Mục lục:

Những đối tượng có nguy cơ bị rối loạn chức năng sàn chậu

Rối loạn chức năng sàn chậu là bệnh lý gây ra nhiều khó chịu trong cuộc sống sinh hoạt của nhiều người do các ảnh hưởng đến đường tiểu, đường tiêu hóa, đường tình dục...
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Rối loạn chức năng sàn chậu là gì?

Tất cả các cấu trúc bên trong khung xương chậu bao gồm: Khớp mu đến xương cụt, thành chậu bên này đến bên kia và các khối cân, cơ đan xen nhau được gọi là vùng sàn chậu.

Vùng sàn chậu bao gồm ba cơ quan:

  • Hệ thống tiết niệu dưới bao gồm bàng quang và niệu đạo
  • Hệ thống sinh dục bao gồm tử cung và âm đạo
  • Hệ thống tiêu hóa dưới bao gồm trực tràng và hậu môn.

Vùng sàn chậu có chức năng giữ cho những cơ quan bên trong nằm đúng vị trí, không bị sa xuống khi hoạt động hay lao động nặng. Ngoài ra, vùng sàn chậu còn có chức năng giúp đóng mở các lỗ đường tiểu, âm đạo và hậu môn, giúp con người kiểm soát các hoạt động đại tiện, tiểu tiện theo như ý muốn, các hoạt động Tình dục và quá trình sinh đẻ dễ dàng hơn.

Ba hệ thống tiết niệu, sinh dục và tiêu hóa hoạt động hài hòa và nhịp nhàng với nhau dưới sự điều khiển chủ động của con người.

Rối loạn chức năng sàn chậu là sự mất khả năng giữ các hệ thống cơ quan bên trong ở vị trí ban đầu do các cơ hay dây chằng bị lão hóa do các nguyên nhân như tuổi tác hay ảnh hưởng từ quá trình Mang thai của phụ nữ.

Những đối tượng có nguy cơ bị rối loạn chức năng sàn chậu - ảnh 1
Phụ nữ bị rối loạn chức năng sàn chậu thường do quá trình mang thai

Các rối loạn chức năng sàn chậu chủ yếu ảnh hưởng đến đường tiểu, đường tiêu hóa, đường sinh dục, rối loạn sinh dục hoặc đau vùng chậu mãn tính.

2. Những đối tượng có nguy cơ rối loạn chức năng sàn chậu

Không phải ai cũng có nguy cơ bị rối loạn chức năng sàn chậu. Sau đây là nhóm đối tượng có nguy cơ rối loạn chức năng sàn chậu cao nhất:

  • Phụ nữ có cơ sàn chậu suy yếu dần theo tuổi tác hoặc số lần mang thai
  • Phụ nữ tuổi mãn kinh với tình trạng suy giảm Nội tiết tố nữ cũng là nguyên nhân gây rối loạn chức năng sàn chậu.
  • Phụ nữ béo phì, Ho mãn tính hay Táo bón mãn tính gây các áp lực lên ổ bụng lâu dài
  • Phụ nữ làm công việc bê vác nặng nhọc lâu ngày.
Những đối tượng có nguy cơ bị rối loạn chức năng sàn chậu - ảnh 2
Béo phì cũng khiến sàn chậu phải chịu áp lực trong khoảng thời gian dài

3. Dấu hiệu nhận biết các rối loạn chức năng sàn chậu

Nguy cơ bị rối loạn chức năng sàn chậu đối với phụ nữ lớn tuổi là khá cao, vì vậy bạn nên lưu ý những biểu hiện bệnh như sau để sớm phát hiện tình trạng bệnh và có phương án điều trị thích hợp nhất:

3.1 Đường tiểu

  • Người bệnh không thể kiểm soát được đường tiểu khi gắng sức làm gì đó như: Tiểu són khi cười hoặc ho, khi hắt hơi, khi hoạt động mạnh hoặc mang vác vật nặng.
  • Ngoài ra, khi buồn đi tiểu, người bệnh thường tiểu gấp và không kiểm soát được theo ý muốn của mình. Người bệnh sẽ thường tiểu nhiều về ban đêm hơn, thường sẽ đi Tiểu đêm nhiều hơn một lần.
  • Tiểu nhiều lần trong ngày với thời gian giữa mỗi lần tiểu thường nhỏ hơn một giờ hoặc tiểu nhiều hơn 8 lần trong một ngày.

3.2 Đường tiêu hóa

  • Các trường hợp són hơi, són phân khi ho, hắt hơi hay chạy nhảy hoạt động mạnh. Không kiểm soát được khi đi trung đại tiện.
  • Các trường hợp Táo bón kéo dài lâu ngày, đại tiện khó khăn phải sử dụng đến thuốc thụt hậu môn hoặc thuốc uống.

3.3 Sa sinh dục

Sa tử cung, sa bàng quang, Sa trực tràng hoặc ruột...

3.4 Rối loạn tình dục

  • Người bệnh cảm thấy đau đớn khi quan hệ tình dục
  • Giảm cảm giác cực khoái hoặc không có cảm giác trong quá trình giao hợp
  • Cảm giác cửa mình rộng ra, không bó chặt như trước.
Những đối tượng có nguy cơ bị rối loạn chức năng sàn chậu - ảnh 3
Người bị rối loạn chức năng sàn chậu sẽ cảm thấy đau đớn khi quan hệ

3.5 Đau vùng chậu mãn tính

Cảm giác đau đớn lâu ngày ở các vị trí như vùng thắt lưng chậu, đau bụng dưới hoặc vùng âm hộ.

4. Làm thế nào để điều trị các rối loạn chức năng sàn chậu?

Rối loạn chức năng sàn chậu mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng những ảnh hưởng của nó làm giảm chất lượng cuộc sống và gây nhiều khó chịu cho người bệnh. Để điều trị căn bệnh này, bác sĩ thường đưa ra những lời khuyên như sau:

  • Người bệnh nên thay đổi thói quen sinh hoạt như ăn uống lành mạnh, nên ăn nhiều rau củ quả, giảm thiểu tối đa đồ ăn dầu mỡ, không nên ăn mặn và uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày. Bạn cũng nên có một chế độ tập luyện thể thao hợp lý, tốt nhất nên tập thể dục 30 phút mỗi ngày để có một cơ thể khỏe mạnh, kiểm soát được cân nặng hợp lý.
  • Tập luyện cơ chậu theo một số bài tập có sẵn theo hướng dẫn
  • Sử dụng các thuốc điều trị nhiễm trùng tại chỗ khi bị viêm nhiễm hoặc thiểu dưỡng âm đạo
  • Các trường hợp sa tạng chậu hoặc són tiểu có thể sử dụng vòng nâng Pessary.
  • Nếu sử dụng các phương pháp trên không đạt được hiệu quả như mong muốn, bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện phẫu thuật để điều trị rối loạn chức năng sàn chậu.
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung