynh vẫn cần quan tâm hơn tới con cái để kịp thời phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường để sớm đi kiểm tra và có phương án điều trị kịp thời, hiệu quả.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung