Các giai đoạn của bệnh giang mai

Bệnh giang mai là một bệnh truyền nhiễm dễ lây lan qua hoạt động tình dục, bao gồm cả quan hệ tình dục bằng miệng và hậu môn. Người mắc bệnh thường không biết rằng bản thân đã nhiễm bệnh và truyền bệnh cho người tình. Nếu không được điều trị thì bệnh giang mang có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như viêm khớp, tổn thương não và mù lòa.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Nguyên nhân của bệnh giang mai

Bệnh giang mai là do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra. Bạn có thể mắc bệnh giang mai khi tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn Treponema pallidum tại vết loét của bệnh giang mai khi quan hệ Tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc bằng miệng. Bạn có thể thấy vết loét trên hoặc xung quanh dương vật, âm đạo, hậu môn hoặc trong trực tràng, trên môi hoặc trong miệng. Bệnh Giang mai có thể lây từ mẹ sang con trong quá trình mang thai.

Bệnh giang mai không lây cho người khác thông qua ngồi trên bệ nhà vệ sinh, nắm cửa, bể bơi, bồn nước nóng, bồn tắm, dùng chung quần áo hoặc dụng cụ ăn uống.

Các giai đoạn của bệnh giang mai - ảnh 1
Giang mai có thể truyền nhiễm từ mẹ sang con

2. Triệu chứng qua các giai đoạn của bệnh giang mai

Bệnh giang mai được chia thành 4 thời kỳ (thứ nhất, thứ hai, tiềm ẩn và thứ ba), với các dấu hiệu và triệu chứng khác nhau cho từng giai đoạn.

Thời kỳ thứ nhất

Trong thời kỳ thứ nhất của bệnh giang mai, người bệnh có thể thấy một hoặc nhiều săng giang mai ở vị trí vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể như mép âm hộ, môi lớn, môi bé hoặc miệng sáo, quy đầu, dương vật, bìu. Đặc điểm của săng giang mai là vết trợt nông có hình tròn hoặc hình bầu dục, ở trên nền cứng, không đau và chính vì không đau nên càng khiến người bệnh chủ quan. Giai đoạn này thường kéo dài từ 3 đến 6 tuần và tự biến mất kể cả khi có được điều trị hay không. Ngay cả sau khi săng giang mai biến mất, người bệnh vẫn phải tiếp tục điều trị để ngăn chặn nhiễm trùng chuyển sang thời kỳ thứ hai.

Thời kỳ thứ hai

Trong thời kỳ thứ hai, người bệnh có triệu chứng bị phát ban da và/hoặc tổn thương niêm mạc như vết loét trong miệng, âm đạo hoặc hậu môn. Giai đoạn này thường bắt đầu bằng phát ban ở một hoặc nhiều vùng trên cơ thể. Phát ban có thể xuất hiện khi săng giang mai đang lành hoặc vài tuần sau khi sang giang mai biến mất. Phát ban giống như những đốm sần sùi, đỏ hoặc nâu đỏ ở lòng bàn tay và/hoặc dưới lòng chân. Phát ban thường không Ngứa và đôi khi mờ nhạt đến nỗi người bệnh cũng không nhận ra.

Các triệu chứng khác bao gồm sốt, sưng hạch bạch huyết, đau họng, rụng tóc loang lổ, đau đầu, sụt cân, đau cơ và mệt mỏi. Các triệu chứng giang mai ở giai đoạn này cũng sẽ biến mất cho dù người bệnh có điều trị hay không. Nếu không được điều trị đúng cách, nhiễm trùng sẽ chuyển sang thời kỳ tiềm ẩn và thời kỳ thứ ba của giang mai.

Thời kỳ tiềm ẩn

Thời kỳ tiềm ẩn của bệnh giang mai là khoảng thời gian người bệnh không có dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh giang mai. Nếu không được điều trị, người bệnh sẽ tiếp tục mắc bệnh giang mai trong nhiều năm sau đó mà không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào, dẫn đến việc dễ dàng đi lây truyền cho người khác.

Thời kỳ thứ ba

Hầu hết những người mắc bệnh giang mai không được điều trị đều không phát triển sang thời kỳ thứ ba. Tuy nhiên, khi nó xảy ra, bệnh có thể ảnh hưởng đến nhiều hệ thống cơ quan khác nhau trong cơ thể, bao gồm tim và mạch máu, não, hệ thần kinh và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh giang mai thời kỳ thứ ba rất nguy hiểm và thường xảy ra sau 10 đến 30 năm sau khi bắt đầu nhiễm vi khuẩn giang mai. Ví dụ, nếu không điều trị, vi khuẩn giang mai có thể lây lan đến Não và hệ thần kinh (giang mai thần kinh) hoặc đến mắt (giang mai mắt).

Các triệu chứng của giang mai thần kinh bao gồm:

  • Đau đầu dữ dội
  • Khó phối hợp các động tác cơ bắp;
  • tê liệt (không thể di chuyển một số bộ phận của cơ thể)
  • mất trí nhớ.

Các triệu chứng của bệnh giang mai mắt bao gồm: thay đổi về thị lực và thậm chí mù lòa.

3. Làm thế nào để giảm nguy cơ mắc giang mai?

Cách duy nhất để tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục (bao gồm cả bệnh giang mai) là không quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng.

Nếu có hoạt động tình dục, bạn có thể làm những điều sau đây để giảm khả năng mắc bệnh giang mai:

  • Quan hệ chung thủy một vợ một chồng hoặc đối tác đã được xét nghiệm và chẩn đoán không mắc bệnh giang mai;
  • Sử dụng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ. Bao cao su ngăn ngừa lây truyền bệnh giang mai bằng cách ngăn chặn sự tiếp xúc với vết loét. Đôi khi vết loét xảy ra ở những vị trí mà không được bao cao su bảo vệ, do đó, khi tiếp xúc với những vết loét này, bạn vẫn có thể truyền bệnh giang mai.
Các giai đoạn của bệnh giang mai - ảnh 2
Để phòng chống bệnh giang mai, hãy sử dụng bao cao sư khi quan hệ

4. Mang thai có ảnh hưởng đến thai Nhi không?

Nếu phụ nữ mang thai mắc bệnh giang mai, thì thai nhi có thể mắc bệnh giang mai do mẹ truyền. Các biến chứng bao gồm trẻ nhẹ cân, Sinh non hoặc chết non. Để bảo vệ thai nhi, sản phụ nên xét nghiệm giang mai ít nhất một lần trong quá trình mang thai. Nếu dương tính, sản phụ nên được điều trị ngay lập tức để phòng tránh các biến chứng cho thai nhi.

Nếu trẻ bị nhiễm bệnh được sinh ra mà không có dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh giang mai. Tuy nhiên, nếu không được điều trị ngay lập tức, trẻ có thể phát triển các vấn đề nghiêm trọng trong vòng một vài tuần sau sinh. Nếu trẻ không được điều trị kịp thời, sẽ dẫn đến các biến chứng như đục thủy tinh thể, điếc hoặc co giật và có thể tử vong.

Nguồn tham khảo: Webmd.com; Cdc.gov

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung