1. Những nguyên nhân Ngứa núm vú
1.1. Thời tiết hanh khô
Thời tiết hanh khô có thể gây ngứa trên toàn bộ cơ thể bạn, bao gồm cả ngứa núm vú. Điều này là do cơ thể bạn không tiết đủ mồ hôi và acid hữu cơ, khiến da bị khô, kém đàn hồi và có thể bị nứt nẻ. Việc này tạo điều kiện cho vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm, virus, bụi bẩn bám và xâm nhập vào da gây ngứa núm vú.
Nếu bạn thấy núm vú của mình bị khô và nứt nẻ, hãy bảo vệ nhũ hoa bằng cách dưỡng ẩm cho da như sau:
- Tắm dưới vòi hoa sen hoặc bồn tắm ít hơn 10 phút mỗi ngày.
- Sử dụng nước ấm, thay vì nước nóng để tắm, vì nước nóng làm trôi hết các chất giữ ẩm tự nhiên của da và làm tình trạng khô da thêm trầm trọng.
- Sau khi tắm xong, nhẹ nhàng dùng khăn vỗ nhẹ trên da toàn thân và nhũ hoa đến khi khô.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc mỡ vaselin bôi lên nhũ hoa và da toàn thân để dưỡng ẩm.
1.2. Bạn đang bị chàm
Viêm da cơ địa (hay chàm) là bệnh lý của da. Nó có thể gây tổn thương dạng ban ở núm vú và phần vú xung quanh, đặc biệt là khi bạn đã bị Chàm trước đó ở các cơ quan khác. Ngoài ngứa núm vú, bạn có thể xuất hiện các Mụn nước ở vùng tổn thương.
Trong trường hợp này, bạn nên sử dụng một loại kem dưỡng ẩm dày có chứa ceramides - một thành phần sáp giúp chữa lành da. Các loại kem bôi tại chỗ như hydrocortison có thể giúp giảm sưng và ngứa. Trong trường hợp bạn có tổn thương giống như Chàm kèm theo đau khi chạm vào, đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Hãy đến bác sĩ để được khám và tư vấn điều trị phù hợp.
1.3. Dị ứng với hóa chất
Bạn vừa đổi sang một loại sữa tắm mới? Hoặc bạn mới sử dụng loại nước hoa mới để cơ thể quyến rũ hơn? Nếu bạn có những điều này kèm theo ngứa vùng nhũ hoa, bạn có thể đang gặp phải Tình trạng viêm da do tiếp xúc. Nó có thể xuất hiện dưới dạng các mảng đỏ ngứa trên cơ thể.
Để giảm ngứa núm vú, hãy hạn chế dùng những chất tạo mùi và chuyển sang dùng xà phòng và chất tẩy rửa không gây dị ứng, không mùi và không có thuốc nhuộm.
1.4. Dị ứng với đồ lót
Ngực và núm vú có thể phản ứng với chất dẻo hoặc thuốc nhuộm được sử dụng để làm áo ngực hoặc đồ lót của bạn. Viêm da tiếp xúc có thể gây đỏ và ngứa trên các khu vực của da chạm vào vải, như núm vú của bạn. Nếu gần đây bạn đã bắt đầu mặc một chiếc áo ngực mới, hãy quay lại chiếc cũ của bạn một lúc và xem liệu cơn ngứa nhũ hoa có biến mất không.
Ngực và núm vú có thể phản ứng với chất dẻo hoặc thuốc nhuộm được sử dụng để làm áo ngực hoặc đồ lót của bạn
1.5. Cọ xát quá nhiều
Khi mặc áo ngực quá chật, núm vú của bạn có thể bị ma sát nhiều khi chúng cọ vào quần áo trong khi bạn tập thể dục hoặc vận động. Nó thường gây đau hơn là ngứa, nhưng một số trường hợp ma sát có thể gây ngứa hoặc cảm giác nóng rát. Bạn nên bôi dưỡng ẩm vào khu vực nhũ hoa trước khi tập luyện để tránh những kích thích da, đảm bảo áo ngực luôn vừa vặn và thoải mái. Hiện nay có một số loại áo ngực thiết kế riêng để tập thể thao, bạn nên chọn chúng để tránh gây khó chịu khi tập luyện cũng như giữ được form ngực hoàn hảo.
