1. Các dấu hiệu của bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em
Đa số nhiễm trùng ở đường tiết niệu dưới bao gồm bàng quang và niệu đạo, gọi là Viêm bàng quang. Biểu hiện của trẻ có thể gặp như sau :
- Đi tiểu đau buốt, nóng rát
- Đi tiểu nhiều lần hơn dù số lượng nước tiểu rất ít
- Sốt
- Thức giấc trong đêm nhiều lần
- Đi tiểu dầm, mặc dù trẻ đã được rèn luyện đi tiểu
- Đau bụng vùng bàng quang (dưới vị trí rốn)
- Nước tiểu hôi, nhìn đục hoặc lẫn máu
Nhiễm trùng xảy ra ở niệu quản tới bể thận, gọi là Viêm thận bể thận, thường nguy hiểm hơn. Các triệu chứng có thể tương tự như Viêm bàng quang, nhưng trẻ thường mệt mỏi hơn, Sốt cao liên tục và có thể kèm rét run trong cơn sốt, đau vùng lưng, hoặc nôn nhiều.
2. Các yếu tố nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ
- Nhiễm khuẩn tiết niệu gặp ở trẻ gái nhiều hơn do đường niệu đạo ngắn và gần hậu môn. Trẻ nam dưới một tuổi có Hẹp bao quy đầu có nguy cơ mắc bệnh cao hơn;
- Trẻ có dị tật hoặc tắc nghẽn một vị trí nào đó trên đường tiết niệu;
- Trẻ có luồng trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên niệu quản, bể thận;
- Thói quen đi tiểu ít hoặc vệ sinh kém;
- Tiền sử gia đình có người bị nhiễm khuẩn tiết niệu.
Nhiễm khuẩn tiết niệu có thể điều trị đơn giản, nhưng điều quan trọng phát hiện sớm và đúng. Nhiễm khuẩn tiết niệu không chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn tới tổn thương thận.
3. Chẩn đoán nhiễm khuẩn tiết niệu
Chẩn đoán nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em, nhân viên y tế cần khai thác các biểu hiện triệu chứng, thăm khám phát hiện dấu hiệu lâm sàng và làm các Xét nghiệm nước tiểu và máu.
Cách lấy mẫu nước tiểu phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ. Trẻ lớn có thể dễ dàng đi tiểu và đựng vào lọ vô khuẩn. Đối với trẻ nhỏ, nhân viên y tế có thể đặt ống dẫn lưu từ niệu đạo vào bàng quang để thu nhận nước tiểu sạch của trẻ.
Mẫu nước tiểu của trẻ được làm Xét nghiệm phân tích nước tiểu (là phương pháp soi mẫu nước tiểu dưới kính hiển vi tìm vi khuẩn hoặc mủ) hoặc nuôi cấy nước tiểu (là phương pháp cấy mẫu nước tiểu trên môi trường phù hợp giúp mọc vi khuẩn và xác định tên loại vi khuẩn gây bệnh). Việc xác định loại vi khuẩn gây bệnh có thể giúp bác sĩ lựa chọn kháng sinh điều trị.
4. Điều trị bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu
Trẻ bị nhiễm khuẩn tiết niệu được chỉ định dùng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Sau vài ngày, trẻ được Xét nghiệm lại mẫu nước tiểu để xác định nhiễm trùng đã hết chưa.
Ngoài ra, trẻ có các triệu chứng sốt hoặc đau khi đi tiểu sẽ được dùng thuốc hạ sốt, giảm đau. Các dấu hiệu này thường cải thiện sau 2-3 ngày điều trị.
Cần khuyến khích trẻ uống nhiều nước, nhưng không dùng cafe, soda hoặc trà.
Trẻ bị nhiễm trùng đường tiểu nặng cần nhập viện để tiêm hoặc truyền tĩnh mạch kháng sinh. Bao gồm các trường hợp sau :
- Trẻ bị sốt cao liên tục, mệt mỏi nhiều hoặc chẩn đoán Viêm thận bể thận;
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi;
- Vi khuẩn lan từ đường tiết niệu vào máu (nhiễm trùng máu);
- Trẻ bị mất nước, nôn hoặc không uống thuốc được.
Trẻ có luồng trào ngược bàng quang niệu quản cần gặp bác sĩ để điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật (rất hiếm gặp).
5. Phòng bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu
Đối với trẻ nhỏ dùng tã bỉm, thay bỉm thường xuyên giúp ngăn sự lan rộng vi khuẩn gây nhiễm khuẩn tiết niệu.
Hướng dẫn rửa bàn tay sau khi đi vệ sinh với những trẻ đã tự đi đại tiểu. Với trẻ gái nên lau chùi từ trước ra sau để hạn chế đưa vi khuẩn từ hậu môn vào niệu đạo.
Trẻ gái không nên tắm xà phòng nhiều bọt để tránh gây xước vùng niệu đạo, và nên mặc quần lót bằng chất cotton thay cho chất nylon.
6. Khi nào cần gặp bác sĩ ?
Trẻ bị sốt chưa rõ nguyên nhân có kèm cơn rét run, đặc biệt nếu trẻ có đau lưng hoặc đau khi đi tiểu.
Ngoài ra, trẻ có các dấu hiệu bất thường:
- Mùi hôi khi đi tiểu, tiểu máu;
- Đau lưng hoặc vùng bụng dưới;
- Sốt trên 38.3 độ C ở trẻ nhỏ hoặc trên 38 độ C (đo trực tràng) ở trẻ em;
- Trẻ sơ sinh có sốt, ăn kém, nôn nhiều hoặc kích thích quấy khóc.