1. Nên áp dụng các biện pháp dân gian để chăm sóc trẻ bị tay chân miệng hay không?
Thời điểm giao mùa chính là giai đoạn mà trẻ dễ mắc nhiều bệnh nhất, trong đó có bệnh tay chân miệng. Bệnh tay chân miệng lây lan chủ yếu qua đường tiêu hóa. Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm não, thậm chí là đe dọa đến tính mạng của trẻ.
Một số phụ huynh áp dụng các bài thuốc dân gian truyền miệng để chữa bệnh tay chân miệng cho trẻ, chẳng hạn như sử dụng rau sam để trị tay chân miệng, hay trẻ bị tay chân miệng thì tắm nước chè xanh... Liệu những bài thuốc này có thực sự thần kỳ như lời đồn về chúng?
Trên thực tế, chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh được tác dụng thực sự của những bài thuốc này đối với trẻ bị tay chân miệng. Các chuyên gia y tế cho biết, sử dụng rau sam, diếp cá hay bạc hà không thể chữa khỏi bệnh. Những loại rau này chỉ có thể được sử dụng để giảm các triệu chứng của bệnh tay chân miệng như thải độc, các nốt Mụn nước trên da. Hay việc dùng lá chè xanh để tắm cho trẻ bị tay chân miệng là sai lầm, bởi các vết Mụn nước trên da ở trẻ bị tay chân miệng có thể trở nên nghiêm trọng hơn, khiến trẻ có nguy cơ bị Viêm da nặng hơn. Vì vậy, các bác sĩ cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên tự ý sử dụng các bài thuốc dân gian truyền miệng để chăm sóc trẻ bị tay chân miệng.
Tuy nhiên, có thể sử dụng các bài thuốc đông y, kết hợp với Tây y để trị bệnh tay chân miệng. Theo y học cổ truyền, bệnh tay chân miệng có các triệu chứng bệnh hoàn toàn giống với tinh hồng nhiệt bệnh trong đông y. Với các triệu chứng bệnh điển hình như người bệnh hay bị Sốt cao, nổi ban đỏ, đau họng, khát nước... nếu để lâu người bệnh sẽ trở nên không tỉnh táo, khó chịu, bí tiểu...
Sử dụng các bài thuốc đông y chỉ hỗ trợ trị bệnh, tức là điều trị các triệu chứng của bệnh chứ không thể điều trị triệt để bệnh tay chân miệng.
Chúng ta không thể phủ nhận được các tác dụng của các bài thuốc dân gian trong việc chữa bệnh, tuy nhiên chưa có cơ sở khoa học hay bất cứ nghiên cứu nào chứng minh được hiệu quả của các bài thuốc này đối với những trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Vì thế, các bậc phụ huynh không nên chủ quan, khi thấy trẻ có bất cứ dấu hiệu nào của bệnh tay chân miệng, nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị theo phác đồ.
2. Phòng tránh và điều trị cho trẻ bị tay chân miệng
Thường trẻ mắc bệnh tay chân miệng sẽ tự khỏi trong 1 tuần nếu được điều trị đúng cách, tuy nhiên bệnh sẽ có diễn tiến trở nặng như nhiễm trùng huyết, viêm màng não... đây là những biến chứng rất dễ dẫn đến nguy cơ tử vong ở người bệnh nếu trẻ không được điều trị kịp thời hoặc điều trị không đúng cách.
Hiện chưa có thuốc đặc trị đối với bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng, vì vậy để giảm nguy cơ bị nhiễm trùng da cho trẻ cần vệ sinh cho trẻ hàng ngày sạch sẽ bằng nước ấm, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm vỡ các nốt mụn nước. Trẻ bị tay chân miệng không cần kiêng nước, kiêng gió.
Theo dõi sát các dấu hiệu của trẻ, nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu nào khác như Sốt cao hay nôn ói, mệt lả đi, co giật... cần đưa trẻ đến bệnh viện bởi đây là dấu hiệu của bệnh tay chân miệng giai đoạn nặng.
Để phòng tránh bệnh tay chân miệng ở trẻ, các bậc phụ huynh nên lưu ý một số biện pháp sau:
- Tránh để trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh;
- Vệ sinh sạch sẽ đồ chơi của trẻ và các vật dụng trong nhà;
- Không để trẻ dùng chung vật dụng cá nhân với người khác;
- Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ cho trẻ;
- Sau khi đi vệ sinh, thay tã cho trẻ hoặc trước khi cho trẻ ăn, bạn nên rửa tay sạch sẽ ngăn virus lây lan sang trẻ.
Trẻ em là đối tượng rất dễ mắc bệnh tay chân miệng, chính vì vậy các bậc phụ huynh cần lưu ý và theo dõi trẻ, khi thấy bất cứ dấu hiệu nào, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị. Tuyệt đối không được tùy tiện sử dụng các bài thuốc dân gian để chữa bệnh khi chưa được bác sĩ chỉ định, bởi đây có thể là tác nhân khiến tình trạng của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn.