1. Ung thư sớm dạ dày là gì?
Ung thư sớm dạ dày là những tổn thương ung thư còn khu trú ở lớp niêm mạc hoặc dưới niêm mạc, không kể đến tình trạng có di căn hạch hay không.
Theo thống kê, nếu được chẩn đoán sớm, khi tổn thương chưa xâm lấn qua lớp cơ của thành dạ dày, thì thời gian sống thêm sau can thiệp trên 5 năm là từ 80 - 90%, nếu chẩn đoán muộn khi tổn thương đã vượt qua lớp cơ và lan ra thanh mạc thì thời gian sống thêm sau mổ trên 5 năm chỉ vào khoảng 10 - 15%.
2. Yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày
Vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori): được coi là một nguyên nhân gây ung thư dạ dày. H.Pylori làm viêm teo niêm mạc dạ dày mãn tính, gây nên các tổn thương tiền ung thư.
- Thói quen sinh hoạt: Ăn các loại thức ăn có chứa Nitrate như thịt cá ướp muối, rau dưa muối, thịt nướng, thịt hun khói.. làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
- Béo phì: người Béo phì dễ bị mắc Ung thư dạ dày hơn người bình thường.
- Di truyền: Ung thư dạ dày liên quan tới một số hội chứng di truyền, người thân có mắc bệnh này.
3. Dấu hiệu của ung thư sớm dạ dày
Thường thì một tổn thương ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm có kích thước rất nhỏ, từ vài mm đến không quá 5-7cm, nên tổn thương đó không ảnh hưởng đến chức năng tiêu hoá thức ăn của dạ dày và hoàn toàn không gây triệu chứng khó chịu hay đau bụng cho người bệnh.
Muốn phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn sớm phải dựa vào các chương trình tầm soát ung thư. Một triệu chứng không rõ ràng của đường tiêu hoá trên có thể xuất hiện 6-12 tháng trước khi được chẩn đoán ung thư giai đoạn sớm và có thể có ở 90-95% bệnh nhân không xác định được qua sàng lọc. Với chương trình tầm soát ung thư dạ dày tích cực tại các nước Đông Á (chủ yếu được thực hiện ở Nhật Bản), rất nhiều bệnh nhân được phát hiện ung thư dạ dày sớm khi không có triệu chứng.
Ở giai đoạn tiến triển, ung thư dạ dày thường có các dấu hiệu sau:
- Sụt cân: Đây là một trong những triệu chứng thường gặp khi mắc ung thư dạ dày. Tình trạng sụt cân xảy ra nhanh chóng khi bệnh bước sang giai đoạn tiến triển
- Đau bụng: Bắt đầu với những cơn đau từng đợt, tuy nhiên, tình trạng đau bụng sẽ càng trở nên trầm trọng khi người bệnh bước sang những giai đoạn sau của bệnh ung thư dạ dày, thậm chí dùng thuốc cũng không giảm..
- Chán ăn: Cũng là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân ung thư dạ dày, đi kèm với nó là hiện tượng khó nuốt, cảm giác thức ăn luôn bị nghẽn ở cổ họng
- Đầy bụng sau khi ăn: Người bệnh thường có cảm giác đầy bụng, khó chịu và buồn nôn sau khi ăn
- Nôn ra máu: Khi xuất hiện hiện tượng nôn ra máu thường xuyên, chúng ta cũng cần phải suy xét về khả năng mắc bệnh ung thư dạ dày.
- Đi ngoài phân đen: Hầu hết triệu chứng này sẽ xuất hiện ở những người mặc bệnh viêm Loét dạ dày như một dấu hiệu nhận biết bệnh có thể đã chuyển hóa thành ung thư.
4. Làm gì để phát hiện sớm ung thư dạ dày?
Để phát hiện sớm ung thư dạ dày cách tốt nhất là sàng lọc ung thư dạ dày.
Khám sàng lọc được thực hiện cho những bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng. Ở một số nước phát triển như Nhật Bản, nơi mà ung thư dạ dày là một bệnh thường gặp thì việc sàng lọc trên diện rộng có thể giúp phát hiện sớm bệnh lý ung thư dạ dày.
Bác sĩ sẽ cho bạn làm một số xét nghiệm để kiểm tra như: Nội soi dạ dày, sinh thiết tổn thương nghi ngờ, Xét nghiệm về chất chỉ điểm khối u...
- Nội soi thực quản dạ dày
Đây là phương pháp tốt nhất để phát hiện các tổn thương nghi ngờ ung thư sớm dạ dày.
Dựa vào những hình ảnh bất thường trên nội soi, Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ (sinh thiết) để xác định chẩn đoán.
Nội soi còn giúp đánh giá các đối tượng bệnh nhân có nguy cơ ung thư dạ dày: nhiễm Helicobacter Pylori, viêm teo dạ dày, viêm chuyển sản ruột ở dạ dày, để có kế hoạch lặp lại nội soi phù hợp.
- Sinh thiết
Các bác sĩ làm sinh thiết trong quá trình nội soi trên bằng cách lấy một mẫu mô nhỏ từ một khu vực nghi là tổn thương ung thư sớm của dạ dày. Sau đó bác sĩ Giải phẫu bệnh sẽ quan sát dưới kính hiển vi. Khi các bác sĩ đã chẩn đoán xác định, các xét nghiệm tiếp theo được thực hiện để chẩn đoán giai đoạn.
5. Đối tượng cần tầm soát ung thư dạ dày
Các đối tượng có nguy cơ sau cần tầm soát ung thư dạ dày:
- Tuổi cao (> 50 tuổi).
- Có người thân trong gia đình mắc ung thư dạ dày, ung thư đường tiêu hóa...
- Người bị viêm Loét dạ dày – tá tràng mãn tính, nhiễm HP.
- Người có thói quen ăn uống nhiều đồ muối, đồ nướng, thực phẩm bảo quản kém chất lượng.
- Người thường xuyên hút thuốc lá và uống rượu bia.
- Người có các triệu chứng nghi ngờ ung thư dạ dày: đau bụng, ợ hơi, ợ chua kéo dài.
- Những bệnh nhân mà lần nội soi dạ dày trước đó, đã có kết quả viêm teo niêm mạc dạ dày, viêm chuyển sản ruột, nên thực hiện nội soi kiểm tra lại sau 6 tháng đến 1 năm để tìm các tổn thương tiền ung thư.
6. Nên sàng lọc ung thư dạ dày ở đâu?
Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, với các hệ thống máy nội soi ngày càng hiện đại, giúp xác định rõ tổn thương, phóng đại tổn thương lên gấp nhiều lần, đã giúp cho việc chẩn đoán ung thư sớm dạ dày ngày càng rõ ràng và chính xác hơn.