Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Những câu hỏi về giảm đau khi sinh

01/12/2020
Những câu hỏi về giảm đau khi sinh

Giảm đau sau sinh giúp cho sản phụ nhanh chóng phục hồi sức khỏe sau sinh, ít có cảm giác đau đớn sau khi sinh. Giảm đau khi sinh không làm ảnh hưởng đến chỉ định sản khoa. Khi có chỉ định sản khoa, sản phụ sẽ được sinh hay mổ để đảm bảo an toàn nhất cho sản phụ và con.

1. Có những Cách nào làm giảm cơn đau đẻ

Giảm đau khi sinh trong Sản khoa được chia ra 2 nhóm phương pháp: Phương pháp không dùng thuốc và phương pháp dùng thuốc.

  • Phương pháp không dùng thuốc bao gồm: bấm huyệt, châm cứu, Tâm lý liệu pháp, âm nhạc, thôi miên, thủy liệu pháp, tư thế khi sanh, ...
  • Phương pháp dùng thuốc bao gồm: Thuốc gây nghiện đường tĩnh mạch, khí mê và Gây tê vùng (Gây tê ngoài màng cứng (NMC), Gây tê tủy sống hoặc phối hợp Gây tê NMC - tê tủy sống.

Hiện nay, phương pháp gây tê NMC là kỹ thuật giảm đau hiệu quả nhất và phù hợp nhất cho bà mẹ và bé đối với cả trường hợp sinh thường hay sinh mổ. Với những sản phụ đã được Gây tê ngoài màng cứng để giảm đau, nếu có chỉ Sinh mổ lấy thai, họ sẽ được tiêm thuốc tê với liều lượng, nồng độ lớn hơn để mổ.

Đặc biệt việc sử dụng thuốc tiêm giảm đau này có thể kiểm soát được hiệu quả giảm đau của sản phụ trong quá trình vượt cạn. Bác sĩ có thể điều chỉnh linh hoạt loại thuốc giảm đau, liều lượng và cường độ của thuốc như thế nào là phù hợp. Bởi cơ địa của mỗi người thường không giống nhau, có trường hợp cùng một loại thuốc, cùng liều lượng nhưng có người giảm đau tốt và cũng sẽ có người không phù hợp.

2. Thuốc giảm đau khi sinh thường là thuốc gì?

  • Thuốc giảm đau khi sinh thường được sử dụng hiệu quả an toàn nhất cho mẹ và bé hiện nay là phương pháp gây tê ngoài màng cứng hay đẻ không đau.
  • Đẻ không đau là dùng phương pháp gây tê ngoài màng cứng để giảm đau. Thuốc tê được bơm vào khoang ngoài màng cứng (không phải trong tủy sống, khoang này nằm bên ngoài tủy sống, bắt đầu từ đốt sống cổ đầu tiên đến vùng cùng - cụt). Bằng kỹ thuật chuyên môn, người bác sĩ Gây mê hồi sức sẽ xác sinh khoang này và luồn 1 ống thông nhỏ vào đó, thuốc tê được truyền liên tục để giảm đau cho đến khi sanh xong.
  • Trong đẻ không đau, tê tủy sống ít khi được thực hiện riêng lẻ, thường là tê tủy sống (lượng thuốc tê rất ít) phối hợp cùng tê ngoài màng cứng. Tê tủy sống cho phép giảm đau ngay sau khi tiêm. Còn tê NMC, sau liều lớn thuốc tê đầu tiên, phải mất khoảng 10 phút thì sản phụ mới hết đau.

3. Thuốc giảm đau khi sinh thường có ảnh hưởng gì đến sức dặn của người mẹ không?

Thuốc tê sử dụng trong tê NMC để giảm đau thường dùng với nồng độ rất thấp, chỉ đủ để ức chế cảm giác đau mà không làm ảnh hưởng đến vận động. Vậy, việc rặn sinh sẽ diễn ra gần như bình thường, sản phụ có thể yên tâm.

Việc truyền thuốc tê liên tục vào khoang NMC, ở một số sản phụ, đôi khi hoàn toàn không đau, hoặc có cảm giác nặng chân, bác sĩ gây mê phải điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp. Mục tiêu của đẻ không đau là làm giảm 70-80% cảm giác đau, chỉ chừa lại 20-30% đau, đủ để sản phụ biết cơn gò gây đau, phối hợp rặn tốt khi cổ tử cung mở trọn.

4. Có nên tiêm mũi giảm đau khi sinh mổ?

Đối với trường hợp sinh mổ, chỉ cần gây tê ngoài màng cứng để giảm đau lúc mổ và duy trì giảm đau sau mổ là đủ, không cần phải gây tê tuỷ sống. Với những sản phụ có làm giảm đau Sản khoa bằng phương pháp gây tê NMC, trong quá trình theo dõi chuyển dạ, nếu có chỉ định mổ lấy thai, khi vào phòng mổ, bác sĩ Gây mê hồi sức sẽ bơm tiếp thuốc tê với nồng độ và liều lượng lớn để mổ. Sau mổ, những sản phụ này có thể hưởng lợi bằng việc tiếp tục giảm đau ngoài màng cứng sau mổ.

5. Gây tê ngoài màng cứng có gây nguy hiểm cho bé không?

Thuốc tê sử dụng để gây tê NMC không gây nguy hiểm gì cho bé. Gây tê NMC chỉ ngăn chặn dẫn truyền Thần kinh (cảm giác đau) ở bà mẹ, không gây độc cho bé. Huyết áp của mẹ phải được giữ ổn định và theo dõi thường xuyên, nếu cần có thể được điều chỉnh bằng thuốc.

6. Những tác dụng phụ có thể ảnh hưởng đối với người mẹ?

  • Sản phụ có thể cảm thấy một chút khó chịu tạm thời do giảm huyết áp. Đôi khi lạnh run, Ngứa cũng có thể xảy ra. Sản phụ có thể cảm thấy tê chân, hai chân hơi nặng hoặc khó khăn khi nhấc chân lên.
  • Sản phụ có thể cảm thấy khó khăn thoáng qua khi tiểu và có thể phải đặt ống thông tiểu.

Tuy nhiên những bất lợi hay tác dụng phụ có thể xảy ra ngay khi sản phụ đã được theo dõi chặt chẽ và bác sĩ gây mê hồi sức (GMHS) đã thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa để tránh chúng. Bác sĩ gây mê hồi sức sẽ điều trị cụ thể để giảm thiểu hoặc loại bỏ những nhược điểm này.

  • Đau lưng sau sinh: Một số phụ nữ cho rằng đau lưng sau sinh là do gây tê ngoài màng cứng tuy nhiên không một nghiên cứu nào chỉ ra rằng đau lưng sau sanh là do gây tê NMC. Trên thực tế, 50% sản phụ không dùng phương pháp “đẻ không đau” khi đi sinh, vẫn gặp đau lưng sau sanh.

Đau lưng sau sinh có thể do những nguyên nhân sau: sự biến đổi hình dạng cột sống khi mang thai, giãn dây chằng vùng cột sống lưng, tư thế không phù hợp trên bàn sanh do đau,... Tuy nhiên, nếu đau do gây tê NMC tại vị trí tiêm, nó sẽ tự hết trong 48 giờ.

7. Phương pháp gây tê ngoài màng cứng diễn ra như thế nào?

Thủ thuật gây tê ngoài màng cứng hỗ trợ sản phụ giảm đau trong lúc chuyển dạ sinh thường. Lúc này bác sĩ gây mê sẽ tiêm và truyền thuốc tê vào một dây truyền nhỏ đặt trong khoang ngoài màng cứng ở tủy sống lưng của sản phụ. Sau 5-10 phút tiêm mẹ sẽ nhanh chóng thấy cơ thể mất cảm giác và phần thuốc truyền có khả năng giảm đau cho sản phụ nhiều giờ cho đến khi mẹ sinh xong. Lúc này nhân viên y tế sẽ rút dây truyền và sản phụ sẽ lấy lại cảm giác bình thường.

8. Có phải tất cả sản phụ đều cần giảm đau khi sinh?

Thực tế vẫn có những người mẹ tự vượt qua cơn đau để sinh nở mà không cần phương pháp giảm đau. Thực hiện giảm đau phụ thuộc vào yêu cầu của người mẹ sau khi có dấu hiệu cơn gò, khi sổ thai, khi cắt và khâu tầng sinh môn. Với đối tượng sản phụ bị bệnh tim, bà bầu bị cao huyết áp, Hen suyễn khuyến cáo nên thực hiện giảm đau khi sinh để tránh các biến chứng phát sinh.

9. Những ảnh hưởng bất lợi nào khi sản phụ được giảm đau?

Một số sản phụ khó chịu sau khi gây tê, thường gặp nhất là cảm giác nặng hai chân và tê nhẹ. Các chỉ số huyết áp có giảm nhẹ do phản ứng với thuốc sẽ khiến mẹ bầu cảm thấy choáng váng, buồn nôn hay ớn lạnh thoáng qua và biến mất. Thời gian các triệu chứng xảy ra nhiều nhất là khi mẹ sinh em bé xong. Một số sản phụ có thể bị nhức đầu và đau lưng khi ngồi dậy hoặc khi ngủ và tình trạng này cũng sẽ không tồn tại lâu. Mẹ cũng có thể yên tâm vì do dùng thuốc nồng độ thấp nên phương pháp này không ảnh hưởng đến em bé sơ sinh.

10. Trường hợp nào sản phụ không được làm giảm đau khi sinh?

Không phải người mẹ nào cũng phù hợp với các loại thuốc giảm đau khi sinh. Dựa vào các chỉ số khám thai và đo đường huyết trước khi chuẩn bị vào phòng sinh, nếu người mẹ nằm trong số trường hợp bị bị sốt, nhiễm trùng da vùng lưng, người mẹ bị đau cột sống, chảy máu bất thường hay Dị ứng với thuốc tê sẽ không được dùng giảm đau để tránh xảy ra phản ứng phụ.