Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Kết quả giải phẫu bệnh ung thư vú có những điểm gì quan trọng?

26/04/2021
Kết quả giải phẫu bệnh ung thư vú có những điểm gì quan trọng?

Kết quả giải phẫu ung thư vú là cách duy nhất giúp các bác sỹ chẩn đoán và đưa ra giai đoạn của bệnh ung thư. Từ đó, lựa chọn và định lượng biện pháp điều trị phù hợp nhất với tình trạng cụ thể của từng người bệnh.

Giải phẫu bệnh là một phân môn y học xem xét sự ảnh hưởng của bệnh lý tới các tế bào và mô trong cơ thể.

Phần mô được lấy ra khỏi cơ thể (ví dụ như khi sinh thiết hoặc phẫu thuật) và đem kiểm tra dưới kính hiển vi, đồng thời bác sĩ có thể thực hiện nhiều Xét nghiệm trên mô bệnh phẩm. Các kết quả phân tích được đưa ra trong báo cáo Giải phẫu bệnh giải thích loại ung thư và các đặc tính của ung thư.

2. Báo cáo giải phẫu bệnh là gì?

Mỗi khi mô được lấy ra, qua quá trình xử lý tùy thuộc vào yêu cầu xét nghiệm, mô được quan sát dưới kính hiển vi và bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ viết báo cáo.

Ví dụ, báo cáo sẽ được viết ra nếu bạn được sinh thiết một phần hoặc toàn bộ tổn thương (lấy ra mô để quan sát dưới kính hiển vi), phẫu thuật bảo tồn vú (lấy ra khối ung thư và biên (rìa) của mô vú bình thường chung quanh chỗ ung thư) hoặc phẫu thuật đoạn nhũ (lấy ra tất cả các mô vú kể cả khu vực núm vú).

Chi tiết trong mỗi báo cáo sẽ phụ thuộc vào mô nào được lấy ra và mức độ nhiều hay ít. Không phải tất cả báo cáo đều có cùng lượng thông tin. Ví dụ, một báo cáo giải phẫu bệnh sau sinh thiết sẽ không có thông tin mà báo cáo sau phẫu thuật có. Bạn có thể phải chờ tất cả các báo cáo giải phẫu bệnh được gửi về trước khi có thể quyết định kế hoạch điều trị đầy đủ.

3. Khái niệm ung thư biểu mô và ung thư tuyến vú 

Ung thư biểu mô (carcinoma) là khái niệm mô Tả một loại ung thư bắt nguồn từ trong lớp lót (tế bào biểu mô) của các cơ quan. Gần như tất cả các loại ung thư vú đều là ung thư biểu mô. Hầu hết các trường hợp ung thư biểu mô xuất phát từ trong mô tuyến, gọi là ung thư tuyến (adenocarcinoma).

Trong kết quả xét nghiệm giải phẫu bệnh ung thư vú sẽ đề cập đến nhiều khái niệm liên quan đến ung thư biểu mô, bao gồm khả năng di căn, xâm lấn của tế bào ác tính, mức độ, kích thước khối u, các loại protein bất thường và lựa chọn điều trị.

4. Khả năng di căn của ung thư biểu mô

Khi bệnh nhân ung thư vú được xem là có khả năng di căn có nghĩa đây là một loại ung thư thực sự chứ không phải tiền ung thư.

Cấu tạo của vú bao gồm nhiều ống dẫn, kết thúc các ống này là một nhóm các túi (tiểu thùy). Ung thư vú xuất phát từ trong các tế bào lớp lót ống dẫn hoặc tiểu thùy, khi một tế bào bình thường trở thành tế bào ung thư biểu mô. Nếu các tế bào ung thư biểu mô vẫn còn giới hạn trong ống dẫn hoặc thùy vú mà chưa phát triển ra các mô xung quanh bên ngoài thì được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ (hay còn gọi là in situ).

Một khi các tế bào ung thư đã phát triển và ra khỏi các ống dẫn hoặc tiểu thùy thì được xem là ung thư biểu mô xâm lấn. Hầu hết các trường hợp ung thư vú là xâm lấn, nghĩa là chúng có nguy cơ lây lan tới các cơ quan khác của cơ thể.

5. Các cấp độ xâm lấn của ung thư vú

Khi quan sát các tế bào ung thư dưới kính hiển vi, bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ tìm kiếm một số dấu hiệu giúp dự đoán khả năng ung thư phát triển và lan rộng, ứng với các cấp độ xâm lấn:

  • Độ 1: Các tế bào ung thư trông gần giống với tế bào bình thường và thường phát triển chậm, tiên lượng bệnh nhân còn tốt;
  • Độ 2: Các tế bào ung thư trông khác với tế bào bình thường, tốc độ phát triển nhanh hơn, tiên lượng vừa phải;
  • Độ 3: Các tế bào ung thư nhìn hoàn toàn khác với tế bào tuyến vú bình thường, khả năng xâm lấn nhanh, tiên lượng xấu.

6. Chỉ số Ki67 có nghĩa là gì?

Ki-67 là một loại protein được tìm thấy trong tế bào. Đây là một cách để đo tốc độ phát triển và phân chia của tế bào ác tính.

Trong kết quả báo cáo giải phẫu bệnh ung thư vú, chỉ số Ki-67 được đưa ra dưới dạng phần trăm của tế bào ung thư vú dương tính cho loại protein này. Chỉ số này càng cao thì các tế bào bất thường phân chia và tăng trưởng càng nhanh. Giá trị cao (trên 30%) đối với protein Ki-67 có nghĩa là có nhiều tế bào đang phân chia nhanh, do đó ung thư có nguy cơ phát triển mạnh và lan rộng rất nhanh.

7. Nguy cơ xâm lấn mạch máu và mạch bạch huyết của tế bào ung thư vú

Nếu tế bào ung thư được tìm thấy trong các mạch máu nhỏ hoặc mạch bạch huyết, rất có khả năng bệnh nhân đã bị ung thư di căn, các tế bào ung thư xâm lấn ra bên ngoài vú.

D2-40 và CD34 là hai xét nghiệm đặc biệt mà bác sĩ giải phẫu bệnh có thể sử dụng để xác định các loại xâm lấn mạch này. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng cần thực hiện những xét nghiệm này.

8. Kích thước của khối u

Nếu toàn bộ khối u hoặc vùng ung thư được loại bỏ, bác sĩ sẽ cho biết kích thước của khối tế bào ung thư. Kích thước sơ bộ của ung thư vú được đo tại điểm rộng nhất (theo kích thước lớn nhất) bằng cách quan sát dưới kính hiển vi hoặc kiểm tra tổng thể bằng Mắt thường đối với các mô bị loại bỏ trong quá trình phẫu thuật. Kích thước của khối u tuyến vú là một yếu tố quyết định giai đoạn (mức độ) của ung thư, ảnh hưởng đến việc điều trị và tiên lượng bệnh.

9. Các giai đoạn của ung thư vú 

Các giai đoạn của ung thư vú là thông tin đo lường mức độ phát triển và lây lan của khối u. Tiêu chuẩn xác định giai đoạn bệnh ung thư vú sử dụng một hệ thống gọi là TNM, trong đó:

  • T (Tumor) để chỉ kích thước khối u;
  • N (Nodes) để chỉ mức độ lây lan sang mạch bạch huyết lân cận;
  • M (Metastasis) là viết tắt của di căn, cho thấy khả năng lây lan đến các phần khác của cơ thể.

Sau khi xác định TNM, các bác sĩ sẽ xác định một con số từ 1 - 4 ứng với từng tiêu chuẩn đánh giá. Con số càng nhỏ thì bệnh ung thư còn ở giai đoạn ít tiến triển và tiên lượng chung tốt hơn.

Ví dụ: Ung thư vú T3N2M0 có nghĩa là khối u lớn, lan ra ngoài vú đến hạch bạch huyết gần đó, nhưng chưa di căn tới các phần khác của cơ thể.

