Nguyên nhân, triệu chứng và Cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng

Virus gây bệnh tay chân miệng ở trẻ sơ sinh có khả năng lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi họng, nước bọt, chất dịch có chứa virus từ bọng nước hoặc từ phân của các bệnh nhi khác.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Nguyên nhân bị bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng là bệnh Truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là Sốt cao, xuất hiện vết loét trong khoang miệng, nổi ban có bọng nước ở bàn tay, bàn chân và đôi khi cả ở mông.

Các virus thuộc nhóm enterovirus là nguyên nhân gây ra bệnh chân tay miệng ở trẻ em và trẻ sơ sinh. Cụ thể, bệnh tay chân miệng chủ yếu gây ra bởi chủng virus coxsackievirus A16 (là trường hợp ít biến chứng và thường tự khỏi). Tuy nhiên, bệnh nhân cũng có thể mắc một chủng virus khác là enterovirus 71 (EV71), nguy cơ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

2. Trẻ sơ sinh bị bệnh tay chân miệng như thế nào?

Thông thường, trẻ sơ sinh bị bệnh tay chân miệng chủ yếu là do nhiễm virus lây lan từ người này sang người khác thông qua con đường tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ mũi họng, nước bọt, chất dịch có chứa virus từ bọng nước hoặc từ phân của các bệnh Nhi khác. Nguy cơ lây lan mạnh nhất xảy ra trong tuần đầu tiên sau khi nhiễm bệnh, tuy nhiên giai đoạn có khả năng lây nhiễm có thể kéo dài vài tuần (do virus khu trú trong phân).

Trên thực tế, trẻ có thể bị nhiễm bệnh tay chân miệng nhiều lần. Nguyên nhân là vì mỗi lần nhiễm bệnh, cơ thể trẻ chỉ tạo ra kháng thể với một loại virus nhất định và nguy cơ trẻ có thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm một virus khác thuộc nhóm enterovirus.

3. Triệu chứng tay chân miệng bắt đầu xuất hiện bao lâu sau khi nhiễm bệnh? Nguyên nhân, triệu chứng và Cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng - ảnh 1

Trẻ bị sốt, mệt mỏi là dấu hiệu nhận biết sớm nhất của bệnh

Trẻ bị bệnh tay chân miệng sẽ xuất hiện những triệu chứng như sau:

  • Trong 3 - 7 ngày sau khi nhiễm bệnh, trẻ hầu như không biểu hiện triệu chứng. Đây gọi là thời kỳ ủ bệnh (từ khi nhiễm virus bệnh cho đến khi bắt đầu khởi phát triệu chứng);
  • Sốt là triệu chứng đầu tiên thường gặp nhất của bệnh tay chân miệng, kéo dài trong khoảng 24 - 48 giờ. Ngoài ra, bệnh Nhi có thể kém ăn, khó chịu và đau họng;
  • Sau khi bị Sốt là thời điểm các nốt mụn lở đau rát xuất hiện trong khoang miệng, ban đầu chủ yếu là những nốt phồng rộp màu đỏ, sau đó thường phát triển thành các vết loét. Vị trí của các vết loét này tập trung ở trên lưỡi, lợi và bên trong má;
  • Triệu chứng trên da: Phát ban không ngứa, xuất hiện trong 1 - 2 ngày. Dấu hiệu nhận biết là các tổn thương màu đỏ, phẳng hoặc nhô lên, một số trường hợp kèm theo bọng nước. Phát ban da thường khu trú trong lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân, nhiều trường hợp có thể xuất hiện ở mông và cơ quan sinh dục;
  • Một số bệnh nhi có thể không có triệu chứng hoặc chỉ bị phát ban và Loét miệng nhẹ.

4. Phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho trẻ sơ sinh Nguyên nhân, triệu chứng và Cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng - ảnh 2

Tắm sạch sẽ cho trẻ

Hiện nay chưa có thuốc phòng chống virus cũng như các loại vắc - xin đặc hiệu để phòng ngừa các loại virus enterovirus - tác nhân gây bệnh tay chân miệng. Biện pháp để giảm nguy cơ lây nhiễm là vệ sinh sạch sẽ cho trẻ và can thiệp y tế kịp thời khi nhận thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng.

Khi đã mắc bệnh, cần bù nước cho trẻ, có thể sử dụng thuốc để điều trị những triệu chứng như sốt hay đau do các vết loét gây ra.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung