Lá khoai môn: Thành phần dinh dưỡng & công dụng

Lá khoai môn có màu xanh lá cây, và bổ dưỡng tương tự như rau bina, thường được trồng ở vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới. Trong lá có chứa nhiều vi chất dinh dưỡng quan trọng, chẳng hạn như vitamin C, vitamin A, folate và canxi, cũng như các chất chống oxy hóa giúp chống lại bệnh tật.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1.Lá khoai môn là gì?

Lá khoai môn là loại lá có hình trái tim, thuộc cây khoai môn (Colocasia esculenta), thường được trồng ở vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới.

Mặc dù cây khoai môn được biết đến nhiều nhất với phần rễ cây chứa tinh bột có thể làm thức ăn, tuy nhiên lá của loại cây này cũng được sử dụng như một loại thực phẩm chính trong nhiều món ăn khác nhau. Hơn thế nữa, lá khoai môn nấu chín có thể mang lại một số lợi ích nhất định cho sức khỏe vì chúng rất giàu chất dinh dưỡng.

Thành phần dinh dưỡng của lá khoai môn

Lá khoai môn là một loại rau xanh có hàm lượng calo thấp, chứa nhiều kali, folate, Vitamin A và C. Với hàm lượng calo thấp và chất xơ cao, lá khoai môn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc bổ sung dinh dưỡng cho một chế độ ăn uống cân bằng.

Một chén lá khoai môn nấu chín (145 gram) sẽ cung cấp:

  • Calo: 35
  • Carbs: 6 gram
  • Protein: 4 gram
  • Chất béo: ít hơn 1 gram
  • Chất xơ: 3 gram
  • Vitamin C: 57% giá trị dinh dưỡng hàng ngày (DV)
  • Vitamin A: 34% DV
  • Kali: 14% của DV
  • Folate: 17% của DV
  • Canxi: 13% của DV
  • Sắt: 10% của DV
  • Magiê: 7% của DV
  • Photpho: 6% của DV
Lá khoai môn: Thành phần dinh dưỡng & công dụng - ảnh 1
Lá khoai môn chứa nhiều vi chất khác nhau có lợi cho sức khoẻ con người

2. Các lợi ích tiềm năng của lá khoai môn

Do lá khoai môn rất giàu các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể, vì vậy chúng có thể mang lại một số lợi ích tiềm năng về sức khỏe. Cụ thể là:

  • Giúp ngăn ngừa bệnh tật

Lá khoai môn có chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao, giúp giảm đáng kể các phân tử có hại cho cơ thể, đặc biệt là các gốc tự do. Các gốc tự do khi không được kiểm soát có thể thúc đẩy các triệu chứng viêm trong cơ thể, và gây ra một số tình trạng nguy hiểm khác, chẳng hạn như ung thư, rối loạn Tự miễn và bệnh tim.

Bên cạnh đó, lá khoai môn cũng là một nguồn cung cấp tuyệt vời vitamin C và polyphenol, hai hợp chất chống oxy hóa phổ biến nhất.

Do vậy, việc tiêu thụ thường xuyên lá khoai môn nấu chín sẽ giúp làm giảm các gốc tự do trong cơ thể, từ đó hỗ trợ phòng ngừa bệnh tật.

  • Bổ sung các chất dinh dưỡng thiết yếu

Lá khoai môn chứa nhiều thành phần dinh dưỡng quan trọng và có thể sử dụng linh hoạt với bất kỳ chế độ ăn uống nào.

Do hàm lượng carb và chất béo thấp, cho nên chúng rất ít calo. Đây cũng là lý do vì sao lá khoai môn lại trở thành một loại thực phẩm tuyệt vời, giúp cân bằng trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.

Ngoài ra, chúng cũng là một nguồn cung cấp chất xơ dồi dào. Một chén lá khoai môn (145 gram) nấu chín sẽ cung cấp 3 gram chất xơ. Bên cạnh đó, loại lá này có hàm lượng nước cao, với 92,4% được tạo thành từ nước. Với hàm lượng chất xơ và nước cao trong lá khoai môn sẽ giúp cơ thể kiểm soát cân nặng bằng cách thúc đẩy cảm giác nhanh no trong bữa ăn, từ đó khiến bạn ăn ít hơn. Như vậy, có thể thấy lá khoai môn khá bổ dưỡng, và ít calo. Bạn hoàn toàn có thể thay thế các món ăn có hàm lượng calo cao hơn bằng loại lá này để đạt được một trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.

Lá khoai môn: Thành phần dinh dưỡng & công dụng - ảnh 2
Lá Khoai môn bổ sung các chất dinh dưỡng thiết yếu
  • Tăng cường sức khỏe tim mạch

Nhìn chung, một chế độ ăn uống với nhiều trái cây và rau quả giàu chất dinh dưỡng có liên quan mật thiết đến việc cải thiện sức khỏe tim mạch.

Lá khoai môn thuộc nhóm rau lá xanh đậm, giống như các loại rau khác như rau bina, Cải xoăn và củ cải Thụy Sĩ. Theo một nghiên cứu vào năm 2016 cho biết, ăn nhiều rau lá xanh đậm sẽ làm giảm 15,8% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Ngoài ra, chúng cũng cung cấp một lượng lớn nitrat, giúp cải thiện sức khỏe huyết áp của cơ thể.

Vì vậy, bổ sung lá khoai môn như một phần của chế độ ăn uống dinh dưỡng hàng ngày sẽ bảo vệ trái tim luôn khỏe mạnh, và dẻo dai.

  • Độc tính của lá khoai môn

Khi tiêu thụ lá khoai môn dưới dạng thô, bạn nên cẩn trọng với thành phần độc tính của chúng. Nếu không xử lý đúng cách có thể dẫn đến một số tác dụng phụ có hại cho sức khỏe.

Lá khoai môn có chứa hàm lượng oxalate cao, đây là một hợp chất tự nhiên được tìm thấy trong nhiều loại thực vật. Một số người có nguy cơ bị Sỏi thận cần phải tránh các loại thực phẩm có chứa oxalate, vì chất này có thể góp phần hình thành nên sỏi thận.

Trong khi nhiều loại thực phẩm khác cũng chứa oxalate, chẳng hạn như rau bina, đậu, các sản phẩm từ đậu nành và củ cải đường, tuy nhiên lượng oxalate thường chiếm tỷ lệ rất nhỏ nên chúng không có khả năng gây ra bất kỳ tác dụng phụ độc hại nào.

Ngoài ra, lá khoai môn non thường chứa nhiều oxalate hơn lá già, mặc dù chúng đều có độc khi còn sống. Một số người khi xử lý lá thô có thể gặp phải cảm giác Ngứa ngáy ở tay, vì vậy khi chế biến, bạn nên đeo găng tay bảo vệ.

Để khử hoạt tính độc của oxalate trong lá khoai môn, chúng phải được nấu chín cho đến khi lá mềm ra. Quá trình này chỉ mất khoảng vài phút khi đun sôi hoặc 30 phút đến một giờ khi nướng. Một phương pháp khác để loại bỏ oxalate có hại từ lá khoai môn là ngâm chúng trong nước khoảng 30 phút và để qua đêm.

Lá khoai môn: Thành phần dinh dưỡng & công dụng - ảnh 3
Khử độc tính của lá khoai môn bằng cách ngâm lá khoai môn vào nước

Khi đã xử lý được độc tính từ oxalate, lá khoai môn là an toàn để sử dụng cho hầu hết mọi người. Tuy nhiên, những người có nguy cơ cao bị Sỏi thận nên tránh hoàn toàn lá khoai môn do hàm lượng oxalate cao.

3. Các cách chế biến lá khoai môn

Thông thường, lá khoai môn được tiêu thụ chủ yếu bởi các nền văn hóa trong khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ngày nay, loại lá này đã có mặt trên thị trường toàn thế giới.

Mỗi một khu vực, hoặc vùng miền sẽ có các công thức chế biến lá khoai môn khác nhau. Khi nấu chín, lá khoai môn có hương vị nhẹ, thoang thoảng mùi hạt dẻ. Do đó, chúng được sử dụng như một phần của các món ăn nhằm tối đa hóa hương vị của chúng.

Ở Hawaii, lá khoai môn được gọi là lá Luau. Người dân ở đây thường sử dụng chúng để chế biến thành một món ăn nổi tiếng, có tên là Lau Lau, phần lá khoai môn sẽ dùng để gói cá và thịt heo hấp.

Tại một số khu vực ở Ấn Độ, lá khoai môn được sử dụng để làm một món ăn gọi là alu wadi, trong đó lá được phủ trong một hỗn hợp gia vị, cuộn lại và hấp trong vòng 15- 20 phút.

Ở Philippines, lá khoai môn được nấu cùng với nước cốt dừa và gia vị thơm để tạo ra một món ăn có tên là Laing.

Ngoài ra, bạn có thể thêm lá khoai môn vào súp, món hầm và thịt hầm, biến chúng trở thành một loại rau đa năng.

Cuối cùng, lá khoai môn có thể được nấu và ăn đơn giản tương tự như các loại rau lá xanh khác, chẳng hạn như rau bina và cải xoăn, tuy nhiên điều quan trọng là phải nấu chín chúng đủ để giảm hàm lượng oxalate.

Lá khoai môn: Thành phần dinh dưỡng & công dụng - ảnh 4
Món ăn được chế biến từ lá khoai môn thơm ngon và bổ dưỡng

Bài viết tham khảo nguồn: healthline.com

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung
Đặt lịch khám nhanh