10. Khả năng ung thư lan đến các hạch bạch huyết

Nếu ung thư vú trong giai đoạn lây lan, chúng thường bắt đầu tấn công đến các hạch bạch huyết dưới cánh tay (hạch bạch huyết ở nách). Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy hạch bạch huyết ở nách của bệnh nhân đang gia tăng kích thước (thông qua thăm khám thể chất hoặc xét nghiệm hình ảnh như siêu âm hoặc chụp X-quang tuyến vú), chúng có thể được sinh thiết cùng lúc với khối u tuyến vú. Mẫu bệnh phẩm sau đó sẽ được kiểm tra xem trong đó có chứa tế bào ung thư hay không. Qua đó, bác sĩ sẽ lựa chọn phương án loại bỏ hạch bạch huyết dưới cánh tay trong khi điều trị ung thư vú.

11. Các loại ung thư vú xâm lấn khác

Ngoài ung thư, đôi khi trong các báo cáo giải phẫu bệnh còn đề cập đến hiện tượng tăng sản ống động mạch không điển hình (ADH), tăng sản thùy không điển hình (ALH), carcinoma ống tuyến vú tại chỗ (DCIS), ung thư biểu mô nội mạc, Ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ (LCIS).

Đây là những thuật ngữ cho thấy một số hiện tượng ung thư vú không điển hình hoặc tiền ung thư, thường không nghiêm trọng như ung thư vú xâm lấn. Tuy nhiên, đa số các trường hợp cần phải được loại bỏ hoàn toàn như một phần của điều trị.

12. Mức độ HER2 của ung thư vú

HER2 là một loại protein trên bề mặt tế bào, đóng vai trò là tác nhân thúc đẩy ung thư vú phát triển. Khoảng 15 - 20% bệnh nhân ung thư vú có mức độ HER2 cao hơn bình thường. Những trường hợp này được gọi là HER2 dương tính hoặc HER2+.

Người bệnh ung thư vú xâm lấn được xét nghiệm xác định mức độ HER2. Nhìn chung, bệnh nhân HER2+ có nguy cơ ung thư vú phát triển và lây lan nhanh hơn so với trường hợp âm tính.

13. Phần rìa của khối ung thư vú được loại bỏ

Kết quả xét nghiệm giải phẫu bệnh cho biết các tế bào ung thư vú gần với phần mép của toàn bộ khu vực mô được loại bỏ tới mức độ nào. Đây được gọi là phần rìa (biên) phẫu thuật. Điều quan trọng trong quá trình điều trị là ung thư được loại bỏ cùng với một phần mô còn khỏe mạnh (mô lành) xung quanh khối tế bào ung thư để đảm bảo rằng không còn tế bào ác tính nào còn lại.

  • Phần rìa âm tính (sạch) nghĩa là sau khi lấy mẫu mô ra, không còn tìm thấy các tế bào ung thư tại mép ngoài của phần mô đó;
  • Phần rìa dương tính nghĩa là tại các mép của mô có tế bào ung thư chạm tới hoặc gần chạm tới. Nguy cơ tế bào ung thư vẫn còn sót lại.

Đôi khi bệnh nhân phải làm thêm một số xét nghiệm khác để bổ sung chẩn đoán. Dựa vào kết quả xét nghiệm giải phẫu bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.

Để chủ động bảo vệ sức khỏe của mình, phụ nữ trên 20 tuổi nên thường xuyên tự kiểm tra vú bằng cách soi gương để kiểm tra tình trạng vú ở tư thế bình thường, rồi giơ hai tay lên và chống hai tay vào hông để xem tình trạng vú khi thay đổi tư thế. Bên cạnh đó là sờ, ấn vào vú để kiểm tra các u cục, sưng đau. Nếu thấy vú có hiện tượng bất thường thì nên đi khám càng sớm càng tốt. Phụ nữ trên 35 tuổi nên đi khám vú định kỳ 3-6 tháng/lần.