Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Gây mê nội khí quản cắt toàn bộ đại - trực tràng

25/05/2021
Gây mê nội khí quản cắt toàn bộ đại - trực tràng

Ruột già nằm ở hạ vùng của hệ tiêu hóa, là bộ phận chứa các chất thải từ quá trình tiêu hóa. Ruột già sẽ bao gồm 4 bộ phận là manh tràng, đại tràng, trực tràng và ruột thừa. Như vậy, phẫu thuật cắt đại tràng – trực tràng là một chỉ định ngoại khoa loại bỏ đi một phần hoặc toàn bộ ruột già. Việc phẫu thuật này có tác dụng gì và có cần gây mê nội khí quản khi phẫu thuật hay không?

1. Tìm hiểu về phẫu thuật Cắt đại tràng – trực tràng

Phẫu thuật cắt đại – trực tràng là thao tác ngoại khoa nhằm loại bỏ đi một phần hoặc toàn bộ ruột già, tập trung vào các phần bị tổn thương hoặc bị bệnh trong ruột già. Đây là một phẫu thuật lớn, thường được chỉ định sau khi các phương pháp điều trị bảo tồn không có tác dụng cải thiện sức khỏe.

Cắt trực tràng – đại tràng là một cách điều trị phổ biến trong một số bệnh lý như:

  • Bệnh túi thừa: sự hình thành các túi nhỏ ở bên thành đại tràng.
  • Viêm ruột, viêm đại tràng, bệnh Crohn...
  • Tổn thương ruột do các Chấn thương từ tác nhân bên ngoài, thủng ruột già, chảy máu ruột...
  • Bệnh Polyp (sự hình thành các khối thừa) – một tình trạng xuất hiện tiền ung thư, đặc biệt ở nhóm đối tượng bị hội chứng đa polyp gia đình.
  • Tắc Nghẽn ruột già.
  • Ung thư đại – trực tràng.
Gây mê nội khí quản cắt toàn bộ đại - trực tràng - ảnh 1
Phẫu thuật cắt bỏ ruột già để điều trị ung thư đại trực tràng

2. Các kỹ thuật phẫu thuật cắt đại – trực tràng

Cắt đại tràng – trực tràng hiện nay được tiến hành theo 2 phương pháp. Các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp mổ tùy theo điều kiện sức khỏe của bệnh nhân cũng như tình trạng bệnh, bao gồm:

  • Mổ hở: bác sĩ sẽ rạch đường dài trên bụng và trực tiếp cắt bỏ phần ruột già bị tổn thương/bị bệnh đã được chẩn đoán trước đó.
  • Nội soi: trong phẫu thuật này, bác sĩ sẽ rạch nhiều đường nhỏ trên bụng và sử dụng loại kính soi đặc biệt cũng như một số dụng cụ để loại bỏ đi phần ruột già đã chỉ định trước đó. Ngoài ra, bác sĩ thường sẽ rạch thêm một đường mổ nhỏ nhằm mục đích lấy các bệnh phẩm khỏi ổ bụng.

3. Có cần gây mê khi thực hiện phẫu thuật cắt toàn bộ đại – trực tràng không?

Câu trả lời là có, cả 2 phương pháp phẫu thuật cắt đại tràng – cắt trực tràng đều yêu cầu gây mê toàn thân trong suốt thời gian phẫu thuật để hạn chế tối đa cơn đau đến cơ thể bệnh nhân. Thông thường, kỹ thuật gây mê được chỉ định đối với loại phẫu thuật này là gây mê nội khí quản.

Kỹ thuật này sẽ gây mê toàn thân và cùng với đó là sự đặt ống nội khí quản nhằm mục đích kiểm soát đường Hô hấp của bệnh nhân trong suốt thời gian phẫu thuật cũng như giai đoạn hồi sức sau phẫu thuật.

