Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Tìm hiểu kỹ thuật cắt đại tràng phải hoặc cắt đại tràng trái

25/05/2021
Tìm hiểu kỹ thuật cắt đại tràng phải hoặc cắt đại tràng trái

Phẫu thuật cắt đại tràng trái hoặc phẫu thuật cắt đại tràng phải và đưa 2 đầu ruột ra ngoài hay còn gọi là hậu môn nhân tạo được ứng dụng phổ biến trên lâm sàng đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân. Đây là phương pháp loại bỏ một phần hoặc toàn bộ đại tràng. Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp và chính xác nhất.

1. Tìm hiểu về phẫu thuật Cắt đại tràng phải hoặc đại tràng trái đưa 2 đầu ruột ra ngoài

Cắt đại tràng phải là phẫu thuật bao gồm: cắt bỏ 10 - 15cm hồi tràng, manh tràng, đại tràng lên, nửa đại tràng ngang bên phải, cùng mạc treo tương ứng thực hiện bằng kỹ thuật mổ mở hoặc mổ Nội soi ổ bụng. Làm hậu môn nhân tạo là đưa 2 đầu ruột ra ngoài để phân thoát ra ngoài sau 1 thời gian sẽ lập lại lưu thông đường tiêu hóa thì 2 bằng nối hồi tràng với đại tràng ngang qua đường mở nhỏ thành bụng. Mục đích của làm hậu môn nhân tạo để tránh bục miệng nối trong trường hợp đại tràng bẩn, Hoại tử nhiều.

Cắt đại tràng trái là phẫu thuật cắt bỏ nửa đại tràng ngang bên trái, đại tràng góc lách, đại tràng xuống cùng mạc treo tương ứng thực hiện bằng kỹ thuật mổ mở hoặc mổ nội soi. Sau đó làm hậu môn nhân tạo bằng cách đưa 2 đầu ruột ra ngoài. Cuối cùng sau 1 thời gian mới lập lại lưu thông đường tiêu hóa bằng nối đại tràng ngang với đại tràng xích ma. Miệng nối có thể được khâu tay hoặc máy nối cơ học.

2. Chỉ định cắt đại tràng phải hoặc đại tràng trái, đưa 2 đầu ruột ra ngoài

2.1. Đối với cắt đại tràng phải

  • U ở đại tràng từ van hồi – manh tràng đến đại tràng ngang.
  • Lao hồi manh tràng, polyp ung thư hóa, Túi thừa đại tràng biến chứng, Lồng ruột hoại tử, khối u mạc treo đại tràng.

2.2. Đối với cắt đại tràng trái

  • U bên trái đại tràng ngang, U đại tràng góc lách, đại tràng xuống.
  • Lồng ruột hoại tử, khối u mạc treo đại tràng, Túi thừa đại tràng.

2.3. Chống chỉ định

  • Khối u quá lớn, ung thư di căn xa, vào các tạng lân cận, đặc biệt là tá tràng, phúc mạc không có khả năng cắt bỏ.
  • Người bệnh già yếu hoặc có các bệnh nặng phối hợp không thể thực hiện được cuộc phẫu thuật
Tìm hiểu kỹ thuật cắt đại tràng phải hoặc cắt đại tràng trái - ảnh 1
Người già yếu không nên cắt đại tràng

2.4. Chỉ định đưa 2 đầu ruột ra ngoài

Chỉ định đưa 2 đầu ruột ra ngoài trong các trường hợp đoạn đại tràng bẩn, Hoại tử nhiều, có nguy cơ bục miệng nối cần đưa đầu ruột ra ngoài làm hậu môn nhân tạo, sau đó mới thực hiện nối ruột thì 2 để tránh nguy cơ bục miệng nối.Đưa 2 đầu ruột ra ngoài hay làm hậu môn nhân tạo ở đây chỉ làm tạm thời, giúp đại tràng có thời gian hồi phục lành lại, sau đó các bác sĩ sẽ phẫu thuật lại để đóng hậu môn nhân tạo đó.

3. Các bước tiến hành cắt đại tràng phải hoặc đại tràng trái đưa 2 đầu ruột ra ngoài

3.1. Kỹ thuật cắt đại tràng phải đưa 2 đầu ruột ra ngoài

  • Vô cảm bằng gây mê nội khí quản
  • Mở ổ bụng bằng dao qua đường trắng giữa hoặc đi vào ổ bụng bằng các lỗ để đưa dụng cụ nội soi vào ổ bụng
  • Thăm dò ổ bụng nhằm mục đích: Đánh giá thương tổn và các tạng trong ổ bụng. Đưa người bệnh về tư thế đầu cao, nghiêng sang trái. Gạt ruột non xuống thấp, sang trái để bộc lộ rõ vùng đại tràng phải.
  • Giải phóng đại tràng phải:

Tiến hành phẫu tích, bóc tách đại tràng ngang, đại tràng góc gan. Tránh tổn thương dạ dày tá tràng, túi mật.

Sau đó phẫu tích giải phóng mạc treo bên phải. Các tạng phía sau phúc mạc sẽ được bộc lộ dần dần và tách khỏi thành bụng sau bên. Khi nhìn rõ tá tràng, dùng dụng cụ đẩy mạc treo đại tràng dần sang trái, xuống dưới bộc lộ rõ toàn bộ khung tá tràng tới sát góc Treitz.

Phẫu tích giải phóng góc hồi manh tràng. Ở vị trí này cần bộc lộ rõ niệu quản, động mạch chậu phải. Giải phóng góc hồi manh tràng tới mốc gối dưới tá tràng. Cuối cùng toàn bộ đại tràng phải dự kiến cắt bỏ đã được giải phóng khỏi các thành phần kéo giữ trong ổ bụng và sau phúc mạc.

Tìm hiểu kỹ thuật cắt đại tràng phải hoặc cắt đại tràng trái - ảnh 2
Kỹ thuật cắt đại tràng nội soi và mổ mở đường mổ giữa bụng

Cắt mạc treo: Dùng dao điện cắt bỏ và mạc treo đại tràng phải. Các mạch máu lớn như nhánh hồi manh đại trùng tràng, nhánh đại tràng phải, đại tràng ngang được cặp cắt bằng kìm khóa mạch

  • Mở bụng cắt đoạn đại tràng phải và làm miệng nối. Xác định vị trí đại tràng ngang sẽ cắt bỏ sao cho đảm bảo một số yếu tố: lấy đi hết tổ chức u, bao gồm cả các hạch vệ tinh trên mạc treo, mạch nuôi dưỡng tốt.
  • Đưa 2 đầu ruột ra ngoài làm hậu môn nhân tạo nếu có chỉ định
  • Sau 1 thời gian tiến hành đóng hậu môn nhân tạo, làm miệng nối bằng khâu hoặc dùng dụng cụ khâu nối máy

3.2 Kỹ thuật cắt đại tràng trái đưa 2 đầu ruột ra ngoài

  • Vô cảm bằng gây mê nội khí quản
  • Mở ổ bụng bằng dao qua đường trắng giữa hoặc đi vào ổ bụng bằng các lỗ để đưa dụng cụ nội soi vào ổ bụng
  • Thăm dò: Đánh giá thương tổn và các tạng trong ổ bụng. Tiến hành gạt ruột non sang bên phải để bộc lộ rõ vùng đại tràng trái.
  • Giải phóng đại tràng trái:

Phẫu tích đại tràng ngang, đại tràng góc lách: bắt đầu từ đoạn giữa đại tràng ngang, dùng dao siêu âm mở vào hậu cung mạc nối, phẫu tích giải phóng đoạn đại tràng ngang bên trái đến đại tràng góc lách.

Phẫu tích giải phóng mạc treo bên trái: bắt đầu phẫu tích từ hố chậu trái để giải phóng mạc treo bên trái. Các tạng phía sau phúc mạc sẽ được bộc lộ dần và đại tràng tách khỏi thành bụng sau bên. Tiến hành cắt mạc treo bên trái nhằm giải phóng khỏi các thành phần kéo giữ của thành bụng sau, lách, mạc nối lớn và dễ dàng đưa ra khỏi ổ bụng.

  • Cắt đại tràng trái: Xác định vị trí đại tràng ngang, đại tràng xích ma sẽ cắt bỏ sao cho đảm bảo một số yếu tố: lấy đi hết tổ chức u, hạch lân cận, mạch nuôi dưỡng tốt.
  • Đưa 2 đầu ruột ra ngoài làm hậu môn nhân tạo nếu có chỉ định
  • Sau 1 thời gian tiến hành đóng hậu môn nhân tạo, làm miệng nối bằng khâu hoặc dùng dụng cụ khâu nối máy
Tìm hiểu kỹ thuật cắt đại tràng phải hoặc cắt đại tràng trái - ảnh 3
Người bệnh được gây mê nội khí quản trước khi tiến hành phẫu thuật

4. Biến chứng sau mổ cắt đại tràng

  • Nhiễm trùng: Nhiễm trùng thường xuất hiện quanh vị trí rạch hoặc sâu trong khoang bụng. Nhiễm khuẩn nặng có nguy cơ gây viêm phúc mạc.
  • Chảy máu: Chảy máu là nguy cơ tiềm ẩn, có tỉ lệ xảy ra cao sau phẫu thuật.
  • Tổn thương các cơ quan lân cận: Trong quá trình phẫu thuật có thể ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận như ruột và bàng quang.
  • Biến chứng tắc đường ruột, tắc nghẽn, tổn thương bàng quang, thận, niệu đạo có thể đã xảy ra.
  • Xì miệng nối: Đây là một biến chứng rất nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong cao, thường xảy ra khoảng từ 7– 10 ngày sau mổ.
  • Thoát vị tại vết mổ cũ: Xuất hiện ngay sau khi mổ và được chẩn đoán trong năm đầu tiên sau khi phẫu thuật biểu hiện là có túi phình trong thành bụng, bệnh nhân có thể có biểu hiện đau, nguy cơ tắc ruột,...

Sau khi thực hiện kỹ thuật cắt đại tràng trái hoặc cắt đại tràng phải, bệnh nhân cần có chế độ chăm sóc và nghỉ ngơi hợp lý để cơ thể có thể phục hồi nhanh chóng cũng như hạn chế được biến chứng sau mổ có thể xảy ra.