Tìm hiểu chung
Cắt đại tràng là gì?
Đại tràng, còn được gọi là ruột già hoặc ruột kết, là một cơ quan hình ống dài nằm cuối đường tiêu hóa. Cắt đại tràng là một thủ thuật nhằm loại bỏ toàn bộ hoặc một phần ruột kết. Cắt đại tràng có thể cần thiết để điều trị hoặc ngăn ngừa bệnh lý và các tình trạng ảnh hưởng đến đại tràng.
Khi nào bạn cần thực hiện cắt đại tràng?
Cắt đại tràng được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa bệnh lý và các tình trạng ảnh hưởng đến đại tràng như:
Chảy máu không kiểm soát được. Chảy máu nặng ở đại tràng có thể cần đến phẫu thuật để loại bỏ phần đại tràng bị ảnh hưởng.
Tắc ruột. Tắc ruột là trường hợp khẩn cấp có thể cần cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần đại tràng, tùy thuộc vào tình hình.
Ung thư ruột kết. Nếu ung thư ở giai đoạn sớm, bác sĩ có thể chỉ cắt bỏ một phần nhỏ của đại tràng. Ở giai đoạn muộn hơn, bạn có thể phải cắt bỏ phần lớn đại tràng.
Bệnh Crohn. Nếu thuốc không có tác dụng, phẫu thuật cắt phần đại tràng bị ảnh hưởng có thể cung điều trị trợ tạm thời các dấu hiệu và triệu chứng bệnh Crohn.
Viêm đại tràng. Bác sĩ có thể đề nghị cắt bỏ toàn bộ đại tràng nếu thuốc không giúp kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng.
Viêm túi thừa. Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ phần bị ảnh hưởng của đại tràng nếu viêm Túi thừa tái phát hoặc nếu có các biến chứng của viêm túi thừa.
Phẫu thuật phòng ngừa. Nếu bạn có nguy cơ ung thư đại tràng cao do sự hình thành nhiều polyp đại tràng tiền ung thư, bạn có thể chọn thực hiện cắt bỏ toàn bộ đại tràng để ngăn ngừa ung thư trong tương lai. Cắt đại tràng có thể là một lựa chọn cho những người mắc bệnh di truyền có nguy cơ cao bị ung thư đại tràng như bệnh đa polyp tuyến hoặc hội chứng Lynch.
Điều cần thận trọng
Bạn nên biết gì trước khi thực hiện cắt đại tràng?
Không phải ai cũng có thể thực hiện cắt đại tràng an toàn. Bác sĩ sẽ xem xét nhiều yếu tố như tình trạng cụ thể, tiền sử bệnh và sức khỏe chung của bạn trước khi đưa ra quyết định.
Các biến chứng và tác dụng phụ
Đau là tác dụng phụ phổ biến sau khi cắt đại tràng. Bạn có thể được kê toa thuốc giảm đau.
Nói chung, các biến chứng của cắt đại tràng có thể gồm:
Chảy máu
Cục máu đông ở chân (huyết khối tĩnh mạch sâu) và phổi (thuyên tắc phổi)
Nhiễm trùng
Tổn thương các cơ quan gần đại tràng như bàng quang và ruột non
Chỉ khâu bị rách
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật để biết thêm thông tin.
Quy trình thực hiện
Chuẩn bị trước khi cắt đại tràng
Trong những ngày trước khi phẫu thuật đại tràng, bác sĩ có thể yêu cầu bạn:
Ngừng dùng một số loại thuốc nhất định. Một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc biến chứng trong khi phẫu thuật, do đó bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngưng dùng các loại thuốc đó trước khi phẫu thuật.
Nhịn ăn trước khi phẫu thuật. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cho bạn. Bạn có thể được yêu cầu ngừng ăn và uống từ vài giờ đến một ngày trước khi làm thủ thuật.
Uống một loại dung dịch để làm sạch ruột. Bác sĩ có thể kê toa một dung dịch nhuận tràng pha với nước để bạn uống tại nhà. Bạn uống dung dịch trong vài giờ, theo hướng dẫn của bác sĩ. Dung dịch này sẽ khiến bạn bị tiêu chảy để làm trống ruột già. Bác sĩ cũng có thể đề nghị thụt tháo ruột.
Uống thuốc kháng sinh. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh để ngăn chặn hoạt động của vi khuẩn có sẵn trong đại tràng và giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.
Nếu bạn cần cắt đại tràng khẩn cấp do tắc ruột hoặc thủng ruột, sẽ không có thời gian để chuẩn bị.
Quá trình cắt đại tràng
Cắt đại tràng thường mất từ 1–4 giờ.
Vào ngày phẫu thuật, nhân viên y tế sẽ theo dõi huyết áp và hơi thở của bạn. Bạn có thể được tiêm truyền qua tĩnh mạch một loại thuốc kháng sinh.
Khi vào phòng mổ, bạn sẽ được gây mê toàn thân. Phẫu thuật cắt đại tràng có thể được thực hiện theo hai cách:
Phẫu thuật cắt đại tràng mở. Phẫu thuật mở liên quan đến việc rạch một đường dài để tiếp cận đại tràng. Bác sĩ sử dụng các dụng cụ phẫu thuật để giải phóng đại tràng khỏi các mô xung quanh và cắt một phần hoặc toàn bộ đại tràng.
Cắt đại tràng nội soi. Cắt đại tràng nội soi còn được gọi là cắt đại tràng ít xâm lấn, bao gồm một số vết rạch nhỏ ở bụng. Sau đó, bác sĩ phẫu thuật đưa một máy quay video nhỏ qua một vết rạch và các dụng cụ phẫu thuật đặc biệt qua các vết mổ khác. Bác sĩ sẽ theo dõi màn hình video trong phòng mổ và thao tác các dụng cụ để giải phóng đại tràng khỏi các mô xung quanh. Họ sẽ đưa đại tràng ra ngoài qua một vết rạch nhỏ ở bụng. Điều này giúp bác sĩ có thể phẫu thuật ruột kết ở bên ngoài cơ thể. Sau khi cắt bỏ đại tràng, bác sĩ sẽ đưa ruột trở lại thông qua vết rạch.
Loại phẫu thuật bạn thực hiện phụ thuộc vào tình trạng của bạn và chuyên môn của bác sĩ phẫu thuật. Cắt đại tràng nội soi có thể ít đau và thời gian hồi phục sau phẫu thuật nhanh hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thực hiện thủ thuật này. Ngoài ra, trong một số trường hợp, lúc đầu bác sĩ thực hiện phẫu thuật nội soi nhưng hoàn cảnh có thể buộc đội phẫu thuật phải chuyển sang cắt đại tràng mở.
Một khi đại tràng đã được sửa chữa hoặc loại bỏ, bác sĩ sẽ nối lại hệ thống tiêu hóa để cơ thể thải chất cặn bã. Các lựa chọn nối hệ tiêu hóa gồm:
Nối các phần còn lại của đại tràng. Bác sĩ có thể khâu các phần còn lại của đại tràng lại với nhau, gọi là khâu nối đại tràng. Phân vẫn được thải ra ngoài như trước đây.
Kết nối ruột với một lỗ mở trên bụng. Bác sĩ có thể nối ruột già hoặc ruột non (thủ thuật mở thông ruột hồi) vào lỗ mở ở bụng. Điều này cho phép chất thải rời khỏi cơ thể qua lỗ mở này (lỗ thông). Bạn có thể đeo túi bên ngoài lỗ thông để đựng phân, có thể là vĩnh viễn hoặc tạm thời.
Kết nối ruột non với hậu môn. Sau khi loại bỏ cả đại tràng và trực tràng (cắt đại tràng và trực tràng), bác sĩ phẫu thuật có thể sử dụng một phần ruột non để tạo ra túi gắn vào hậu môn (nối hồi tràng hậu môn). Điều này cho phép loại bỏ chất thải bình thường, mặc dù bạn có thể đi phân lỏng vài lần mỗi ngày. Bạn có thể trải qua một thủ thuật mở hỗng tràng tạm thời.
Bác sĩ phẫu thuật sẽ thảo luận về các lựa chọn điều trị với bạn trước khi phẫu thuật.
Điều gì xảy ra sau khi cắt đại tràng?
Sau khi phẫu thuật, bạn sẽ được đưa đến một phòng hồi sức để được theo dõi khi thuốc gây mê hết. Sau đó, nhân viên y tế sẽ đưa bạn đến phòng bệnh để tiếp tục phục hồi.
Bạn sẽ ở bệnh viện cho đến khi lấy lại chức năng ruột. Việc này có thể mất vài ngày đến 1 tuần.
Ban đầu, bạn có thể không ăn được thức ăn rắn. Bạn có thể nhận được chất dinh dưỡng thông qua truyền tĩnh mạch (thường ở cánh tay) và sau đó chuyển sang uống nước lọc. Khi ruột phục hồi, bạn có thể ăn thêm thức ăn đặc.
Nếu phẫu thuật liên quan đến việc cắt đại tràng hoặc cắt bỏ hồi tràng để gắn ruột ra bên ngoài bụng, bạn sẽ được nhân viên y tế chỉ cách chăm sóc hậu môn nhân tạo và cách thay túi đựng thu gom chất thải.
Sau khi xuất viện, cần thêm một vài tuần hồi phục tại nhà. Ban đầu, bạn có thể cảm thấy yếu, nhưng cuối cùng bạn sẽ hồi sức trở lại. Hãy hỏi bác sĩ khi nào bạn có thể trở lại các thói quen bình thường.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Hồi phục sức khỏe
Bạn nên làm gì sau khi cắt đại tràng?
Trong 6 tuần đầu sau khi phẫu thuật, bạn cần ăn ít chất xơ để giảm khối lượng phân, tần suất đi cầu và kéo dài thời gian tiêu hóa thức ăn. Điều này nhằm tránh chấn thương không cần thiết trong thời gian tái kết nối chữa lành vết thương đường ruột.
Bạn có thể mất khoảng 2–3 tuần để tiếp tục các hoạt động bình thường. Tránh nâng vật nặng trong khoảng 6 tuần.
Nguồn tham khảo
Cắt đại tràng, https://medlineplus.gov/ency/article/002941.htm
Cắt đại tràng, https://www.hopkinsmedicine.org/healthlibrary/test_procedures/gastroenterology/colectomy_135,52
Cắt đại tràng,