Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân loét dạ dày tá tràng khi xuất viện

25/06/2021
Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân loét dạ dày tá tràng khi xuất viện

Loét dạ dày tá tràng là tình trạng dạ dày và tá tràng bị tổn thương. Để giúp vết thương mau lành, cũng như ngăn ngừa viêm loét tái phát, chúng ta nên tự bảo vệ mình bằng những biện pháp dưới đây.

Nguyên nhân phổ biến nhất gây nên Loét dạ dày tá tràng là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H.pylori) và sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau lâu dài. Lo âu (Stress) và thức ăn cay không gây nên loét, nhưng chúng sẽ làm triệu chứng nặng nề hơn. Những lưu ý dưới đây sẽ giúp chăm sóc bệnh nhân viêm Loét dạ dày tá tràng sau khi xuất viện đạt hiệu quả cao:

1. Thay đổi chế độ dinh dưỡng

  • Lựa chọn chế độ ăn uống lành mạnh: đầy đủ các loại trái cây đặc biệt là Vitamin A và C, rau và ngũ cốc.
  • Tránh các đồ uống có gas và caffeine: Caffeine được tìm thấy trong một số loại cà phê, trà, sô-cô-la và sô đa.
  • Xem xét dùng các thức ăn có chứa probiotic bao gồm: sữa chua, phô mai
  • Không ăn thức ăn chua cay vì nó gây khó chịu cho dạ dày của bạn.
  • Hạn chế không uống sữa: sữa ban đầu làm giảm cơn đau loét, nhưng sau đó lại gây ra axit dư thừa, làm tăng cơn đau.
  • Nên chia nhỏ các bữa ăn hơn là ăn một bữa ăn lớn.

2. Thay đổi lối sống

Kiểm soát stress: stress có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của loét dạ dày tá tràng. Cần biết cách đối phó cơn stress bằng nhiều biện pháp như: tập thể dục, dành thời gian cho bạn bè, gia đình, viết nhật ký. .

Không hút thuốc: Thuốc lá làm tăng axit dạ dày, do đó làm tăng nguy cơ phát triển ổ loét, cũng như kéo dài thời gian lành ổ loét.

Hạn chế hoặc ngưng uống rượu nếu có thể: rượu sẽ gây kích ứng và xoáy mòn niêm mạc dạ dày - ruột, gây nên loét, chảy máu.

Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ giúp cho hệ thống miễn dịch và giúp bạn chống lại stress. Tránh vừa ăn xong, ngủ liền.

Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân loét dạ dày tá tràng khi xuất viện - ảnh 1
Hút thuốc lá có thể làm tăng acid dạ dày

3. Thận trọng khi dùng thuốc

Hạn chế sử dụng thuốc giảm đau, thuốc khớp vì các thuốc này làm tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng. Nếu phải sử dụng, cần tư vấn bác sĩ và nên uống thuốc chung với bữa ăn.

Nếu bạn có nhiễm vi khuẩn H.pylori, bạn nên uống thuốc theo đúng toa của bác sĩ. Uống đúng liều, đúng cữ. Bỏ liều sẽ gây thất bại trong tiệt trừ H.pylori, tiệt trừ lại lần sau sẽ khó hơn rất nhiều so với lần đầu.

4. Các trường hợp khẩn cấp

Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân loét dạ dày tá tràng khi xuất viện - ảnh 2
Nên gọi cho bác sĩ hoặc tái khám nếu có triệu chứng bất thường

Gọi cho bác sĩ hoặc tái khám ngay lập tức nếu có bất kỳ triệu chứng sau:

  • Cơn đau dạ dày là quá đau, không thể chịu được.
  • Nôn ra dịch có màu giống màu cà phê.
  • Nôn ra máu tươi.
  • Phân có máu đỏ hoặc đen.
  • Mệt, chóng mặt, xây xẩm, bàn tay bàn chân trắng bệch
  • Tái khám theo đúng hẹn của bác sĩ.

Khi có các triệu chứng trên, có thể bạn đang trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa do ổ loét đang chảy máu hoặc thủng dạ dày tá tràng do ổ loét xuyên thành. Đây là hai bệnh cảnh cấp cứu rất nặng, cần nhập viện sớm để các bác sĩ điều trị kịp thời.