Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Mô vú dày đặc làm tăng nguy cơ ung thư vú

22/04/2021
Mô vú dày đặc làm tăng nguy cơ ung thư vú

Mô vú dày có liên quan tới việc gia tăng nguy cơ ung thư vú. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phụ nữ có mô vú rất dày sẽ có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn từ 4-6 lần so với phụ nữ cùng tuổi nhưng có lượng mô vú ít dày hơn.

1. Mô vú dày đặc là gì?

Mô vú dày đặc dùng để chỉ một tình trạng của vú trên kết quả chụp nhũ ảnh. Mô vú dày đặc là hiện tượng thường gặp, và là bình thường.

Mô vú bao gồm nhiều thành phần tạo nên, như tuyến sữa, ống dẫn sữa, mô liên kết (mô vú đặc) và mô mỡ (mô vú không đặc). Trên kết quả chụp X quang tuyến vú, phụ nữ có mô vú dày đặc nghĩa là có nhiều mô liên kết hơn mô mỡ.

Các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh sẽ đọc kết quả chụp chụp X quang tuyến vú và tính tỉ lệ giữa mô không đặc và mô đặc để cho ra kết luận mật độ của vú. Kết quả mật độ của vú được dựa trên tiêu chuẩn của Hệ thống báo cáo và dữ liệu Chẩn đoán hình ảnh về vú (Breast Imaging Reporting and Data System - BI-RADS). Mật độ của vú trên kết quả chụp nhũ ảnh được phân thành 4 mức độ, kí hiệu bằng các chữ cái A, B, C, D, cụ thể là:

  • A: Mô không đặc chiếm gần như toàn bộ vú (almost entirely fatty); có khoảng 1 trong 10 phụ nữ có kết quả này.
  • B: Rải rác các vùng xơ tuyến (scattered areas of fibroglandular density), nghĩa là xuất hiện rải rác một số khu vực mô vú đặc, nhưng phần lớn vú vẫn là mô không đặc. Có khoảng 4 trong 10 phụ nữ có kết quả này.
  • C: Mật độ không đồng nhất (heterogeneously dense), nghĩa là vẫn có những khu vực của vú là mô không đặc, nhưng phần lớn là mô đặc. Có khoảng 4 trong 10 phụ nữ có kết quả này.
  • D: Mật độ dày đặc (extremely dense), nghĩa là gần như toàn bộ vú là mô đặc. Có khoảng 1 trong 10 phụ nữ có kết quả này.

Thông thường, nếu kết quả được phân loại là mật độ không đồng nhất (C), hoặc mật độ dày đặc (D) thì được coi là mô vú dày đặc, và có khoảng một nửa số phụ nữ chụp X quang tuyến vú sẽ có kết quả mô vú dày đặc.

2. Nguyên nhân gây ra mô vú dày đặc và ảnh hưởng của mô vú dày đặc

Cho đến hiện nay vì sao một số phụ nữ lại có nhiều mô vú đặc trong khi số khác lại không chưa được rõ, tuy nhiên khả năng có mô vú dày đặc sẽ cao hơn nếu:

  • Tuổi còn trẻ: các mô vú có xu hướng ít đặc dần theo thời gian, mặc dù một số phụ nữ có mô vú dày đặc ở bất kì độ tuổi nào.
  • Có chỉ số khối cơ thể (body mass index - BMI) thấp: phụ nữ với chỉ số khối cơ thể thấp đồng nghĩa với việc họ có lượng mỡ trong cơ thể ít hơn, và có khả năng có nhiều mô vú đặc hơn so với những phụ nữ béo phì.
  • Sử dụng liệu pháp Nội tiết tố cho mãn kinh: những phụ nữ sử dụng liệu pháp Nội tiết tố kết hợp để làm giảm nhẹ các dấu hiệu và triệu chứng của mãn kinh hay có mô vú dày đặc hơn.

Mô vú dày đặc về mặt bệnh lý thì không phải là bệnh, nhưng nó lại gây ảnh hưởng theo hai hướng:

  • Làm tăng khả năng che lấp các dấu hiệu của ung thư vú trên kết quả chụp nhũ ảnh, khiến ung thư vú khó phát hiện hơn (trên kết quả chụp nhũ ảnh mô vú đặc và khối u vú đều có màu trắng).
  • Làm tăng nguy cơ xuất hiện ung thư vú (cơ chế hiện nay chưa rõ).

3. Mối liên quan giữa mô vú dày đặc và ung thư vú

Gần đây các nhà nghiên cứu Thụy Điển đã sử dụng phương pháp đo mật độ vú tự động bằng phần mềm có tên Phân tích thể tích tự động (automated volumetric analysis) và kết quả của họ đã xác nhận những phụ nữ có mô vú dày đặc đối mặt với nguy cơ ung thư vú cao hơn.

Nghiên cứu vừa nêu được thực hiện trên hơn 100.000 phụ nữ và hơn 300.000 xét nghiệm sàng lọc. Những phụ nữ Thụy Điển trong nghiên cứu ở độ tuổi từ 50 tới 69 tuổi, và phần mềm tự động phát hiện ra mô vú dày đặc chiếm 28% các Xét nghiệm sàng lọc. Tỉ lệ ung thư vú là 6,7 trong mỗi 1000 Xét nghiệm đối với những phụ nữ có mô vú dày đặc, và 5,5 trong mỗi 1000 phụ nữ không có mô vú dày đặc.

Kết quả nghiên cứu, tuy không chênh lệch quá nhiều, nhưng đã cho thấy có sự sai khác rõ ràng về tỉ lệ mắc ung thư. Những phụ nữ có mô vú dày đặc có tỉ lệ ung thư vú cao hơn so với những phụ nữ không có mô vú dày đặc.

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy những phụ nữ có mô vú dày đặc thường phải làm nhiều xét nghiệm hơn do những nghi ngờ về bệnh lý ác tính, đồng thời những khối u vú xuất hiện ở phụ nữ có mô vú dày đặc thường có kích thước lớn hơn, trung bình là 17 mm, so với những phụ nữ không có mô vú dày đặc chỉ là 15 mm.

Nghiên cứu cũng xác nhận những phụ nữ có mô vú dày đặc khó xác định được chính xác tình trạng ung thư hơn. Ung thư vú được phát hiện chính xác ở những phụ nữ có mô vú dày đặc chỉ là 71%, so với 82% ở những phụ nữ không có mô vú dày đặc.

Tuy nhiên các tác giả của nghiên cứu này cũng lưu ý rằng phương pháp mà nghiên cứu sử dụng là một phương pháp mới, còn cần thêm những nghiên cứu sâu hơn về lợi ích và nguy cơ của phương pháp này. Trong tương lai rất có thể phương pháp này sẽ là tiêu chuẩn để tầm soát ung thư vú. Đồng thời các tác giả cũng cho rằng những phụ nữ có mô vú dày đặc cần được thực hiện một số kĩ thuật chẩn đoán hình ảnh nhằm hỗ trợ phát hiện ung thư vú, chẳng hạn như siêu âm hay chụp cộng hưởng từ (magnetic resonance imaging - MRI), là những kĩ thuật cho phép phân biệt mô vú đặc và mô ung thư tốt hơn.

4. Khuyến cáo về tầm soát ung thư vú

Đa số các hiệp hội và tổ chức y khoa đều khuyến cáo những phụ nữ với nguy cơ ung thư vú trung bình nên được chụp nhũ ảnh hàng năm bắt đầu từ năm 40 tuổi trở đi. Những phụ nữ có mô vú dày đặc, nhưng không có yếu tố nguy cơ ung thư vú khác, nên được coi là những phụ nữ có nguy cơ ung thư vú cao hơn mức trung bình, và cần phải được tầm soát ung thư vú hàng năm.

5. Làm thế nào để dự phòng hoặc làm giảm nguy cơ ung thư vú?

Bạn có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú của bản thân mình bằng cách thực hiện một lối sống lành mạnh. Ví dụ như thường xuyên luyện tập thể thao, không hút thuốc lá và hạn chế sử dụng đồ uống có cồn. Phụ nữ không nên tiêu thụ quá 1 ly rượu một ngày.

Bạn cũng nên có chế độ Dinh dưỡng lành mạnh. Tuy nhiên, chế độ ăn sẽ không ảnh hưởng đến mật độ vú của bạn, theo như kết quả của một nghiên cứu trên tạp chí Cancer Epidemiology, Biomarkers & Prevention. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng, không có mối liên quan giữa mật độ vú và:

  • Lượng carbohydrate
  • Chất xơ thô và chất xơ trong chế độ ăn
  • Tổng lượng protein, bao gồm cả protein động vật
  • Canxi
  • Caffein