1. Mổ Nội soi tạo hậu môn nhân tạo trong trường hợp nào?
Hậu môn nhân tạo là một lỗ mở ra ngoài thành bụng của đại tràng hoặc hồi tràng, phân và khí sẽ thoát ra ngoài cơ thể qua lỗ mở này mà không đi qua hậu môn thật. Chất thải sẽ được thu thập qua một túi gắn ngoài cơ thể.
Hậu môn nhân tạo gồm có hai loại là hậu môn nhân tạo tạm thời và hậu môn nhân tạo vĩnh viễn. Hậu môn nhân tạo tạm thời là loại được sử dụng trong thời gian ngắn, khoảng một vài tháng nhằm tạo điều kiện cho các tổn thương bệnh lý phía dưới được nghỉ ngơi. Khi các tổn thương hồi phục, bác sĩ phẫu thuật sẽ đóng hậu môn nhân tạo và tái lập sự lưu thông qua hậu môn thật. Hậu môn nhân tạo vĩnh viễn thường được thực hiện ở những bệnh nhân mắc ung thư đại tràng, trực tràng, người bệnh sẽ sử dụng hậu môn này trong suốt quãng đời còn lại.
Có hai phương pháp mổ tạo hậu môn nhân tạo, đó là mổ hở và mổ nội soi. Khi thực hiện mổ hở, bác sĩ sẽ thực hiện một đường mổ lớn ở thành bụng, bệnh nhân thường bị đau sau mổ kéo dài và có nguy cơ gặp nhiều biến chứng. So với mổ hở, mổ nội soi tạo hậu môn nhân tạo ít xâm lấn, ít biến chứng, bệnh nhân ít đau và nhanh hồi phục. Do có nhiều ưu điểm nên mổ nội soi tạo hậu môn nhân tạo ngày càng được thực hiện phổ biến.
Mổ nội soi tạo hậu môn nhân tạo được chỉ định trong một số trường hợp như:
- Ung thư đại tràng giai đoạn muộn, không còn khả năng cắt bỏ.
- Viêm Loét trực tràng nặng, chảy máu
- Bệnh Túi thừa đại tràng, rò trực tràng âm đạo hoặc dò trực tràng bàng quang
- Chấn thương, rò hậu môn phức tạp xuyên cơ thắt, làm hậu môn nhân tạo để bảo vệ miệng nối,..
2. Mổ nội soi tạo hậu môn nhân tạo được thực hiện như thế nào?
2.1. Chuẩn bị trước phẫu thuật
Người bệnh được nhân viên y tế tư vấn về tình trạng sức khỏe hiện tại, mục đích thực hiện ca mổ, các nguy cơ biến chứng có thể gặp sau mổ. Trước mổ, người bệnh sẽ được làm các Xét nghiệm nhằm đánh giá chức năng tim mạch, hô hấp, mức độ tắc ruột. Người bệnh cần nhịn ăn trước phẫu thuật 6 giờ.
2.2. Các bước mổ nội soi tạo hậu môn nhân tạo
- Người bệnh nằm ngửa trên bàn mổ, hai tay khép. Kíp mổ tiến hành gây mê nội khí quản.
- Bác sĩ phẫu thuật đặt trocar 10mm dưới rốn, sau đó bơm hơi CO2 vào ổ bụng với áp lực 12mmHg. Qua hình ảnh thu được về màn hình, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng ổ bụng, vị trí các thương tổn, từ đó chọn vị trí đoạn ruột thích hợp để đưa ra ngoài thành bụng làm hậu môn nhân tạo. Sau khi xác định được đoạn ruột phù hợp, bác sĩ sẽ dùng panh kẹp vào đoạn ruột để cố định.
- Bác sĩ cắt bỏ một phần da hình tròn ngoài thành bụng, đường kính khoảng 2.5cm, tiến hành rạch dọc đến lớp cân. Sau khi tách các sợi cơ sang hai bên sẽ rạch lớp cân chéo ngoài và rạch tiếp lá cân sau. Khi đến phúc mạc thành, sẽ cẩn thận nông thành bụng bằng ngón tay để tạo đường hầm.
- Bác sĩ phẫu thuật dùng Babcock để đưa đoạn đại tràng ra khỏi thành bụng. Đầu tận của đại tràng sẽ được đưa ra khỏi ngoài thành bụng khoảng 2cm, sau đó dùng chỉ tiêu khâu cố định đại tràng vào cân thành bụng bằng bốn mũi khâu ở bốn góc. Tiếp tục khâu một lần nữa bằng các mũi khâu rời sao cho phần đại tràng nhô lên 0.5-1cm so với thành bụng.
- Kỹ thuật làm hậu môn nhân tạo hồi tràng thực hiện tương tự như trên.
2.3. Xử lý các biến chứng có thể gặp sau mổ nội soi tạo hậu môn nhân tạo
Một số biến chứng người bệnh có thể gặp sau phẫu thuật nội soi nhân tạo như:
- Tắc ruột: Có nhiều nguyên nhân có thể gây tắc ruột sau mổ như đường hầm trên thành bụng quá hẹp, hậu môn nhân tạo bị xoắn hay bị đưa ra lộn đầu, còn tổn thương ở đoạn đại tràng phía trên hậu môn nhân tạo,...Bệnh nhân thường sẽ được mổ lại để xử lý.
- Viêm tấy da quanh hậu môn: Là tình trạng thường xảy ra ở hậu môn nhân tạo hồi tràng. Người bệnh sẽ được hướng dẫn chăm sóc da bằng cách rửa xà phòng, thoa thuốc mỡ, bôi kháng sinh nếu cần thiết. Dán túi dán ngoài thành bụng hạn chế dịch chảy ra xung quanh.
- Áp xe quanh hậu môn nhân tạo: Một phần miệng hậu môn nhân tạo sẽ được cắt chỉ, tách ra khỏi mép da để thoát mủ, vệ sinh, thay băng hàng ngày.
- Hoại tử hậu môn nhân tạo: Nếu nghi ngờ hậu môn nhân tạo bị xoắn hoặc phần Hoại tử lan sau quá lớp cân thành bụng, bệnh nhân sẽ được mổ lại để xử lý.
- Hậu môn nhân tạo bị tụt vào trong ổ phúc mạc; sa hậu môn nhân tạo: bệnh nhân sẽ được mổ lại, làm lại hậu môn nhân tạo.
3. Chăm sóc bệnh nhân sau mổ nội soi tạo hậu môn nhân tạo
Trong 24 giờ đầu sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được theo dõi chặt chẽ tình trạng toàn thân, mạch, thân nhiệt, huyết áp, nhịp thở,...Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc giảm đau, truyền dịch, thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng,... Bệnh nhân sẽ được ăn nhẹ cháo, sữa sau khi có trung tiện.
Phần lớn người bệnh thường diễn biến thuận lợi, lưu thông ruột và ăn uống tốt. Hậu môn nhân tạo thường ra phân khoảng 2-3 ngày sau mổ. Ban đầu là hơi và dịch nhầy lẫn lượng ít máu, sau đó là phân lỏng rồi sau đó là phân đặc. Hậu môn nhân tạo thường có màu đỏ nhạt hoặc màu hồng, không đau khi chạm vào. Hậu môn nhân tạo có thể sưng phù nề trong 3-5 ngày đầu sau khi được tạo lập. Người bệnh thường được xuất viện trong khoảng một tuần sau khi mổ. Vùng da quanh lỗ hậu môn nhân tạo cần được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày để tránh nhiễm trùng.Túi hậu môn nhân tạo cần được làm sạch vài lần mỗi ngày.
Hậu môn nhân tạo không có van hoặc cơ nên người bệnh không thể kiểm soát việc phân thoát ra ngoài. Người mang hậu môn nhân tạo thường lo lắng, tự ti vì mùi hôi từ hậu môn nhân tạo có thể làm mọi người xung quanh xa lánh. Tuy nhiên, một số loại túi hậu môn nhân tạo thế hệ mới có bộ lọc khử mùi và lỗ thông khí có thể giải quyết vấn đề này.
Sau mổ nội soi tạo hậu môn nhân tạo, bệnh nhân có thể tiếp tục thực hiện các hoạt động như cuộc sống hàng ngày, có thể đi làm, đi học, làm việc nhà, chơi thể thao,... Vận động hợp lý sẽ không làm tổn thương bệnh hoặc ảnh hưởng đến hậu môn nhân tạo.