1. Thời điểm nào nên xét nghiệm Giang mai?
Nếu nghi ngờ bản thân mắc giang mai bẩm sinh, người bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa ở bất kỳ thời điểm nào và càng sớm càng tốt. Đối với giang mai và thai kỳ, các bác sĩ khuyến cáo sản phụ nên sàng lọc Giang mai trong ba tháng đầu.
Đối với sản phụ có nguy cơ cao, như phụ nữ hành nghề mại dâm nên Xét nghiệm thêm trong 3 tháng cuối. Cần sàng lọc trước sinh bổ sung đối với các sản phụ sinh sống trong các cộng đồng có nguy cơ cao, tại các thời điểm:
- Lần khám thai đầu tiên
- 28 tuần
- 36 tuần
- Thời điểm sinh
- 6 tuần sau khi sinh
2. Bệnh giang mai truyền cho thai Nhi như thế nào?
Bệnh giang mai là bệnh lây truyền qua đường Tình dục do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra. Trẻ mắc bệnh giang mai bẩm sinh là do mẹ bị mắc bệnh giang mai và truyền vi khuẩn qua nhau thai đến thai nhi. Quá trình truyền bệnh có thể diễn ra bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ và hậu quả dẫn đến Thai chết lưu hoặc nhiều vấn đề về cơ quan trong cơ thể như tai, mắt, gan, tủy xương, da, xương và tim của thai nhi. Nếu thai nhi sống cho đến khi sinh, nguy cơ cao trẻ sẽ sinh non, nhẹ cân, nhiễm trùng giang mai bẩm sinh hoặc tử vong sơ sinh.
Do đó, nếu mắc bệnh giang mai sản phụ cần có một số biện pháp phòng ngừa để hạn chế khả năng truyền vi khuẩn gây bệnh cho thai nhi đang phát triển.
3. Điều trị bệnh giang mai cho sản phụ như thế nào?
Bệnh giang mai đáp ứng điều trị tốt bằng thuốc kháng sinh Penicillin G, đây cũng là phương pháp điều trị duy nhất được các chuyên gia sử dụng. Khi điều trị giang mai sẽ giúp sản phụ hạn chế nguy cơ nhiễm trùng, tuy nhiên, nếu đã gây tổn thương cho thai nhi rồi thì sẽ không thể sửa được các vấn đề này nữa. Do đó, sản phụ cần phải xét nghiệm khi mang thai sớm nếu nghi ngờ bản thân hoặc chồng/bạn tình mắc bệnh bệnh giang mai trước hoặc trong khi sản phụ mang thai.
4. Đối với trường hợp sản phụ Dị ứng với Penicillin
Hiện nay, không có thuốc thay thế cho penicillin để điều trị bệnh giang mai trong thai kỳ. Phụ nữ mang thai có tiền sử dị ứng với penicillin nên được giải mẫn cảm và điều trị bằng penicillin. Vì vậy, các sản phụ cần thực hiện test lẩy da với thuốc kháng penicillin trước khi điều trị, để xác định sản phụ có nguy cơ bị Dị ứng cấp tính với thuốc này hay không.
Thuốc Tetracycline và doxycycline là hai thuốc chống chỉ định trong 6 tháng cuối của thai kỳ. Erythromycin và azithromycin cũng không nên sử dụng do hiệu quả không đáng tin cậy.
5. Làm thế nào để giảm nguy cơ mắc bệnh giang mai khi mang thai?
- Quan hệ chung thủy hoặc lâu dài với chồng/bạn tình đã được xét nghiệm và khẳng định không mắc bệnh giang mai.
- Sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ. Mặc dù bao cao su có thể ngăn ngừa truyền bệnh giang mai bằng cách ngăn chặn sự tiếp xúc với vết loét, nhưng bạn nên biết rằng đôi khi vết loét giang mai xảy ra ở những khu vực không được bao cao su bảo vệ và nếu tiếp xúc với những vết loét này vẫn có thể truyền bệnh giang mai.
Nguồn tham khảo: Americanpregnancy.or; Cdc.gov