1. Suy giảm Testosterone có chữa được không?
Sự suy giảm nồng độ testosterone trong máu có thể dẫn tới hàng loạt hệ lụy cho cánh đàn ông, chẳng hạn như suy giảm khả năng tình dục, giảm sản xuất tinh trùng... Hiện nay, tỷ lệ nam bị suy giảm testosterone đang ngày càng trẻ hóa và trở thành nỗi Lo âu không nhỏ đối với phái mạnh khi chưa rõ suy giảm testosterone có chữa được không?
Trên thực tế, đa phần bệnh nhân đến thăm khám bác sĩ khi mức độ testosterone giảm xuống khá thấp, gây không ít khó khăn cho quá trình chữa trị. Nguyên nhân là vì Tâm lý lo lắng, cảm giác sợ khi phát hiện bệnh, e ngại mắc phải vấn đề nam khoa. Tuy nhiên, suy giảm testosterone hoàn toàn có thể chữa được bằng cách làm giảm các triệu chứng khó chịu và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
2. Chẩn đoán và phát hiện sớm hội chứng suy giảm testosterone
Thông thường, hội chứng suy giảm testosterone ở nam giới bắt đầu xuất hiện ở tuổi 30. Thế nhưng lúc này, các biểu hiện bệnh chưa thể hiện rõ ràng ra bên ngoài mà chỉ có lượng testosterone trong máu bắt đầu suy giảm dần theo thời gian. Đến 40 tuổi, cánh đàn ông sẽ nhận thấy hiện tượng mãn dục do bị suy giảm testosterone xảy ra rõ ràng hơn. Khoảng thời gian sau 40 tuổi, nếu nam giới tự nhiên thấy xuất hiện dấu hiệu Thần kinh căng thẳng, tâm trạng hay cáu gắt, mất ngủ, hiệu quả làm việc giảm sút, sức khỏe yếu đi, hay có những cơn mệt lã người thì rất có thể đó là triệu chứng nam giới bị suy giảm testosterone biểu hiện rõ ra bên ngoài.
Khi thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán, đo huyết áp thấy trị số huyết áp tăng cao, Xét nghiệm đường huyết thấy chỉ số đạt mức cao hơn bình thường, lượng mỡ máu cũng cao, nhịp tim đập nhanh hay nhịp không đều, cảm thấy hồi hộp thường xuyên thì nên nghĩ đến việc điều trị suy giảm testosterone. Bên cạnh đó, sự nhiệt huyết trong quan hệ vợ chồng cũng dần sụt giảm, ham muốn Tình dục thuở đầu vốn còn sung mãn nay trở nên mơ hồ không rõ rệt, khi “lâm trận” cũng thấy yếu đi, đôi lúc không thể đạt đỉnh thì đó là báo hiệu cần phải tìm cách điều trị suy giảm testosterone càng sớm càng tốt.
3. Hướng điều trị suy giảm testosterone
Đối với những người chưa thật sự hiểu biết rõ về hiện tượng suy giảm testosterone, họ thường chủ quan, không có động thái điều trị suy giảm testosterone ngay cả khi đã bắt đầu có biểu hiện bệnh. Chỉ khi nhận thấy triệu chứng suy giảm ham muốn tình dục, xuất tinh sớm, rối loạn cương dương... xuất hiện, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sinh hoạt vợ chồng thì bệnh nhân mới thật sự sợ hãi và đi tìm phương cách điều trị.
Hiện nay để điều trị suy giảm testosterone ở nam giới, các bác sĩ sử dụng liệu pháp thay thế testosterone. Phương pháp này có cơ chế tác dụng giúp làm giảm các triệu chứng khó chịu và cải thiện chất lượng cuộc sống, không gây ra nhiều rủi ro và đã được kiểm chứng thử nghiệm qua các nghiên cứu lâm sàng và kết quả điều trị thực tế. Trước khi thực hiện, bệnh nhân cần làm các xét nghiệm như chức năng gan, chức năng thận, siêu âm tuyến tiền liệt để bác sĩ có thể chẩn đoán các vấn đề liên quan và sức khỏe tổng thể.