1.6. Bạn đang mang thai
Tăng cân, ốm nghén, thay đổi hormone và núm vú bị ngứa có thể là triệu chứng bạn đang mang thai. Đó có thể do sự thay đổi hormone và căng da khi ngực khi núm vú mở rộng để sẵn sàng cho em bé bú. Bạn có thể dùng dầu dừa hoặc thuốc mỡ lanolin thoa lên núm vú, điều này có thể giúp tình trạng ngứa trở nên dễ chịu hơn.
1.7. Nuôi con bằng sữa mẹ
Lượng sữa dư thừa, núm vú bị em bé cắn, và các vấn đề khi em bé của bạn ngậm nhũ hoa trong khi bú đều có thể là nguyên nhân gây ngứa nhũ hoa. Đặc biệt là trong thời gian đầu mới cho em bé bú. Điều quan trọng nhất để ngăn ngừa cơn ngứa là giữ cho nhũ hoa luôn sạch sẽ và khô ráo. Bạn có thể vệ sinh núm vú trước và sau khi cho bé bú bằng nước muối sinh lý, dùng thuốc mỡ Lanolin và miếng gel silicon làm mát trong tủ lạnh cũng là biện pháp giảm sự khó chịu hiệu quả.
1.8. Nhiễm nấm Candida
Với những phụ nữ đang cho con bú, nếu núm vú và khu vực xung quanh bị ngứa, bong tróc kèm đau đớn khi bé bú, hãy gọi cho bác sĩ vì đó là những dấu hiệu của nhiễm nấm Candida. Ngoài ra bạn có thể quan sát thấy miệng em bé của mình cũng có các mảng trắng như cặn sữa. Bác sĩ có thể kê toa một loại kem chống nấm để đặt lên núm vú và vú của bạn, ngoài ra có một số loại thuốc chống nấm nhẹ bạn có thể uống bằng miệng. Bạn nên khám cho cả em bé của mình để cắt đứt nguồn lây nhiễm nấm giữa hai mẹ con.
1.9. Giai đoạn mãn kinh
Giai đoạn mãn kinh có thể làm cho làn da của bạn mỏng hơn, khô hơn và dễ bị kích thích hơn. Đó là do nồng độ hormone estrogen của bạn đang đi xuống và ở mức độ estrogen thấp hơn so với trước thời kỳ mãn kinh. Cơ thể bạn tạo ra ít dầu hơn, vì vậy da bạn khó giữ được độ ẩm cần thiết. Ngứa có thể tấn công bất cứ nơi nào trên cơ thể, bao gồm cả ngứa âm đạo và ngứa nhũ hoa. Để hạn chế tình trạng này, bạn có thể chống khô da bằng cách sử dụng các chất tẩy rửa nhẹ, giữ ẩm thường xuyên và không tắm lâu.
1.10. Ảnh hưởng từ bức xạ
Điều trị ung thư vú có thể dẫn đến ngứa dữ dội ở vú và núm vú, thậm chí rất lâu sau khi điều trị ung thư vú kết thúc. Bức xạ giết chết các tế bào da và gây khô, rát và ngứa khi da bong ra. Bạn nên massage vùng này bằng một viên đá lạnh, mặc quần áo mềm, rộng và uống nhiều nước. Thuốc kháng histamin đường uống có thể khắc phục tình trạng này. Bác sĩ cũng có thể kê toa một loại thuốc corticosteroid để bạn thoa lên da.
1.11. Bệnh Paget ở ngực
Bệnh Paget ở ngực là một dạng ung thư vú hiếm gặp, bắt đầu từ các ống dẫn của vú và lan đến núm vú và khu vực lân cận. Nó có thể trông rất giống bệnh chàm với lớp Da khô giòn, có vảy và ngứa nhũ hoa. Nhưng nó thường ảnh hưởng đến chỉ một núm vú, và bạn cũng có thể thấy xuất huyết hoặc tiết dịch màu vàng. Nếu có những triệu chứng này, bạn có thể cần phải sinh thiết một mẫu mô để phát hiện bệnh kịp thời. Bệnh Paget thường được điều trị bằng phẫu thuật, sau đó là xạ trị.
1.12. Bạn có u lành tính
Đôi khi, một khối u không ung thư trong tuyến vú có thể gây ra ngứa núm vú, khó chịu vùng đầu vú. Bạn có thể cảm thấy một khối u nhỏ hoặc nhận thấy một chất dịch trong hoặc có máu từ núm vú. Để chẩn đoán, bác sĩ có thể chụp X-quang vú của bạn hoặc yêu cầu siêu âm, hoặc sinh thiết bằng kim nhỏ. Việc điều trị thường là phẫu thuật.
1.13. Xạ trị
Điều trị ung thư các cơ quan khác cũng có thể gây các triệu chứng khô da toàn thân và đặc biệt là núm vú. Bạn nên nói với bác sĩ để được kê đơn các loại thuốc làm mềm da, giảm ngứa.
1.14. Ngứa núm vú do viêm tấy
Viêm vú, nhiễm trùng mô vú, cũng có thể gây ngứa vú và núm vú. Tình trạng này phổ biến và gây ảnh hưởng nhiều nhất đến các bà mẹ mới cho con bú. Các bà mẹ cho con bú có thể bị tắc ống sữa hoặc tiếp xúc với vi khuẩn từ ngoài môi trường hoặc từ miệng em bé, dẫn đến viêm vú. Các triệu chứng khác của viêm vú bao gồm: Vú mềm, sưng, đỏ, đau hoặc rát khi cho con bú... Ngứa nhũ hoa do viêm tấy thường không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có thể tự hết khi nhũ hoa được vệ sinh, chăm sóc đúng cách.
1.15. Ngứa núm vú - Dấu hiệu của ung thư vú
Ung thư vú là nguyên nhân xấu nhất bạn có thể gặp phải. Các biểu hiện kèm theo có thể là:
- Sờ thấy khối mới xuất hiện ở vùng vú.
- Nổi hạch vùng cổ hoặc toàn thân.
- Tụt núm vú mới biểu hiện gần đây.
- Mô vú bị co kéo bất thường.
- Núm vú chảy dịch ngay cả khi không cho con bú.
- Gầy sút cân, mệt mỏi.
Bạn có thể không có biểu hiện gì khác thường trong giai đoạn sớm của bệnh. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm ung thư vú và điều trị sớm, thời gian sống khỏe của bạn có thể được kéo dài hơn. Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có gói dịch vụ tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú giúp bạn phát hiện bệnh kịp thời ngay cả khi không có triệu chứng.
Ngứa núm vú có thể là triệu chứng sớm của ung thư vú
2. Phòng ngừa ngứa núm vú
Một thói quen chăm sóc da đúng cách và cẩn thận có thể ngăn ngừa tình trạng ngứa núm hay ngứa tuyến vú do Viêm da dị ứng.
Đối vối phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ, bạn có thể phòng ngừa viêm vú bằng cách hút sạch sữa trong vú ra sau khi cho con bú. Các cách phòng ngừa khác bao gồm:
- Thay đổi tư thế cho con bú
- Cho con bú xen kẽ hai bên vú
- Cho con bú hết một bên rồi mới cho bú tới bên kia
- Tham khảo ý kiến bác sĩ để có cách cho con bú tốt hơn
Các nguyên nhân gây ngứa núm vú và ngứa tuyến vú khác như ung thư thường không ngăn ngừa được. Tuy nhiên, bạn có thể tuân thủ các chỉ định của bác sĩ để điều trị bệnh, từ đó giảm nhẹ cơn ngứa.
Tình trạng ngứa vùng núm hay ngứa tuyến vú có thể biến mất sau khi bạn dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và chăm sóc da đúng cách hơn. Tuy nhiên, cơn ngứa có thể là triệu chứng của các bệnh nghiêm trọng hơn như ung thư. Vậy nên, bạn hãy đi khám ngay khi cơn ngứa đi kèm các thay đổi nghiêm trọng ở ngực như sưng, nổi mẩn đỏ hay tiết dịch nhé.
Để luôn có một cơ thể khỏe mạnh, phụ nữ cần quan tâm nhiều hơn đến các thay đổi trên cơ thể mình, đặc biệt là ở những vị trí kín đáo như ngứa núm vú hoặc “tam giác” sinh dục - tiết niệu. Kiểm tra sức khỏe định kỳ và nhờ sự tư vấn của bác sĩ ngay khi thấy các dấu hiệu bất thường là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của bạn!