1. Bệnh suy Giãn tĩnh mạch chi dưới là gì?
Suy Giãn tĩnh mạch chi dưới là sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân, từ đó gây nên hiện tượng máu ứ đọng lại, làm biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh.
Bệnh gây nhức mỏi, nặng chân, phù chân, kiến bò, chuột rút về ban đêm... có thể dẫn đến các biến chứng khó chữa như Chàm da, loét chân, chảy máu, Huyết khối tĩnh mạch nông và sâu...
Nguyên nhân gây bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, bệnh có thể liên quan đến một số yếu tố nguy cơ như:
Phụ nữ mang thai: Nguyên nhân là do áp lực từ việc gia tăng thể tích máu để cung cấp cho thai Nhi phát triển.
Giới tính: Do phụ nữ mang thai, sinh đẻ nhiều lần và sự biến đổi hormone nên nữ mắc bệnh cao gấp đôi so với nam giới.
Do gen di truyền: Trong gia đình bạn có người thân bị suy giãn tĩnh mạch thì bạn có nguy cơ cao bị bệnh suy giãn tĩnh mạch.
Thừa cân, béo phì: Khi thừa cân, béo phì, thể tích máu trong hệ tuần hoàn tăng dẫn đến áp lực tĩnh mạch ở chân cũng tăng theo và gây nên bệnh.
Tuổi tác: Tuổi càng cao, nguy cơ dẫn đến bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới càng nhiều. Ở độ tuổi cao, hầu hết tĩnh mạch đã mất đi sự đàn hồi cần thiết, van tĩnh mạch hoạt động yếu hơn làm cho thành tĩnh mạch bị viêm, giãn ra và phồng to.
Không thường xuyên vận động: Giữ tư thế ngồi quá lâu hoặc đứng nhiều giờ sẽ khiến tĩnh mạch yếu đi.
2. Triệu chứng của bệnh Suy tĩnh mạch chi dưới
Các triệu chứng ban đầu của bệnh suy tĩnh mạch chi dưới thường mờ nhạt và thoáng qua, chỉ khi bệnh đã tiến triển tới giai đoạn nặng thì người bệnh mới phát hiện để điều trị. Do vậy, cần nhận biết triệu chứng của bệnh, dù là thoáng qua để điều trị ngay lập tức. Dưới đây là một số dấu hiệu có thể cảnh báo bạn đang bị Suy tĩnh mạch chi dưới, cụ thể:
Ở giai đoạn đầu:
- Người bệnh thường có biểu hiện đau chân, cảm giác nặng chân, hoặc mang giày dép chật hơn bình thường;
- Mỏi chân, phù nhẹ khi đứng lâu hoặc ngồi nhiều;
- Chuột rút vào buổi tối, cảm giác bị châm kim, dị cảm như kiến bò về ban đêm.
- Nhiều mạch máu nhỏ li ti, nhất là ở cổ chân và bàn chân nổi lên.
Giai đoạn tiến triển:
- Chân phù, có thể phù ở mắt cá hay bàn chân.
- Vùng cẳng chân thay đổi màu sắc da do máu ứ ở tĩnh mạch lâu ngày nên loạn dưỡng.
- Các tĩnh mạch trương phồng gây cảm giác nặng và đau nhức chân, máu thoát ra ngoài mạch gây phù chân, thông thường hiện tượng này không mất đi khi nghỉ ngơi
Giai đoạn biến chứng:
- Bệnh gây nên Viêm tĩnh mạch nông huyết khối làm thuyên tắc tĩnh mạch sâu đoạn gần, đoạn xa và thuyên tắc phổi.
- Chảy máu nặng do giãn vỡ tĩnh mạch, nhiễm khuẩn vết loét của suy tĩnh mạch mạn tính.
3. Biến chứng của bệnh suy tĩnh mạch chi dưới
Một số biến chứng của bệnh suy tĩnh mạch chi dưới như:
- Chân người bệnh bị sưng to, đau buốt và chuột rút về đêm
- Nặng hơn là viêm tắc tĩnh mạch, chân nóng, sưng đỏ,...
- Tĩnh mạch giãn, nổi rõ dưới da làm mất thẩm mỹ
- Giai đoạn cuối diễn tiến đến tình trạng giãn to toàn bộ hệ tĩnh mạch, ứ trệ tuần hoàn, da chân phía dưới viêm loét, nhiễm trùng rất khó điều trị
- Một biến chứng nặng nề và thường hay gặp của suy tĩnh mạch chi dưới là hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch, cục máu đông có thể đi về tim và gây thuyên tắc động mạch phổi, dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
4. Điều trị và phòng bệnh suy tĩnh mạch chi dưới
4.1. Điều trị bệnh suy tĩnh mạch chi dưới
- Điều trị nội khoa bằng phương pháp phòng ngừa: Nhằm ngăn chặn sự trào ngược và làm các lực tác động lên dòng chảy của tĩnh mạch tốt hơn. Người bệnh nên để chân cao khi nằm nghỉ, tập cơ mạnh hơn, tránh đứng hay ngồi lâu, mang tất thun hay quấn chân bằng băng thun, ăn chế độ có nhiều chất xơ...
- Điều trị nội khoa bằng thuốc: Các thuốc bao gồm Daflon, Rutin C, Veinamitol... nhưng phần lớn chỉ có tác dụng trong giai đoạn đầu
- Can thiệp ít xâm lấn: Phương pháp làm lạnh với Nitơ lỏng âm 90oC.
4.2. Phòng bệnh suy tĩnh mạch chi dưới
- Cải thiện điều kiện lao động, tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động.
- Tránh đứng lâu một tư thế khi làm việc
- Mang phương tiện bảo hộ lao động thường xuyên;
- Tập thể dục (đi bộ) đều đặn và giảm cân; Ăn chế độ Dinh dưỡng phù hợp;
- Nâng chân lên cao khi ngồi và tránh đứng một chỗ trong thời gian dài;
- Đi dép hoặc giày đế bằng, không đi giày dép loại cao gót thường xuyên.
- Đi khám bác sĩ nếu bạn có triệu chứng bệnh suy giãn tĩnh mạch
Biến chứng nặng nề nhất của suy giãn tĩnh mạch chi dưới là hình thành huyết khối trong lòng mạch gây tắc, diễn biến thành mảng biến đổi sắc tố trên da và loét Hoại tử vùng da.