1. Tình trạng máu kinh ra nhiều có phổ biến không?
Kinh nguyệt ra nhiều là hiện tượng khá phổ biến. Có khoảng một phần ba số nữ giới phải tìm cách xử lý tình trạng này mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt. Máu kinh ra nhiều là dấu hiệu không bình thường, cảnh báo một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Điều này khiến cho việc sinh hoạt của chị em trở nên khó khăn, bất tiện. Nếu nhận thấy chảy máu kinh nguyệt nhiều hơn bình thường, hãy đi thăm khám với bác sĩ Sản phụ khoa để được chẩn đoán chính xác.
2. Lượng kinh nguyệt thế nào là nhiều?
Khi bạn có bất kỳ những biểu hiện nào dưới đây thì gọi là kinh nguyệt ra nhiều:
- Chảy máu kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày.
- Máu kinh thấm ướt băng vệ sinh, phải đổi miếng mới trong chưa đầy một giờ, liên tục trong vài giờ liên tiếp.
- Phải sử dụng cùng lúc nhiều miếng băng vệ sinh mới có thể kiểm soát lượng kinh nguyệt.
- Cần phải thay băng trong đêm.
- Máu kinh nguyệt chứa nhiều cục máu đông lớn, chiếm hơn một phần tư thể tích.
3. Máu kinh ra nhiều ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
Chảy nhiều máu kinh nguyệt có khả năng là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn cần phải điều trị. Tình trạng này có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt. Cơ thể bị thiếu máu nghiêm trọng gây ra khó thở và tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim.
4. Nguyên nhân gây ra chảy máu kinh nguyệt ồ ạt?
Có nhiều nguyên do khiến cho hiện tượng chảy máu kinh nguyệt trở nên nghiêm trọng hơn. Một số nguyên nhân có thể kể đến, bao gồm:
- U xơ và polyp tử cung
- Lạc nội mạc tử cung
- Ngày rụng trứng không đều đặn
- Rối loạn chảy máu
- Aspirin và các nhóm thuốc làm loãng máu có thể dẫn đến chảy máu kinh nguyệt càng nặng hơn
- Sử dụng dụng cụ tránh thai (vòng tránh thai)
- Ung thư nội mạc tử cung
- Các nguyên nhân khác: liên quan đến Mang thai (chẳng hạn như Mang thai ngoài tử cung và sảy thai), viêm vùng chậu...
5. Xét nghiệm chẩn đoán tình trạng kinh nguyệt ra nhiều?
Một số xét nghiệm có thể được thực hiện, bao gồm cả thử thai và các xét nghiệm đối với một số bệnh lây truyền qua đường tình dục. Dựa trên các triệu chứng và độ tuổi của bạn, một số kỹ thuật khám nghiệm bổ sung có thể cần thiết:
- Siêu âm vùng chậu
- Nội soi tử cung
- Sinh thiết nội mạc tử cung: Tách lấy một phần mô nội mạc tử cung và soi dưới kính hiển vi.
- Siêu âm bơm nước lòng tử cung: Một thủ thuật siêu âm sử dụng chất lỏng vô trùng bơm vào tử cung thông qua cổ tử cung, ghi nhận hình ảnh bên trong lên màn hình vi tính.
- Chụp cộng hưởng từ: Thủ thuật sử dụng từ tính cực mạnh của nam châm để tạo ra hình ảnh của các cơ quan nội tạng bên trong cơ thể.
6. Các loại thuốc điều trị tình trạng máu kinh nguyệt ra nhiều
Sử dụng thuốc là phương án đầu tiên dùng để điều trị tình trạng cường kinh
- Nếu nguyên nhân bắt nguồn từ các vấn đề về rụng trứng, lạc nội mạc tử cung, Hội chứng buồng trứng đa nang và u xơ, thường có thể kiểm soát bằng một số thuốc nhóm Nội tiết tố. Các thuốc này có thể làm giảm lượng máu kinh nguyệt, giúp cho chu kỳ kinh đều đặn hơn, hoặc thậm chí cầm máu hoàn toàn.
- Liệu pháp hormone có thể hữu ích trong việc điều trị chảy máu kinh nguyệt bất thường xảy ra trong thời kỳ tiền mãn kinh. Trước khi quyết định sử dụng liệu pháp hormone, cần phải cân nhắc giữa lợi ích điều trị bệnh và rủi ro về tác dụng phụ (tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và ung thư).
- Chất chủ vận GnRH (Hormone giải phóng Gonadotropin) giúp ngăn chặn chu kỳ kinh nguyệt và giảm kích thước của u xơ. Những thuốc nhóm này chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn (thương dưới 6 tháng). Tác dụng ức chế của chúng đối với u xơ chỉ là tạm thời. Một khi bạn ngừng sử dụng thuốc, u xơ sẽ trở lại kích thước ban đầu.
- Axit Tranexamic: là một loại thuốc kê đơn điều trị máu kinh nguyệt ra nhiều. Thuốc có dạng viên nén và được dùng mỗi tháng vào lúc bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt.
- Các thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen, cũng có tác dụng kiểm soát tình trạng chảy máu kinh nguyệt nghiêm trọng và giảm đau bụng kinh.
- Nếu bạn bị rối loạn chảy máu, bác sĩ có thể chỉ định thêm các loại thuốc đặc biệt giúp đông máu.
7. Điều trị tình trạng chảy máu kinh nguyệt ồ ạt bằng phẫu thuật
Nếu việc sử dụng thuốc không thể giải quyết được vấn đề, bác sĩ sẽ phải cân nhắc đến phẫu thuật:
- Thuyên tắc động mạch tử cung (UAE): Được sử dụng để điều trị u xơ tử cung. Khi thực hiện UAE, các mạch máu đến tử cung bị chặn lại, điều này ngăn chặn nguồn cung cấp máu cho u xơ phát triển.
- Phẫu thuật cắt bỏ u xơ tử cung: Nhằm cắt bỏ khối u xơ mà không ảnh hưởng đến tử cung.
- Nội soi buồng tử cung: cắt đốt u xơ dưới niêm mạc tử cung
- Cắt tử cung: Là phẫu thuật cắt bỏ tử cung hoàn toàn. Phẫu thuật này được sử dụng để điều trị U xơ tử cung và lạc nội mạc tử cung, khi các lựa chọn khác đã thất bại hoặc không còn phương án nào khác. Cắt tử cung cũng được sử dụng để điều trị ung thư nội mạc tử cung. Sau khi cắt bỏ tử cung, người phụ nữ mất đi khả năng mang thai và sẽ không còn kinh nguyệt nữa.
Khi nhận thấy triệu chứng chảy máu kinh nguyệt quá nhiều, chị em phụ nữ không nên chủ quan mà phải đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị ngay lập tức. Bởi đó có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản cũng như sức khỏe chung của cơ thể nếu không được điều trị kịp thời.