1. Viêm cầu thận cấp là bệnh gì?
Viêm cầu thận cấp là một bệnh lý gây tổn thương thận cấp tính. Trên đối tượng trẻ em, nguyên nhân thường gặp là sau nhiễm liên cầu khuẩn. Bệnh khởi phát đột ngột với phù toàn thân, tiểu ít, tiểu máu, tiểu đục, tăng huyết áp và có thể nguy hiểm đến tính mạng do suy thận cấp, suy tim cấp, phù phổi cấp, phù não... nếu không được cứu chữa kịp thời. Mặt khác, nếu không được điều trị đúng cách, tổn thương thận kéo dài làm suy thận mạn về sau.
Do đó, điều trị viêm cầu thận cấp ở trẻ em cần thận trọng và phối hợp nhiều thành phần như trình bày sau đây.
2. Điều trị nhiễm trùng do Streptococcus
Các kháng sinh Cephalosporin và Penicillin thuộc nhóm β Lactam là các kháng sinh được lựa chọn để điều trị nhiễm trùng do Streptococcus nhằm hạn chế việc lan truyền của vi khuẩn.
Liều dùng tham khảo là Penicilline V 100.000 đơn vị/kg cân nặng cơ thể/ngày trong 10 ngày. Nếu Dị ứng với Penicilline V, dùng Erythromycin 30 – 50 mg/kg cân nặng cơ thể/ngày trong 10 ngày.
Nếu tình trạng nặng, nên quyết định sử dụng liệu pháp kháng sinh phối hợp giữa penicillin và một kháng sinh khác sớm ngay từ đầu.
3. Điều trị tăng huyết áp
Tăng huyết áp trong viêm cầu thận cấp cũng như các bệnh lý thận tiết niệu nói chung là tăng huyết áp thứ phát. Do đó, khi kết hợp vừa điều trị nguyên nhân, vừa điều trị triệu chứng, tình trạng tăng huyết áp cũng gián tiếp được điều chỉnh về bình thường.
Tuy nhiên, nếu huyết áp của trẻ quá cao hay xảy ra các tổn thương cơ quan đích do biến chứng của tăng huyết áp trên tim, não, phổi cũng như làm nặng nề thêm tình trạng suy thận, cần phải hạ áp tích cực. Lúc này, bên cạnh đơn trị liệu hạ áp, có thể phối hợp thuốc với nhiều cơ chế tác dụng như thuốc tác dụng trung ương, thuốc phong tỏa hạch giao cảm, thuốc chẹn β, thuốc chẹn kênh calci, thuốc ức chế men chuyển, giảm tiết renin. Việc lựa chọn loại thuốc, liều dùng sẽ tuỳ theo từng điều kiện cá thể và biến chuyển lâm sàng. Nếu không đáp ứng với thuốc, có thể cần can thiệp bằng lọc máu.
4. Điều trị lợi tiểu
Các thuốc lợi tiểu vừa giúp tăng lượng nước tiểu, giảm phù, qua đó giúp hạ huyết áp, giảm kali máu, điều chỉnh toan kiềm và cải thiện chức năng thận.
Đây là các thuốc có tác dụng chính là làm tăng lượng nước tiểu, tăng thải trừ natri và ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự bài xuất của một số chất điện giải như thuốc lợi tiểu làm giảm kali máu qua cơ chế phong toả men carbonic anhydrase, thuốc lợi tiểu giữ kali máu qua cơ chế kháng aldosteron hoặc giả kháng aldosteron, thuốc lợi tiểu thẩm thấu...
Liều lợi tiểu được điều chỉnh mỗi ngày tùy vào mức độ đáp ứng cải thiện triệu chứng. Các thuốc lợi tiểu thường dùng là Furosemide và Mannitol.
5. Điều chỉnh các rối loạn điện giải
- Điều trị tăng kali máu: Khi nồng độ kali máu tăng cao, cần thải kali ra ngoài bằng Sodium polyesterene sulfonate resin uống hoặc thụt đại tràng cho trẻ nếu trẻ không uống được, kèm theo sorbitol giúp gây tiêu chảy thẩm thấu để kali mau đào thải ra ngoài. Nếu kali vẫn cao, xem xét phối hợp thêm Gluconate Canxi, Bicarbonate Natri, Insulin kèm glucose ưu trương có tác dụng làm kali vào lại nội bào. Sau vài giờ, nếu không hiệu quả, cần chỉ định cho trẻ được can thiệp thay thế thận sớm.
- Kiểm soát toan máu bằng Bicarbonate Natri.
- Chống Hạ Canxi máu bằng cách làm giảm phosphore máu, dùng Amphogel 3 mg/kg/ngày
- Chống hạ natri máu bằng cách hạn chế uống nước nhược trương và bù natri ưu trương nếu natri giảm quá thấp.
6. Điều trị không dùng thuốc
Chế độ nghỉ ngơi: Cho trẻ nghỉ ngơi tại giường hoặc chỉ vận động nhẹ nhàng, tránh chơi đùa chạy nhảy cho đến khi hết phù và huyết áp trở lại bình thường.
Hạn chế nước uống vào: Nếu trẻ còn tiểu được nhưng giảm hơn bình thường, tổng lượng nước vào trong ngày chỉ bằng tổng thể tích nước mất ra ngoài của ngày hôm trước (qua nước tiểu, phân) và thêm khoảng 200 - 500 ml (là lượng nước mất không nhận biết được).
Trong trường hợp trẻ vô niệu hoàn toàn: truyền Glucose 10-30%: 35-45 ml/kg/24 giờ.
Chế độ dinh dưỡng: Chế độ ăn của trẻ cần hạn chế muối tối đa, nhằm tránh giữ nước và giảm phù. Sau giai đoạn cấp, trẻ có thể ăn uống bình thường trở lại. Bên cạnh đó, cần đảm bảo năng lượng cần thiết cho trẻ, tối thiểu là 50 Kcalo/kg/ngày.
7. Các điều trị khác
Chống co giật trong tổn thương Não do cao huyết áp: Diazepam 0,5 - 1 mg/kg hoặc Phenobarbital 3 – 5 mg/kg.
Thẩm phân phúc mạc hoặc lọc máu ngoài thận (thận nhân tạo) khi đã phối hợp điều trị nhiều cơ chế nhưng lâm sàng không cải thiện, trẻ diễn tiến vô niệu trên ba ngày hay có tình trạng Ngộ độc nước, Nhiễm toan nặng, Tăng Kali máu nặng, tăng ure máu nặng, tăng huyết áp cấp cứu, phù phổi cấp đề kháng với thuốc.
Tóm lại, mặc dù trên 90% trẻ em có viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu có thể khỏi hoàn toàn với điều trị bảo tồn, tuy nhiên, nếu phác đồ điều trị viêm cầu thận cấp không đúng cách, các biến chứng cấp tính có thể đe dọa tính mạng hay di chứng suy thận mạn lâu dài. Vì vậy, cha mẹ cần nhận biết sớm các dấu hiệu của viêm cầu thận cấp ở trẻ và nhanh chóng đưa đến bệnh viện để can thiệp kịp thời, phòng ngừa hệ lụy đáng tiếc.