1. Có tồn tại mối quan hệ giữa đái tháo đường và hen phế quản?
Đái tháo đường là tình trạng đường máu cao do cơ thể thiếu hormone Insulin hoặc đề kháng với insulin. Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính dẫn tới các biến chứng nhiều cơ quan như: tim mạch, thần kinh, tâm thần, thận – tiết niệu, tăng tỷ lệ tử vong nếu đường huyết không được kiểm soát ổn định.
Hen phế quản là Tình trạng viêm và co thắt đường thở do đáp ứng quá mức với các tác nhân bên ngoài hoặc bên trong cơ thể. Bệnh biểu hiện bởi các cơn ho, khó thở và nặng ngực, xen kẽ các giai đoạn thở bình thường hoặc khó thở liên tục kéo dài nếu bệnh không được kiểm soát tốt.
Dù cơ chế chưa được rõ nhưng những bệnh nhân đái tháo đường (đặc biệt những bệnh nhân đường huyết kiểm soát kém) có nguy cơ mắc hen cao hơn người khỏe mạnh, những bệnh nhân mắc cả 2 bệnh lý này có xu hướng kiểm soát đường huyết và kiểm soát cơn hen khó hơn những bệnh nhân tiểu đường không mắc hen.
Ngược lại cũng có những nghiên cứu chỉ ra những người mắc Hen phế quản cần được chú ý hơn khi nguy cơ mắc đái tháo đường của họ cũng cao hơn người bình thường.
Một tình trạng hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường type II là béo phì. Béo phì là nguy cơ chính của đái đường nhưng cũng liên quan đến gia tăng nguy cơ mắc hen phế quản. Những bệnh nhân Hen phế quản kèm thừa cân có nhiều cơn hen kịch phát hơn, chất lượng cuộc sống kém hơn và đáp ứng với thuốc điều trị hen cũng kém hơn.
2. Điều trị hen bằng Steroid có gây nên đái tháo đường không?
Steroid được chỉ định ở bệnh nhân hen phế quản nhằm giảm Tình trạng viêm và phù nề đường hô hấp, có vai trò trong ngăn ngừa cơn hen xuất hiện và điều trị cơn hen kịch phát.
Như chúng ta đã biết, steroid có tác dụng phụ làm tăng sự đề kháng Insulin, tăng đường máu, khó kiểm soát cân nặng tuy nhiên nhiều người thắc mắc liệu dùng nhóm thuốc này sẽ dẫn tới mắc đái tháo đường hoặc làm mất kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường?
Ở những bệnh nhân dùng steroid dạng hít (ICS như fluticasone, budesonide) là những thuốc sẽ tác động tại chỗ (đường hô hấp) thường không gây ảnh hưởng toàn thân, vì vậy sẽ không gây Tăng đường huyết nếu được sử dụng đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Khi tình trạng khó thở của bạn xuất hiện thường xuyên và kéo dài hơn, việc kiểm soát cơn hen giúp bạn tránh khỏi tình trạng nguy kịch đe dọa đến tính mạng có thể đòi hỏi phải dùng steroid đường uống hoặc tiêm (như prednisolone, methylprenisolon). Thời gian dùng đường uống thường là những đợt ngắn ngày và đường huyết cũng sẽ được theo dõi sát nếu bạn có nguy cơ. Nếu sử dụng không đúng chỉ định của bác sĩ, dùng kéo dài, liều cao sẽ dẫn đến tăng đường huyết, mất kiểm soát đường máu ở ở bệnh nhân đái tháo đường và các biến chứng khác.
Tóm lại khi được chỉ định đúng đường dùng, liều và thời gian sử dụng, steroid giúp kiểm soát cơn hen tốt mà không gây tăng đường huyết hay mất kiểm soát bệnh đái tháo đường. Nếu bạn ngừng thuốc do lo sợ các tác dụng của thuốc, điều này rất nguy hiểm bởi có thể dẫn tới hậu quả trước Mắt nghiệm trọng hơn rất nhiều các tác dụng phụ có thể có trong tương lai như cơn hen kịch phát nặng gây đe dọa tính mạng, mất tình trạng kiểm soát hen mà đôi khi rất khó để đạt được bệnh nhân hen phế quản. Hãy đến gặp bác sĩ khi bạn thấy có triệu chứng bất thường sau khi điều trị thuốc.
3. Phải làm gì để hen phế quản và đái tháo đường cùng chung sống hòa bình?
Việc kiểm soát tốt một trong hai tình trạng trên sẽ giúp cải thiện và không làm nặng lên tình trạng bệnh còn lại, vì vậy bên cạnh kiểm soát bằng thuốc, các biện pháp dưới đây được thực hiện càng sớm, hiệu quả kiểm soát sẽ cải thiện tốt hơn:
Thay đổi lối sống có ý nghĩa quan trọng trong kiểm soát cả hai bệnh trên, bao gồm: giảm cân, cai thuốc lá, chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, hạn chế đường, dầu mỡ và giàu chất xơ, vitamin.
Hãy hỏi bác sĩ khi nào có thể tập thể dục và chế độ tập luyện như thế nào? Bởi chế độ tập luyện phù hợp giúp bạn kiểm soát đường huyết, mỡ máu và giúp phổi trở nên khỏe hơn.
Khi được chẩn đoán hen phế quản và có mắc đái tháo đường, bạn sẽ cần tuân thủ chặt chẽ để kiểm soát được căn bệnh này.