Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Biến chứng có thể gặp khi phẫu thuật nội soi cắt đại tràng phải

25/05/2021
Biến chứng có thể gặp khi phẫu thuật nội soi cắt đại tràng phải

Phẫu thuật nội soi cắt đại tràng phải có nghĩa là lấy đi phần đại tràng lên và 1/3 đại tràng ngang. Việc cắt đại tràng phải nhằm điều trị các bệnh lành tính cũng như ác tính tại đại tràng. Tuy nhiên, sau phẫu thuật có thể gặp một số tai biến không mong muốn.

1. Phẫu thuật nội soi Cắt đại tràng phải là gì?

Đại tràng là một phần của ruột già, nằm vị trí cuối đường tiêu hóa nối tiếp với ruột non. Theo cấu trúc giải phẫu, đại tràng chia ra làm 3 phần theo hướng đi và vị trí sắp xếp:

  • Bên phải gồm: Manh tràng, phần đại tràng lên dẫn đến đại tràng ngang.
  • Bên trái gồm: Phần đại tràng xuống đổ vào đại tràng sigma (chậu hông).
  • Trực tràng: Phần đại tràng sigma tiếp nối với điểm cuối đường tiêu hóa.

Cắt đại tràng phải có nghĩa là lấy đi phần đại tràng lên và 1/3 đại tràng ngang. Việc cắt đại tràng phải nhằm điều trị các khối U lành tính của đại tràng phải cũng như ác tính tại đại tràng phải.

Biến chứng có thể gặp khi phẫu thuật nội soi cắt đại tràng phải - ảnh 1
Cắt đại tràng phải được thực hiện để điều trị khi có khối u

Phương pháp phẫu thuật Nội soi cắt đại tràng phải có nhiều ưu điểm và được ứng dụng nhiều trong y khoa.

2. Phẫu thuật nội soi cắt đại tràng phải

2.1. Chỉ định và chống chỉ định

  • Chỉ định phẫu thuật nội soi cắt đại tràng phải khi: Phẫu thuật khối u ở đại tràng từ van hồi – manh tràng đến đại tràng ngang; trong một số trường hợp khác như lao hồi manh tràng, polyp ung thư hóa, bệnh lý Túi thừa đại tràng biến chứng, Lồng ruột hoại tử, khối u mạc treo đại tràng, bệnh Crohn đại tràng.
  • Chống chỉ định phẫu thuật nội soi cắt đại tràng phải khi: Khối u quá lớn, ung thư đại tràng đã di căn vào các tạng như tá tràng, phúc mạc không có khả năng cắt bỏ; những người bệnh già yếu hoặc có các bệnh nặng phối hợp không thể thực hiện được phương pháp này.
Biến chứng có thể gặp khi phẫu thuật nội soi cắt đại tràng phải - ảnh 2
Chống chỉ định phẫu thuật với người già yếu không đủ sức khỏe

2.2. Các bước tiến hành phẫu thuật nội soi cắt đại tràng phải

  • Bước 1: Đặt ống thông bàng quang và gây mê nội khí quản cho người bệnh.
  • Bước 2: Đặt trocar tại các vị trí: Dưới rốn, trên rốn, hố chậu phải, hố chậu trái.
  • Bước 3: Đánh giá thương tổn và các tạng trong ổ bụng.
  • Bước 4: Giải phóng đại tràng phải:
  • Phương pháp phẫu tích từ ngoài vào trong: Phẫu tích đại tràng ngang, đại tràng góc gan; phẫu tích giải phóng mạc Told bên phải; phẫu tích giải phóng góc hồi manh tràng; cắt mạc treo.
  • Phương pháp phẫu tích từ trong ra ngoài: Phẫu tích mạch đại tràng phải; giải phóng đại tràng ngang, đại tràng góc gan, mạc Told, góc hồi manh tràng: tương tự như mô Tả ở trên.
  • Bước 5: Mở bụng, xác định vị trí đại tràng ngang sẽ cắt và lấy hết khối u. Cắt đại tràng phải, hồi tràng, khâu mạc treo, làm miệng nối hồi - đại tràng tận - bên hoặc bên bên.
  • Bước 6: Đặt dẫn lưu rãnh đại tràng phải, đưa qua lỗ trocar số 3 ở hố chậu phải.
  • Bước 7: Đóng thành bụng.
Biến chứng có thể gặp khi phẫu thuật nội soi cắt đại tràng phải - ảnh 3
Phẫu thuật nội soi cắt đại tràng phải

3. Biến chứng có thể gặp khi phẫu thuật nội soi cắt đại tràng phải

Một số biến chứng trong quá trình phẫu thuật nội soi cắt đại tràng phải như:

  • Trường hợp u to, không có khả năng mổ nội soi thì phải lập tức chuyển mổ mở.
  • Có thể xảy ra biến chứng thủng tá tràng, cắt phải niệu quản.
  • Chảy máu khó cầm thì phải chuyển mổ mở.
  • Sau phẫu thuật có thể bị bục miệng nối thì phải mổ lại.
  • Sau mổ có thể tắc ruột; chảy máu ổ bụng và áp xe tồn dư trong ổ bụng.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh lý thần kinh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.