Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Những điều cần biết về Giãn tĩnh mạch buồng trứng

27/08/2022
Những điều cần biết về Giãn tĩnh mạch buồng trứng

Giãn tĩnh mạch buồng trứng là một bệnh lý mạn tính và tiến triển từ từ. Bệnh thường không có dấu hiệu rõ ràng nên rất dễ nhầm lẫn. Do đó, nhiều bệnh nhân mắc bệnh không được điều trị kịp thời dẫn đến biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản, thậm chí là vô sinh.

1. Giãn tĩnh mạch buồng trứng là gì?

Giãn tĩnh mạch buồng trứng được hiểu là hệ tĩnh mạch ở đây giãn to hơn bình thường, gây hội chứng xung huyết tĩnh mạch mạn tính. Bệnh thường được chẩn đoán khi chị em bị đau vùng tiểu khung mà nguyên nhân không phải do chu kỳ kinh nguyệt, thời gian đau kéo dài từ 6 tháng trở lên. Theo thống kê, hội chứng này xuất hiện ở khoảng 39.1% phụ nữ, ở tất cả các độ tuổi với các mức độ khác nhau.

Theo một số nghiên cứu thống kê, hội chứng này chủ yếu xuất hiện ở phụ nữ dưới 45 tuổi, song tỷ lệ phụ nữ chưa từng Mang thai mắc phải tình trạng này rất thấp. Có khoảng 15% phụ nữ đến khám tại các phòng khám Phụ khoa được chẩn đoán là do hội chứng xung huyết tĩnh mạch gây ra. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào bị đau tiểu khung cũng do nguyên nhân Giãn tĩnh mạch buồng trứng hoặc suy buồng trứng, chỉ khoảng 30% trường hợp đau là do nguyên nhân này.

Những điều cần biết về Giãn tĩnh mạch buồng trứng - ảnh 1
Suy buồn chứng có thể là một trong những yếu tố gây đau tiểu khung

2. Dấu hiệu của giãn tĩnh mạch buồng trứng

Biểu hiện chủ yếu của bệnh giãn tĩnh mạch buồng trứng là đau vùng bụng dưới kéo dài, có hoặc không kèm theo đau lưng. Tính chất cơn đau thường mãn tính, kéo dài, âm ỉ. Cơn đau có xu hướng tăng lên sau mỗi lần quan hệ tình dục, đau khi đến chu kỳ Hành kinh hoặc đang mang thai. Ngoài ra, sau một ngày làm việc mệt mỏi, đặc biệt là phụ nữ làm công việc phải đứng nhiều thì cơn đau cũng tăng hơn về cuối ngày.

Ngoài đau bụng, những phụ nữ bị giãn tĩnh mạch buồng trứng còn có các triệu chứng khác, bao gồm:

  • Đái dắt, đái lắt nhắt do bàng quang bị kích thích.
  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều, rong kinh, chậm kinh. Âm đạo có thể ra dịch bất thường.

Ngoài giãn tĩnh mạch buồng trứng còn có thể kèm theo cả giãn tĩnh mạch âm hộ, mông hoặc đùi.

Những điều cần biết về Giãn tĩnh mạch buồng trứng - ảnh 2
Chậm kinh là triệu chứng phổ biến của bệnh

3. Bệnh được chẩn đoán như thế nào?

Khi phát hiện các triệu chứng như trên, người bệnh cần nhanh chóng đến thăm khám tại các bệnh viện có chuyên khoa phụ sản. Bác sĩ có thể chỉ định nhiều phương pháp Xét nghiệm khác nhau giúp việc chẩn đoán bệnh được chính xác hơn. Cụ thể như sau:

  • Siêu âm tiểu khung thông thường: Đây là phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng đơn giản nhất trong các phương pháp thăm dò sản phụ khoa. Siêu âm có thể thực hiện tại đa số các bệnh viện và phòng khám. Do tính chất đơn giản nên khả năng chẩn đoán giãn tĩnh mạch buồng trứng trên siêu âm thông thường cũng khá thấp, kết quả chính xác phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của bác sĩ siêu âm, đôi khi phải phối hợp với siêu âm Doppler mạch máu để chẩn đoán chính xác hơn.
  • Siêu âm qua đầu dò âm đạo: Phương pháp này sử dụng đầu dò siêu âm đưa trực tiếp vào âm đạo của bệnh nhân. Qua đó, hình ảnh siêu âm trực tiếp thu được giúp đánh giá tình trạng của tử cung, phần phụ và hệ thống mạch máu ở vùng tiểu khung, trong đó có hệ tĩnh mạch buồng trứng. Đây là phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng chẩn đoán hình ảnh có hiệu quả cao.
  • Chụp MRI cộng hưởng từ tiểu khung: Bên cạnh siêu âm thì MRI có hoặc không tiêm thuốc tương phản là phương pháp không xâm nhập giúp chẩn đoán tốt nhất hiện nay với các bệnh lý suy giãn hệ tĩnh mạch sinh dục và hội chứng xung huyết tiểu khung. Bên cạnh đó, MRI tiểu khung còn giúp chẩn đoán loại trừ một số bệnh lý khác như: Lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung...
Những điều cần biết về Giãn tĩnh mạch buồng trứng - ảnh 3
Chụp MRI cộng hưởng từ tiểu khung giúp chẩn đoán các bệnh lý suy giãn hệ tĩnh mạch sinh dục
  • Chụp tĩnh mạch vùng tiểu khung: Đây là phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng có độ đặc hiệu cao nhất. Tuy nhiên, đây là phương pháp xâm nhập, cách thực hiện là luồn một ống thông vào hệ tĩnh mạch sinh dục, bơm thuốc cản quang rồi chụp mạch máu, sau đó được xử lý kỹ thuật số để loại trừ các hình ảnh không liên quan (còn gọi là chụp mạch máu xóa nền DSA). Phương pháp này đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải có kỹ thuật can thiệp mạch hiện đại và chỉ được chỉ định nếu bệnh nhân có quyết định điều trị bằng cách can thiệp mạch.

4. Điều trị suy giãn tĩnh mạch buồng trứng

Với các triệu chứng và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như trên, bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác bệnh nhân có hội chứng xung huyết tĩnh mạch mạn tính. Khi đó, bác sĩ sẽ lựa chọn các phương pháp điều trị khác nhau, bao gồm:

  • Điều trị nội khoa: Sử dụng thuốc làm hạn chế sự suy giãn của tĩnh mạch buồng trứng, đây là phương pháp đầu tiên và cơ bản trước khi áp dụng các phương pháp khác. Các loại thuốc được chỉ định bao gồm Medroxyprogesterone acetate (Provera) và Goserelin (Zoladex).
  • Phẫu thuật cắt tử cung, thắt tĩnh mạch sinh dục: Đây là phương pháp ngoại khoa áp dụng nhiều trước đây, nhưng chỉ có khoảng 30% bệnh nhân giảm được triệu chứng đau bụng âm ỉ, trong khi tỷ lệ tái phát lên tới 20% sau 2 năm.

Ngoài 2 phương pháp trên thì người bệnh cũng có thể được bác sĩ chỉ định điều trị bằng cách can thiệp nội mạch. Đây là phương pháp điều trị mang lại hiệu quả cao, an toàn, bảo tồn tử cung của phụ nữ và đang được áp dụng rất phổ biến hiện nay.

Những điều cần biết về Giãn tĩnh mạch buồng trứng - ảnh 4
Can thiệp nội mạch cũng được áp dụng trong điều trị suy giãn tĩnh mạch buồng trứng

5. Can thiệp nội mạch điều trị suy giãn tĩnh mạch buồng trứng

Can thiệp nội mạch là phương pháp điều trị xâm nhập tối thiểu, được thực hiện bởi bác sĩ can thiệp mạch có chuyên môn kỹ thuật cao. Kỹ thuật này sử dụng hệ thống ống thông rất nhỏ đi từ tĩnh mạch đùi vào tĩnh mạch sinh dục dưới hướng dẫn của X-quang. Sau đó sử dụng các dụng cụ (coils) gây tắc các tĩnh mạch sinh dục, qua đó ngăn chặn dòng trào ngược từ tĩnh mạch chủ dưới, tĩnh mạch thận. Thời gian hồi phục khi sử dụng can thiệp nội mạch rất nhanh, chỉ khoảng 1-2 ngày là có thể hoạt động bình thường.

Can thiệp nội mạch (tĩnh mạch tử cung, tĩnh mạch buồng trứng) được chứng minh là một phương pháp điều trị an toàn, xâm nhập tối thiểu, có hiệu quả cao trong điều trị hội chứng xung huyết tĩnh mạch sinh dục.

Theo đó, bệnh nhân sẽ được chỉ định can thiệp mạch khi có hội chứng xung huyết tiểu khung mãn tính, điều trị nội khoa không hiệu quả. Tuy rằng phương pháp điều trị này rất hiệu quả nhưng một số trường hợp sau đây sẽ không được chỉ định can thiệp nội mạch:

  • Bệnh nhân mắc chứng rối loạn đông máu nặng, chỉ số INR > 1.5
  • Số lượng tiểu cầu
  • Đau tiểu khung đang tiến triển, cấp tính.
  • Viêm nhiễm sinh dục, tiết niệu, tiểu khung hoặc nhiễm trùng toàn thân chưa được điều trị triệt để, cần điều trị hết trước khi quyết định can thiệp mạch.
  • Tiền sử ghi nhận Dị ứng với thuốc cản quang.

Giãn tĩnh mạch buồng trứng là một bệnh lý nguy hiểm và thường không có dấu hiệu bệnh rõ ràng nên rất dễ nhầm lẫn. Nếu phát hiện muộn, bệnh có thể để lại biến chứng và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Vì thế, khi có dấu hiệu bệnh bạn nên đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị bệnh.