Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Mổ nội soi cắt đại tràng: Khi nào cần thực hiện?

26/05/2021
Mổ nội soi cắt đại tràng: Khi nào cần thực hiện?

Cắt đại tràng phải là lấy đi phần đại tràng lên và 1/3 đại tràng ngang nhằm điều trị các bệnh lành tính cũng như ác tính ở đại tràng. So với mổ hở truyền thống, phẫu thuật bằng phương pháp mổ nội soi cắt đại tràng có nhiều ưu điểm nổi bật hơn và ngày càng được ứng dụng nhiều trong y khoa.

1. Tổng quan về mổ nội soi Cắt đại tràng và trực tràng

Đại tràng là một phần của ruột già, nằm ở đoạn cuối đường tiêu hóa nối tiếp với ruột non. Căn cứ trên cấu trúc giải phẫu, đại tràng và trực tràng được chia thành:

  • Đại tràng lên;
  • Đại tràng ngang;
  • Đại tràng xuống;
  • Đại tràng Sigma (đại tràng chậu hông);
  • Trực tràng.

Hoặc có thể chia thành:

  • Ở phía bên phải: Phần đại tràng lên và nửa phải của đại tràng ngang;
  • Ở phía bên trái: Nửa trái đại tràng ngang, đại tràng xuống đổ và đại tràng sigma (chậu hông);
  • Trực tràng.

2. Khi nào cần thực hiện phẫu thuật Cắt đại tràng và trực tràng?

2.1. Mục tiêu

Tùy vào vị trí, mức độ, tính chất, giai đoạn,... của tổn thương mà thực hiện phẫu thuật lấy đi một phần hoặc toàn bộ đại tràng và trực tràng bị tổn thương:

  • Cắt 1⁄2 đại tràng trái: Cắt đại tràng xích-ma, đại tràng xuống và 1⁄2 đại tràng ngang bên trái;
  • Cắt 1⁄2 đại tràng trái mở rộng: Cắt đại tràng xích-ma, đại tràng xuống và đại tràng ngang;
  • Cắt 1⁄2 đại tràng phải: Cắt 10 cm cuối hồi tràng, manh tràng, đại tràng lên và 1⁄2 đại tràng ngang bên phải;
  • Cắt 1⁄2 đại tràng phải mở rộng: Cắt 10 cm cuối hồi tràng, manh tràng, đại tràng lên và đại tràng ngang;
  • Cắt toàn bộ đại tràng: Cắt 10 cm cuối hồi tràng, manh tràng, đại tràng lên, đại tràng ngang, đại tràng xuống, đại tràng xích-ma, một phần hay toàn bộ trực tràng;
  • Cắt hồi - manh tràng;
  • Cắt đại tràng góc gan;
  • Cắt đại tràng ngang;
  • Cắt đại tràng góc lách;
  • Cắt đại tràng xích-ma.

Sau phẫu thuật cắt một phần hoặc toàn bộ đại tràng, việc khôi phục lưu thông tiêu hóa là điều cần thiết. Phẫu thuật viên sẽ cân nhắc nối hai đầu ruột lại với nhau nhằm trả về sự liền mạch cho đường tiêu hóa hoặc làm hậu môn nhân tạo (tạm thời hoặc vĩnh viễn).

Mổ nội soi cắt đại tràng: Khi nào cần thực hiện? - ảnh 1
Nội soi cắt đại tràng phải

2.2. Trường hợp và đối tượng áp dụng

Chỉ định phẫu thuật cắt đại tràng và trực tràng:

  • Thường áp dụng nhất cho các trường hợp u ở đại tràng và trực tràng;
  • Một số trường hợp khác: Polyp ung thư hóa, Túi thừa đại tràng biến chứng Lồng ruột hoại tử, khối u mạc treo đại tràng.

2.3. Chống chỉ định

  • Khối u quá lớn, ung thư đã di căn xa, vào các tạng lân cận, tới phúc mạc không có khả năng cắt bỏ;
  • Người bệnh già yếu hoặc có các bệnh nặng phối hợp không thể thực hiện được phương pháp mổ Nội soi (ví dụ như suy tim, suy hô hấp).

3. Ưu điểm của nội soi cắt đại tràng phải

Phẫu thuật cắt bỏ đi u ác là một bước vô cùng quan trọng để quá trình điều trị ung thư đại - trực tràng phát huy hiệu quả. So với phương pháp phẫu thuật mở truyền thống, mổ nội soi cắt đại tràng có nhiều ưu điểm vượt trội hơn như sau:

  • Tăng độ chính xác nhờ vào hình ảnh có chất lượng tối ưu, không bị hạn chế tầm nhìn như mổ hở;
  • Bệnh nhân ít bị đau đớn sau phẫu thuật;
  • Chức năng đại tràng nhanh chóng phục hồi trở lại;
  • Sẹo mổ nhỏ giúp hạn chế nguy cơ nhiễm trùng vết mổ và đảm bảo tính thẩm mỹ;
  • Thời gian nằm viện ngắn do vết mổ mau lành;
  • Sớm sinh hoạt bình thường.