Liệu pháp thay thế testosterone có nhiều dạng dùng phù hợp với nhu cầu của từng bệnh nhân, bao gồm dạng gel, miếng dán, viên ngậm, dạng uống, dạng tiêm hay thậm chí là cấy dưới da. Trong đó, điều trị suy giảm testosterone bằng phương pháp bổ sung testosterone dạng gel, dạng tiêm hiện đang được áp dụng phổ biến và mang lại hiệu quả tương đối cao. Liệu pháp thay thế testosterone giúp bệnh nhân giải quyết các triệu chứng do suy giảm testosterone, chẳng hạn như tác dụng giúp cải thiện ham muốn, tăng cường khả năng cương cứng, ổn định lại lượng cơ.
Tuy nhiên, không phải bất cứ nam giới nào bị suy giảm testosterone đều cần được điều trị bằng liệu pháp thay thế testosterone. Trên thực tế, điều trị bằng testosterone thay thế có khả năng dẫn đến một số rủi ro nhất định. Việc lựa chọn điều trị cần được bác sĩ chuyên về Nam khoa và tiết niệu chỉ định tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân. Mặt khác, bác sĩ có thể đề nghị nam giới điều trị suy giảm testosterone không dùng thuốc. Những thay đổi tích cực trong chế độ ăn uống, luyện tập thể dục, thói quen ngủ, hạn chế căng thẳng có thể giúp gia tăng nồng độ hormone testosterone và cũng mang lại hiệu quả khắc phục triệu chứng bệnh.
4. Lời khuyên của thầy thuốc
Thống kê cho thấy có tới gần một nửa số bệnh nhân không nhận thấy các biểu hiện suy giảm về sức khỏe tình dục trong khi nồng độ testosterone thì vẫn suy giảm theo thời gian. Đó cũng là lý do khiến cho phần lớn nam giới bị suy giảm testosterone đến khám muộn, dẫn đến việc điều trị gặp không ít khó khăn. Vì vậy, cánh nam giới cần lưu ý khi cảm thấy có những thay đổi bất thường về khả năng Tình dục cũng như tình trạng sức khỏe thì không nên né tránh hay xem nhẹ bệnh mà cần chủ động đi khám chuyên khoa nam học và tiết niệu để tìm giải pháp khắc phục chính xác, tránh đi khám lòng vòng, sử dụng thuốc tùy tiện.
Để phòng ngừa cũng như hỗ trợ điều trị suy giảm testosterone, phái mạnh cần có chế độ sinh hoạt và làm việc khoa học, hợp lý, tuân thủ nhịp sinh học của bản thân. Buổi tối cần ngủ đủ giấc, đủ sâu để giúp cơ thể phục hồi tốt nhất. Chế độ ăn uống hàng ngày nên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, khẩu phần ăn hợp lý, sạch và an toàn. Nên lựa chọn những thực phẩm có nguồn gốc sạch, tránh dầu mỡ, bổ sung nhiều chất xơ, hải sản để tăng cường vitamin và chất khoáng, bồi bổ cơ thể. Ngoài ra, nên hạn chế sử dụng các sản phẩm không tốt cho sức khỏe như rượu, bia, cà phê, thuốc lá...
Bên cạnh đó, bệnh nhân bị suy giảm testosterone cần kết hợp tập luyện các môn thể thao đều đặn phù hợp với lứa tuổi và thể trạng như: đi bộ, đạp xe, đánh cầu lông, chạy bộ, bơi,... để duy trì sự dẻo dai của hệ cơ xương khớp và giúp máu tuần hoàn liên tục đều khắp cơ thể, duy trì và nâng cao thể lực thường xuyên.