1. Gây mê mask thanh quản cắt u Thần kinh là gì?
Gây mê mask thanh quản là một kỹ thuật gây mê bằng đường toàn thân. Trong đó, bằng cách sử dụng mask thanh quản, bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức có thể kiểm soát được chức năng Hô hấp trong suốt cuộc phẫu thuật, cho phép bác sĩ ngoại khoa thực hiện cuộc mổ để cắt u thần kinh nói riêng hay các loại phẫu thuật khác nói chung.
Chỉ định thực hiện gây mê mask thanh quản thay thế cho phương thức truyền thống là gây mê nội khí quản là các trường hợp đã được đánh giá trước đó có khả năng đặt nội khí quản khó trong thăm khám tiền phẫu. Đồng thời, nếu việc đặt ống nội khí quản ban đầu với sự trợ giúp bằng nòng sắt thành công thì khi rút nòng Sắt ra, nguy cơ chèn ép từ khối mô mềm lân cận trong vùng hầu họng cũng sẽ khiến cho lưu lượng thông khí khó đạt được hay dễ bị gập ống, không thông khí.
Ngoài ra, với các trường hợp ngưng tim ngưng thở hay suy hô hấp có chỉ định can thiệp hồi sức cấp cứu, nếu đạt nội khí quản thất bại nhiều lần thì mask thanh quản cũng là một dụng cụ thiết yếu, hiệu quả trong kiểm soát đường thở và trợ giúp thông khí trong bối cảnh này.
Tuy nhiên, dù cho có những ưu điểm vượt trội so với việc đặt nội khí quản, đặt mask thanh quản vẫn có một số chống chỉ định nhất định. Trong đó, nổi bật nhất là trường hợp người bệnh sau ăn hay có dạ dày đầy vì khả năng bịt kín đường thở khi sử dụng mask thanh quản không đạt được hoàn toàn so với đặt nội khí quản. Mặt khác, do có kích thước lớn hơn ống nội khí quản, mask thanh quản cũng gặp hạn chế trên các bệnh nhân đang có những tổn thương hàm mặt phức tạp do Chấn thương hoặc nhiễm trùng.
2. Các bước chuẩn bị để gây mê mask thanh quản cắt u thần kinh
Về nhân lực
Bác sĩ, kỹ thuật viên và/hoặc điều dưỡng viên chuyên khoa gây mê hồi sức đã được đào tạo thuần thục kỹ thuật đặt mask thanh quản và gây mê toàn thân.
Về phương tiện
- Nguồn oxy 100%
- Hệ thống máy gây mê kèm chức năng kiểm soát hô hấp nhân tạo
- Máy theo dõi chức năng sống trên các thông số điện tâm đồ, huyết áp không xâm lấn hay huyết áp động mạch xâm lấn, SpO2, EtCO2, nhịp thở, nhiệt độ.
- Các phương tiện hồi sức cấp cứu như máy phá rung tim, máy hút đàm nhớt, ống hút, thuốc vận mạch, mặt nạ (mask), bóng bóp, canul miệng hầu và các phương tiện dự phòng đặt nội khí quản: ống nội khí quản và đèn soi thanh quản
- Mask thanh quản các cỡ
- Thuốc Gây tê tại chỗ như Lidocain 10% dạng xịt
- Thuốc Giãn phế quản nhanh như Salbutamol dạng xịt
Về người bệnh
- Thực hiện thăm khám tiền mê thường quy và đánh giá đặt nội khí quản khó để lựa chọn phương án đặt mask thanh quản phù hợp
- Thăm khám phát hiện và phòng ngừa các nguy cơ đối với cuộc gây mê, phẫu thuật, nhất là các bệnh nội khoa như chức năng tim mạch, hô hấp
- Giải thích và yêu cầu sự đồng thuận từ người bệnh và gia đình về quy trình gây mê hồi sức và cuộc phẫu thuật, những nguy cơ, biến chứng và rủi ro có thể xảy ra xoay quanh cuộc mổ.
- Giải thích cho người bệnh cùng hợp tác với các nhân viên y tế trong quá trình chuẩn bị tiền phẫu và tiền mê
- Đánh giá đặt mask thanh quản khó và lên các phương án dự phòng thích hợp
- Xem xét sử dụng thuốc an thần tối hôm trước mổ nếu cần khi bệnh nhân quá lo lắng, căng thẳng
- Vệ sinh cơ thể và chế độ Dinh dưỡng theo quy trình tiền phẫu
Về hành chính
- Hồ sơ bệnh án phù hợp với chỉ định gây mê mask thanh quản cắt u thần kinh và không vi phạm chống chỉ định
- Các Xét nghiệm tiền phẫu
- Giấy đồng thuận phẫu thuật của người bệnh và gia đình
3. Các bước tiến hành trong gây mê mask thanh quản cắt u thần kinh
Kiểm tra hồ sơ đầy đủ theo quy định
Kiểm tra người bệnh đúng tên tuổi và chỉ định phẫu thuật
Thực hiện kỹ thuật tiền mê:
- Sắp xếp người bệnh đúng tư thế: nằm ngửa, thở oxy 100% 3-6 l/phút trước khởi mê ít nhất 5 phút.
- Lắp đặt các phương tiện, máy móc theo dõi
- Thiết lập đường truyền có hiệu quả với kim lớn và dung dịch sinh lý giữ vein
Thực hiện kỹ thuật khởi mê:
- Thuốc ngủ: Thuốc mê tĩnh mạch (propofol, etomidat, thiopental, ketamin...), thuốc mê bốc hơi (sevofluran...).
- Thuốc giảm đau: fentanyl, sufentanil, morphin...
- Thuốc giãn cơ (nếu cần): (succinylcholin, rocuronium, vecuronium...).
- Đánh giá thời điểm đủ điều kiện đặt mask thanh quản là khi người bệnh ngủ sâu, đủ độ giãn cơ, nếu cần có thể dùng thuốc
Kỹ thuật đặt mask thanh quản:
- Đặt đầu người bệnh ở tư thế trung gian hoặc hơi ngửa
- Cầm mask thanh quản như cầm bút, ngón tay trỏ đặt vào chỗ nối giữa mask thanh quản và phần ống
- Một tay mở miệng người bệnh
- Tay kia đưa mask thanh quản qua các cung răng vào gốc lưỡi, tỳ mặt sau mask vào khẩu cái cứng, đẩy mask trượt dọc theo khẩu cái cứng để vào vùng hạ hầu
- Dừng lại khi gặp lực cản
- Bơm cuff để cố định theo đúng thể tích được hướng dẫn trên mask thanh quản, có thể kiểm tra bằng dụng cụ đo áp lực bóng chèn.
- Kiểm tra độ kín của mask thanh quản bằng các dấu hiệu là không có dò khí và khả năng thông khí dễ dàng
- Kiểm tra vị trí đúng của mask thanh quản bằng cách nghe tiếng rì rào phế nang đều khắp phế trường hai bên phổi và kết quả EtCO2 theo dõi trên máy monitor
- Cố định bằng băng dính
Thực hiện kỹ thuật duy trì mê:
- Duy trì mê bằng thuốc mê tĩnh mạch hoặc thuốc mê bay hơi tùy vào cơ địa và các bệnh lý đi kèm của người bệnh và phối hợp với thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ nếu cần. Điều chỉnh liều lượng thuốc theo các thông số theo dõi trên máy monitor và máy thở
- Kiểm soát hô hấp bằng máy hoặc bóp tay
- Theo dõi độ sâu của gây mê dựa vào nhịp tim, huyết áp, vã mồ hôi, chảy nước mắt (PRST); MAC, BIS và Entropy (nếu có)...
- Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn: Nhịp tim, huyết áp, SpO2, EtCO2, thân nhiệt.
- Đề phòng khả năng xảy ra di lệch vị trí, tụt, gập, tắc mask thanh quản.
Tiêu chuẩn rút mask thanh quản:
- Người bệnh tỉnh, thực hiện được đúng theo y lệnh.
- Nâng đầu trên 5 giây, TOF >0,9 trong trường hợp có sử dụng thuốc giãn cơ.
- Tự thở chủ động được, nhịp đều, tần số thở trong giới hạn bình thường.
- Mạch, huyết áp ổn định.
- Thân nhiệt trên 350C.
- Không có biến chứng của gây mê và phẫu thuật.
4. Các tai biến có thể gặp phải và cách xử trí khi gây mê mask thanh quản cắt u thần kinh
Trào ngược dịch dạ dày vào đường thở: Nhận biết bằng cách quan sát thấy có dịch tiêu hóa trong khoang miệng và đường thở. Lúc này, cần hút sạch ngay dịch, nằm đầu thấp, nghiêng đầu hẳn sang một bên. Có thể đặt nhanh ống nội khí quản để tiếp cận và hút sạch dịch trong đường thở. Đồng thời theo dõi và đề phòng nhiễm trùng phổi sau mổ
Rối loạn huyết động như hạ hoặc tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim: Khả năng của phản xạ trong quá trình gây mê và xử trí tùy theo triệu chứng, nguyên nhân.
Chấn thương khi đặt mask thanh quản: Các dạng tổn thương có thể gặp phải là chảy máu, gãy răng, tổn thương dây thanh âm, rơi dị vật vào đường thở... và cách xử trí tùy theo dạng tổn thương.
Biến chứng có thể gặp phải sau khi rút mask thanh quản: Nặng nề nhất là suy hô hấp do phản xạ co thắt đường thở. Các biến chứng khác là viêm đường hô hấp trên, đau họng, khàn tiếng... có thể cần điều trị hay tự thuyên giảm.
Tóm lại, gây mê mask thanh quản là một biện pháp giúp “cứu vãn” cho các trường hợp đặt nội khí quản khó cần phải phẫu thuật. Với chỉ định cắt u thần kinh hay các trường hợp cần can thiệp ngoại khoa khác, như các cách thức truyền thống, gây mê mask thanh quản cắt u thần kinh vẫn đảm bảo an toàn cho người bệnh và hiệu quả cuộc mổ.