Mục lục:

Suy thận mạn tính: Dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị

Suy thận mạn là căn bệnh không thể điều trị khỏi hoàn toàn, các phương pháp điều trị suy thận mạn hiện tại chỉ có thể giúp làm chậm quá trình phát triển của bệnh và giảm các triệu chứng, biến chứng trên cơ thể người bệnh. Tuy vậy, hiệu quả sẽ tỉ lệ thuận với thời gian phát hiện và tiến hành điều trị.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Dấu hiệu cảnh báo bệnh suy thận mạn tính

Những triệu chứng cảnh báo của bệnh suy thận mạn tính thường rất mơ hồ nên người bệnh chủ quan không quan tâm, đến giai đoạn cuối, các dấu hiệu cảnh báo bắt đầu bùng phát, người bệnh sẽ cảm thấy:

  • Cơ thể mệt mỏi, không khỏe
  • Buồn nôn liên tục, giảm cân và kém ăn.
  • Buồn tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn so với bình thường, nước tiểu đậm màu.
  • Mi Mắt có cảm giác nặng trĩu, sưng nề 2 chi dưới.
  • Ngứa hoặc nổi ban trên da.

Ngay khi có những biểu hiện này, hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế để thăm khám, tiến hành các Xét nghiệm chẩn đoán và tìm ra phương pháp điều trị suy thận mạn tính kịp thời, điều trị càng sớm thì hiệu quả càng cao.

Suy thận mạn tính: Dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị - ảnh 1
Buồn nôn liên tục, giảm cân và kém ăn là những dấu hiệu cảnh báo bệnh suy thận mạn tính

2. Suy thận mạn có chữa khỏi được không?

“Suy thận mạn có chữa khỏi được không?” hiện đang là thắc mắc của rất nhiều người, tuy nhiên để trả lời được câu hỏi này thì cần phải xem xét trên nhiều yếu tố. Không có biện pháp nào có thể chữa khỏi suy thận mạn tính hoàn toàn. Nhưng việc điều trị kịp thời có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh và giảm nhẹ các triệu chứng, hạn chế nguy cơ các biến chứng suy thận mạn tính gây ra cho con người.

3. Phương pháp điều trị suy thận mạn tính

3.1 Điều trị nguyên nhân

Đây là phương pháp điều trị suy thận mạn then chốt, giúp kiểm soát chặt chẽ đường máu và huyết áp bằng các loại thuốc cũng như chế độ luyện tập, ăn uống, giảm cân và thói quen sinh hoạt của người bệnh. Điều trị nguyên nhân sẽ giúp làm chậm các tổn thương mà bệnh gây ra.

3.2 Điều trị huyết áp

Huyết áp tăng vừa là nguyên nhân gây ra bệnh suy thận mạn lại vừa là hậu quả mà bệnh gây ra. Về mặt y học, sở dĩ huyết áp tăng là do một phần lượng dịch tăng lên trong máu cũng như các mô cơ quan của bạn vì thận mất chức năng thải dịch (nước). Chính vì thế, nếu như không điều trị huyết áp tăng sẽ tiếp tục hủy hoại thận của người bệnh cũng như dẫn tới các bệnh lý Tim mạch khác.

Đối với phương pháp điều trị suy thận mạn tính này, bác sĩ sẽ kê cho người bệnh thuốc huyết áp thuộc nhóm ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể để vừa giúp làm giảm huyết áp vừa tăng chức năng cho thận. Trường hợp thuốc không mang lại hiệu quả điều trị hoặc vì lý do nào mà người bệnh không sử dụng được thuốc thì bác sĩ sẽ kê nhóm thuốc khác.

Suy thận mạn tính: Dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị - ảnh 2
Điều trị nguyên nhân là phương pháp điều trị suy thận mạn then chốt

3.3 Kiểm soát Cholesterol

Bệnh suy thận mạn tính là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra nhiều bệnh lý tim mạch, chính vì thế khi điều trị suy thận mạn tính, bác sĩ có thể sẽ kê thuốc Statin giúp làm giảm nguy cơ này. Loại thuốc này sẽ giúp làm giảm các cholesterol xấu và khiến chúng không thể bám vào thành các mạch máu của người bệnh để gây nên các vấn đề về tắc nghẽn mạch máu.

3.4 Điều trị các vấn đề gây nên bởi suy thận

Chữa khỏi suy thận mạn tính hoàn toàn là điều không thể, tuy nhiên các phương pháp điều trị sẽ giúp giảm thiểu các vấn đề mà bệnh gây ra trên cơ thể người bệnh, cụ thể:

  • Tình trạng ứ dịch: Khi thận không hoạt động tốt thì sẽ làm cho dịch tích tụ trong cơ thể, điều này khiến cho chân của người bệnh bị sưng phù và huyết áp tăng cao. Lúc này, bác sĩ sẽ kê thuốc lợi tiểu để giúp người bệnh đào thải bớt nước trong cơ thể qua đường tiểu.
  • Tình trạng thiếu máu: Khi bị suy thận mạn tính, thận không sản xuất đủ một chất có tên là erythropoietin (EPO) và người bệnh có số lượng tế bào hồng cầu ít hơn bình thường, điều này sẽ khiến cho người bệnh cảm thấy khó thở và mệt mỏi. Việc điều trị suy thận mạn tính lúc này sẽ bao gồm tiêm một chất có hoạt động giống EPO (gọi là chất kích thích sinh EPO), người bệnh có thể uống thêm Sắt hoặc tiêm thêm sắt.
  • Tình trạng yếu xương: Khi thận bị tổn thương, việc cung cấp những chất Vitamin D, photpho canxi sẽ bị ảnh hưởng và gây nên các vấn đề về xương. Đặc biệt, nếu Nồng độ canxi trong máu quá thấp sẽ làm kích thích sản xuất hormon tuyến cận giáp (PTH) gây nên mất canxi từ xương, theo thời gian xương sẽ biến dạng và các khớp sưng nề. Để ngăn chặn những điều này, nhiều bệnh nhân suy thận mạn sẽ được bổ sung canxi và vitamin D. Cũng có thể, người bệnh sẽ được kê một số thuốc được gọi là gắn phosphate, với mục đích làm giảm số lượng phosphate trong máu.
  • Tình trạng dư thừa acid: Trong trường hợp thận không thể loại bỏ hoàn toàn acid khỏi cơ thể, khiến cơ thể có thể rơi vào tình trạng toan chuyển hóa, tình trạng máu dư thừa acid sẽ dẫn tới một số vấn đề như loạn nhịp tim, hôn mê, co giật. Người bệnh lúc này sẽ được điều trị với các thuốc kháng acid được gọi là muối bicarbonate (banking soda).
  • Quá nhiều Kali: Khi thận hoạt động không hiệu quả, kali có thể tăng lên trong máu và gây ra tình trạng tăng Kali máu, có thể dẫn tới rối loạn nhịp tim, ngừng tim và các vấn đề khác liên quan tới Thần kinh cơ. Người bệnh sẽ được kê lợi tiểu hoặc một số loại thuốc khác để cơ thể không bị quá tải dịch và Kali.
  • Xác định chế độ ăn và hoạt động của người suy thận mạn phù hợp với giai đoạn bệnh.

3.5 Điều trị suy thận mạn tính giai đoạn cuối

Trường hợp điều trị suy thận mạn tính không đáp ứng và thận ngày càng yếu đi thì bệnh nhân sẽ bước vào giai đoạn suy thận mạn tính giai đoạn cuối, đồng nghĩa với việc chỉ còn lại 15% chức năng thận bình thường và không thể lọc bỏ các chất độc, dịch dư thừa ra khỏi cơ thể, phương pháp điều trị suy thận mạn tính lúc này sẽ được tiến hành lọc máu và ghép thận.

Chữa khỏi suy thận mạn tính hoàn toàn là điều không thể nhưng người bệnh cũng không nên quá bi quan, chỉ cần thăm khám sức khỏe định kỳ và điều trị theo đúng phác đồ mà bác sĩ đưa ra sẽ giúp kéo dài tuổi thọ và giảm đáng kể những tác động xấu mà bệnh gây ra..

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung