Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Viêm màng não mô cầu lây qua đường nào? và cách điều trị bệnh

04/11/2020
Viêm màng não mô cầu lây qua đường nào? và cách điều trị bệnh

Viêm màng não mô cầu là tình trạng viêm màng bao quanh não và tủy sống. Viêm màng não rất nghiêm trọng và có thể gây tử vong trong khoảng thời gian rất ngắn sau vài giờ. Viêm màng não mô cầu lây qua đường nào? và cách điều trị như thế nào?

1. Viêm màng Não mô cầu là bệnh gì?

Viêm màng não mô cầu là Tình trạng viêm màng bao quanh não và tủy sống. Viêm màng não rất nghiêm trọng và có thể gây tử vong trong khoảng thời gian rất ngắn sau vài giờ. Trong khi hầu hết bệnh nhân bị bệnh Viêm màng não khi chữa khỏi đều có thể hồi phục nhưng bệnh có thể gây ra các thương tật vĩnh viễn ở bệnh nhân như tổn thương não, mất thính lực và học tập kém. Có rất nhiều loại vi khuẩn có thể gây ra viêm màng não.

Theo Viện nghiên cứu quốc gia về các rối loạn thần kinh và đột quỵ Mỹ (NINDS), nhiễm trùng có thể dẫn đến tử vong từ 10-15% số trường hợp, kể cả đã được điều trị. 10-15% các trường hợp còn lại sẽ để lại những tổn thương vĩnh viễn về não bộ hoặc các hậu quả, di chứng nặng nề không mong muốn khác.

Những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh là do khuẩn Streptococcus pneumoniae, Streptococcus nhóm B, Neisseria meningitidis, Haemophilus influenzae và Listeria monocytogenes. Trong đó, viêm màng não do Neisseria meningitidis gây ra còn được gọi là viêm màng não mô cầu.

Một số người có vi khuẩn gây viêm màng não mô cầu ở họng mà không gây bệnh nhưng họ có thể làm lan truyền vi khuẩn cho người khác và người đó mắc bệnh

2. Dấu hiệu và triệu chứng của viêm màng não mô cầu?

Các triệu chứng của viêm màng não mô cầu thay đổi theo từng ca bệnh. Tuy nhiên, bạn có thể nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của bệnh là:

  • Cảm giác không khỏe;
  • Đột ngột Sốt cao;
  • Nhức đầu dữ dội, dai dẳng;
  • Cứng cổ;
  • Buồn nôn hoặc nôn ói;
  • Khó chịu khi gặp ánh sáng trắng;
  • Buồn ngủ hay khó đánh thức;
  • Đau khớp;
  • Lú lẫn hay thay đổi tâm tính;
  • Phát ban đỏ hay tía ở da là triệu chứng rất quan trọng. Nếu nó không mất khi bạn ấn vào thì đó có thể là dấu hiệu của nhiễm độc máu cần đi cấp cứu gấp.

Các triệu chứng khác của viêm màng não ở trẻ nhỏ là:

  • Thóp phình ;
  • Khóc rên rĩ, dai dẳng;
  • Dễ kích thích;
  • Thở nhanh, gấp;
  • Ngủ gà;
  • Ban da chuyển sang màu xanh hay xám;
  • Tay chân lạnh;
  • Co giật.

Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

3. Viêm màng não có lây không?

Viêm não mô cầu có lây không là câu hỏi chung của người bệnh để phòng ngừa truyền nhiễm cho người thân và cộng đồng. Thực chất viêm màng não mô cầu có thể lây từ người sang người, nguồn lây bệnh và đường lây bệnh như sau:

3.1. Nguồn lây bệnh

Là người mang vi khuẩn não mô cầu, có thể là người mắc bệnh và biểu hiện triệu chứng nhưng chủ yếu là người lành mang trùng.

Trong các vụ dịch có tới 25% số người có biểu hiện bệnh không điển hình, 50% số người có mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện triệu chứng đây là nguồn lây bệnh chủ yếu trong cộng đồng.

3.2. Đường lây bệnh

Bệnh lây truyền bằng tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp với các hạt nước bọt có nhiễm vi khuẩn não mô cầu của người bị nhiễm khuẩn. Đường lây khác qua tiếp xúc đồ vật nhưng rất hiếm xảy ra.

Thời kỳ lây bệnh: Tùy vào sự tồn tại của vi khuẩn não mô cầu tại vùng hầu họng của người nhiễm khuẩn. Vi khuẩn sẽ biến mất ở vùng họng sau khi điều trị kháng sinh 24 giờ.

Viêm màng não mô cầu lây qua đường nào? và cách điều trị bệnh - ảnh 1

4. Điều trị bệnh viêm màng não mô cầu

Viêm màng não điều trị bao lâu cần tuân thủ theo phác độ của bác sĩ. Tùy vào tình trạng và sức khỏe người bệnh, thời gian điều trị bệnh viêm màng não mô cầu sẽ khác nhau theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế.

Điều trị dự phòng: Với những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh thì được tiến hành điều trị dự phòng bệnh:

  • Phòng ngừa cho người nhà bệnh nhân (người lớn và trẻ trên 12 tuổi) và nhân viện y tế sau tiếp xúc: Uống 1 viên duy nhất Ciprofloxacin 500 mg.
  • Riêng phụ nữ có thai: Uống 1 viên Azithromycin 500mg, trẻ em 1 liều Azithromycin 10 mg/kg.
  • Phòng ngừa cho bé (>2 tuổi): Hướng dẫn bé chích ngừa não mô cầu trong trường hợp âm tính với các xét nghiệm trên và bé chưa từng được tiêm ngừa hoặc tiêm ngừa quá 3 năm.

5. Cách phòng bệnh viêm màng não mô cầu

Ở Việt Nam viêm màng não do não mô cầu nhóm A lưu hành nhiều nơi, bệnh xuất hiện quanh năm tuy nhiên có thể có dịch vào các mùa thu, đông và xuân. Viêm màng não mô cầu mắc nhiều ở lứa tuổi trẻ em và nhóm người này có nhóm người lành mang bệnh cao nhất.

Tiêm phòng vaccine não mô cầu cho trẻ là cách tốt nhất để phòng bệnh. Hiện nay tại Việt nam đã có 2 vaccine ngừa não mô cầu là: vaccine não mô cầu tuýp B+C dành cho trẻ trên 6 tháng và người lớn dưới 45 tuổi hoặc vaccine não mô cầu 4 tuýp A, C, Y, W-135 bắt đầu 9 tháng trở lên và người lớn dưới 55 tuổi.

Cách phòng ngừa khi trẻ chưa đủ tuổi và người trong vùng dịch:

  • Hiểu rõ bệnh phát hiện bệnh sớm và cách ly để tránh lây lan cho cộng đồng
  • Thường xuyên vệ sinh cá nhân cho trẻ tắm, rửa bằng xà phòng
  • Sống trong môi trường thông thoáng, sạch sẽ và đủ ánh sáng.
  • Tại khu vực dịch lưu hành hạn chế tụ tập đông người, hạn chế di chuyển từ vùng dịch sang các khu vực khác, tránh lây lan cho công đồng.

Nguồn tham khảo: Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế