1. Sinh thiết cổ tử cung là gì?
Cổ tử cung là phần hẹp ở phía dưới thấp của tử cung, là cửa ngõ thông xuống âm đạo.
Sinh thiết cổ tử cung là một quá trình kỹ thuật tách lấy mẫu mô cổ tử cung để kiểm tra các tình trạng bất thường, tình trạng tiền ung thư hoặc ung thư hóa.
Sinh thiết cổ tử cung có thể thực hiện bằng nhiều kĩ thuật khác nhau. Bên cạnh việc lấy mẫu mô để kiểm tra, trong quá trình sinh thiết cũng có thể tiến hành loại bỏ hoàn toàn khối mô bất thường, hoặc các tế bào có nguy cơ bị ung thư hóa.
2. Các Xét nghiệm sinh thiết tử cung
Các kĩ thuật sinh thiết cổ tử cung bao gồm:
- Sinh thiết bấm: Kỹ thuật này sử dụng lưỡi dao hình tròn, giống như dụng cụ bấm lỗ giấy, để lấy mẫu mô cổ tử cung. Trong một lần làm kĩ thuật, một hoặc nhiều mẫu mô cổ tử cung ở các vị trí khác nhau sẽ được lấy để kiểm tra.
- Sinh thiết chóp cổ tử cung: Kỹ thuật này sử dụng laser hoặc dao mổ để lấy một mẫu mô cổ tử cung lớn có hình chóp.
Nạo kênh cổ tử cung (endocervical curettage - ECC): Kỹ thuật này sử dụng một dụng cụ có tên là thìa nạo (curette) để nạo niêm mạc của kênh cổ tử cung. Kênh cổ tử cung là khu vực không thể nhìn thấy từ bên ngoài cổ tử cung.
3. Tại sao lại cần thực hiện sinh thiết cổ tử cung?
- Sinh thiết cổ tử cung cần được thực hiện khi quá trình thăm khám lâm sàng vùng tiểu khung phát hiện bất thường.
- Sinh thiết cổ tử cung cũng được thực hiện khi các tế bào bất thường được phát hiện qua Pap.
- Sinh thiết cổ tử cung có thể được tiến hành để tìm các tế bào ung thư hoặc tiền ung thư ở cổ tử cung.
Sinh thiết cổ tử cung cũng được sử dụng để chẩn đoán và điều trị trong các tình huống sau:
- Các khối bất thường không phải ung thư ở cổ tử cung (các polyp).
- Mụn cóc sinh dục. Xuất hiện mụn cóc sinh dục đồng nghĩa với việc nhiễm HPV, và HPV là yếu tố nguy cơ phát triển Ung thư cổ tử cung.
- Phơi nhiễm với diethylstilbestrol (DES), nếu mẹ của bệnh nhân sử dụng DES trong quá trình Mang thai bệnh nhân. DES làm tăng nguy cơ ung thư ở cơ quan sinh sản. Bác sĩ cũng có thể chỉ định tiến hành sinh thiết cổ tử cung vì những lí do khác.
4. Những rủi ro có thể gặp phải khi sinh thiết cổ tử cung
Những biến chứng có thể gặp phải khi tiến hành sinh thiết cổ tử cung bao gồm:
- Nhiễm trùng
- Chảy máu
Bên cạnh đó, sinh thiết chóp cổ tử cung có thể làm gia tăng nguy cơ Vô sinh và sảy thai, bởi sinh thiết chóp cổ tử cung có thể làm thay đổi cổ tử cung và để lại mô sẹo.
Hãy thông báo cho bác sĩ biết nếu:
- Bản thân mẫn cảm hoặc Dị ứng với thuốc, iodine, hoặc latex.
- Đang Mang thai hoặc nghi ngờ bản thân mang thai. Một số kĩ thuật sinh thiết cổ tử cung vẫn có thể thực hiện khi đang có thai, nhưng không phải tất cả kĩ thuật đều có thể làm như vậy.
Các rủi ro khác khi sinh thiết cổ tử cung có thể xảy ra tùy thuộc tình trạng cụ thể của mỗi bệnh nhân. Hãy trao đổi với bác sĩ thật kỹ trước khi thực hiện kỹ thuật.
Một số yếu tố nhất định có thể khiến kết quả sinh thiết cổ tử cung kém chính xác, đó là:
- Kinh nguyệt
- Viêm vùng chậu cấp tính
- Viêm cổ tử cung cấp tính
5. Chuẩn bị trước khi tiến hành sinh thiết cổ tử cung
- Bệnh nhân có thể tham vấn với bác sĩ về mọi thắc mắc của bản thân.
- Bệnh nhân cần ký cam kết đồng ý thực hiện sinh thiết cổ tử cung.
- Nếu chỉ sinh thiết đơn giản, bệnh nhân thường không cần nhịn ăn uống hay chuẩn bị gì đặc biệt. Nếu cần gây mê trước khi sinh thiết thì quá trình chuẩn bị sẽ phức tạp hơn.
- Nếu đang mang thai hoặc nghi ngờ bản thân đang có thai, hãy thông báo ngay cho bác sĩ.
- Thông báo cho bác sĩ biết nếu bản thân mẫn cảm hoặc Dị ứng với thuốc, latex, băng dính hoặc thuốc sử dụng cho quá trình vô cảm (tại chỗ hoặc toàn thân).
- Thông báo cho bác sĩ biết các loại thuốc và thực phẩm chức năng bản thân đang sử dụng.
- Thông báo cho bác sĩ biết nếu bản thân có tiền sử rối loạn đông máu hoặc đang sử dụng các thuốc có tác dụng chống đông.
- Trước khi thực hiện sinh thiết cổ tử cung 24 giờ không nên sử dụng tampon, kem bôi hoặc thuốc đặt âm đạo, thụt rửa.
- Không nên quan hệ Tình dục 24 giờ trước khi sinh thiết cổ tử cung.
- Nên chuẩn bị băng vệ sinh để dùng sau khi sinh thiết cổ tử cung.
- Thực hiện các hướng dẫn khác của bác sĩ (nếu có).
6. Chăm sóc sau khi thực hiện sinh thiết cổ tử cung
Quá trình chăm sóc và hồi phục của bệnh nhân sẽ tùy thuộc vào kỹ thuật sinh thiết cổ tử cung đã thực hiện. Thông thường với sinh thiết đơn giản, bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi một lúc là có thể về nhà.
Bệnh nhân có thể muốn sử dụng băng vệ sinh, vì sau khi sinh thiết có thể có chảy máu. Đau nhẹ, rỉ máu, dịch tiết tối màu hoặc có màu đen trong vài ngày sau sinh thiết là điều bình thường (dịch tiết có màu tối là từ thuốc sử dụng để cầm máu trong quá trình thực hiện sinh thiết).
Bệnh nhân có thể giảm đau bằng cách uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Không nên thụt rửa, sử dụng tampon, hoặc quan hệ Tình dục trong vòng 1 tuần sau khi sinh thiết (hoặc trong khoảng thời gian mà bác sĩ đề nghị).
Thông báo ngay cho bác sĩ nếu một trong các dấu hiệu sau xuất hiện:
- Chảy máu
- Dịch tiết âm đạo có mùi khó chịu
- Sốt và/hoặc rét run
- Đau bụng dưới nghiêm trọng
Với từng trường hợp bệnh nhân cụ thể, bác sĩ sẽ có những chỉ định và hướng dẫn chăm sóc riêng. Hãy tuân thủ theo yêu cầu của bác sĩ, đồng thời tái khám đầy đủ, đúng hẹn.
Tốt nhất nên sinh thiết cổ tử cung nên được tiến hành sau khi kết thúc chu kỳ kinh nguyệt khoảng 1 tuần và lựa chọn các cơ sở y tế lớn, có uy tín không chỉ trong hệ thống các bệnh viện nói chung mà còn phải nổi bật, đi đầu trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị ung thư.
Bài viết tham khảo nguồn: hopkinsmedicine.org, webmd.com và cancer.ca