1. Liệt dây thanh quản là gì?
Dây thanh có cấu tạo gồm 2 nếp cơ nằm cạnh lối vào của đường thở. Khi phát âm, 2 nếp cơ sẽ khép lại, chạm nhau ở đường giữa, rung lên và tạo ra âm thanh. Khi nghỉ ngơi, 2 dây thanh sẽ ở trạng thái tách ra và con người có thể thở bình thường. Dây thanh quản tham gia vào chức năng tạo ra âm thanh và bảo vệ đường thở bằng cách ngăn chặn thức ăn, nước uống hoặc nước bọt xâm nhập vào khí quản, ngăn ngừa nguy cơ nghẹn.
Khi bị liệt dây thanh quản, các xung Thần kinh truyền tới thanh quản bị gián đoạn, dẫn tới liệt các cơ thanh quản. Tình trạng liệt dây thanh có thể ảnh hưởng tới khả năng phát âm và thậm chí khả năng thở. Hầu hết các trường hợp chỉ bị liệt 1 dây thanh quản. Tình trạng liệt cả 2 dây thường rất hiếm và rất nghiêm trọng, có thể gây khó khăn khi phát âm, thở và nuốt.
Những nguyên nhân gây liệt dây thanh quản gồm: Chấn thương dây thanh quản trong quá trình phẫu thuật ở cổ hoặc ngực trên; Chấn thương cổ hoặc ngực; đột quỵ; có khối u phát triển quanh cơ, dây chằng và dây thần kinh kiểm soát thanh quản; nhiễm trùng (bệnh Lyme, nhiễm virus Epstein-Barr và Herpes,... gây viêm, tổn thương dây thanh quản),...
2. Khàn tiếng - triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân liệt dây thanh quản
Khàn tiếng là tình trạng âm sắc giọng nói bị thay đổi, khiến người bệnh bị mất tiếng, hụt hơi, không nói được, nhanh mệt hoặc thậm chí mất hẳn giọng nói. Đây là triệu chứng thường gặp sau liệt dây thanh quản.
Ngoài khàn tiếng, bệnh nhân liệt dây thanh quản còn gặp phải các triệu chứng khác như thở khò khè, giọng nói thay đổi, không thể nói lớn, trong khi nói thường xuyên phải ngừng lại để thở, ho yếu, không có phản xạ nôn, thường xuyên hắng giọng, nghẹn hoặc Ho khi nuốt thức ăn, nước uống,...
3. Điều trị liệt dây thanh quản để kiểm soát tình trạng khàn tiếng
Việc điều trị liệt dây thanh quản sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, thời gian xuất hiện triệu chứng,... Các phương pháp điều trị chủ yếu là: Âm ngữ trị liệu, tiêm thanh quản, phẫu thuật hoặc kết hợp các liệu pháp trên. Chi tiết về các phương pháp như sau:
- Âm ngữ trị liệu: Gồm các bài tập hoặc các hoạt động tăng cường dây thanh âm, giúp cải thiện khả năng kiểm soát hơi thở khi nói, bảo vệ đường thở khi nuốt. Phương pháp này giúp bệnh nhân nói chuyện đúng cách trong khi chờ các dây thần kinh lành lại. Đôi khi, bệnh nhân liệt dây thanh quản chỉ cần điều trị âm ngữ trị liệu, không cần tới phương pháp khác;
- Phẫu thuật: Áp dụng khi tình trạng liệt dây thanh quản không tự phục hồi hoàn toàn. phẫu thuật giúp cải thiện khả năng nói và nuốt của bệnh nhân. Các lựa chọn phẫu thuật gồm tiêm thanh quản (tiêm mỡ cơ thể, Collagen vào thanh quản), phẫu thuật cắt bỏ khối u (nếu nguyên nhân gây bệnh là do khối u), phẫu thuật qua đường nội thanh quản, phẫu thuật qua đường ngoài thanh quản (cố định sụn phễu hoặc cắt bỏ sụn phễu, cố định dây thanh quản).
Ngoài ra, một số trường hợp điều trị châm cứu kết hợp với tập phát âm có thể trị khỏi khàn tiếng, mất tiếng do liệt dây thanh quản.
Liệt dây thanh quản không chỉ gây khàn tiếng mà còn có thể gây các vấn đề về hô hấp, đe dọa tới tính mạng hoặc khiến thức ăn, nước uống di chuyển sang đường thở của bệnh nhân, gây nghẹt thở, dẫn tới viêm phổi nghiêm trọng. Vì vậy, khi điều trị bệnh, bệnh nhân cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để nâng cao hiệu quả điều trị, giảm nguy cơ mất tiếng hoàn toàn.