Gây mê nội khí quản cắt toàn bộ đại - trực tràng - ảnh 2
Gây mê nội khí quản được sử dụng để kiểm soát hô hấp của bệnh nhân trong suốt phẫu thuật

Về các bước tiến hành, quá trình gây mê sẽ được lần lượt thực hiện theo quy trình sau:

3.1. Các bước tiến hành chung:

  • Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa và thở Oxy 100% trong vòng ít nhất 5 phút trước khi thực hiện khởi mê.
  • Lắp đặt các máy theo dõi và thiết lập đường truyền.
  • Nếu cần thiết, thực hiện thêm thao tác tiền mê.

3.2. Khởi mê

  • Sử dụng thuốc ngủ như thuốc mê tĩnh mạch, thuốc mê bốc hơi...
  • Các loại thuốc giảm đau: morphin, sufentanil, fentanyl...
  • Một số bệnh nhân cần thêm thuốc giãn cơ.
  • Kiểm tra điều kiện để đặt ống nội khí quản: bệnh nhân phải ngủ sâu và có đủ độ giãn cơ.

3.3. Đặt ống nội khí quản

Thường được tiến hành bằng một trong 2 kỹ thuật:

  • Đặt nội khí quản theo đường miệng.
  • Đặt nội khí quản theo đường mũi.

3.4. Duy trì quá trình mê

Gây mê phải được theo dõi xuyên suốt thời gian làm phẫu thuật. Để duy trì quá trình mê của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ:

  • Sử dụng tiếp tục thuốc mê tĩnh mạch, thuốc mê bốc hơi, thuốc giãn cơ và thuốc giảm đau... tùy theo tình trạng cụ thể.
  • Kiểm soát quá trình hô hấp bằng máy hoặc bóp tay.

4. Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện gây mê – phẫu thuật cắt đại tràng, trực tràng?

Trước khi thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân cần được khám tiền mê ít nhất vài ngày trước mổ. Lần khám này sẽ bao gồm nhiều Xét nghiệm máu cũng như khám sức khỏe tổng quát. Tùy theo độ tuổi, tình trạng sức khỏe chung và mức độ bệnh, các bác sĩ sẽ quyết định bệnh nhân có đủ điều kiện để làm phẫu thuật hay không.

Sau khi đã có chỉ định phẫu thuật, đêm trước ngày mổ và sáng ngày mổ, bệnh nhân cần tắm bằng dung dịch sát khuẩn Betadine.

Cũng cần lưu ý rằng đại tràng là khu vực chứa các chất thải và là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn tăng trưởng, vì vậy, nếu chúng xâm nhập vào ổ bụng trong quá trình phẫu thuật sẽ có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng.

Gây mê nội khí quản cắt toàn bộ đại - trực tràng - ảnh 3
Sát khuẩn bệnh nhân bằng Betadine để phòng nhiễm trùng

Vì vậy, một số yếu tố sau cần được lưu ý để phòng ngừa nguy cơ trên:

  • Sử dụng kháng sinh theo đường uống trong khoảng vài ngày trước phẫu thuật.
  • Làm sạch đại tràng.
  • Trong 2 – 3 ngày trước khi mổ, bệnh nhân phải ăn các loại thức ăn mềm, lỏng nhằm giúp hệ tiêu hóa hoạt động nhanh chóng.
  • Trong vòng 24 giờ trước mổ, bệnh nhân chỉ đường uống nước và từ nửa đêm trước phẫu thuật, bệnh nhân phải nhịn hoàn toàn.
  • Bệnh nhân cũng phải uống thuốc sổ trước ngày phẫu thuật. Khi đó, bệnh nhân cần nhập viện và truyền dịch để tránh tình trạng Mất nước do tiêu chảy.

Nói tóm lại, phẫu thuật cắt đại tràng – trực tràng là một cuộc phẫu thuật lớn và để đảm bảo bệnh nhân có thể vượt qua một cách dễ dàng nhất, các bác sĩ cần phải gây mê nội khí quản trước khi thực hiện phẫu thuật. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần tuân thủ các chế độ chuẩn bị trước phẫu thuật nhằm đảm bảo hiệu quả và an toàn, hạn chế tối đa các rủi ro/biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật.