Mục lục:

Nong mạch vành và đặt stent: Chỉ định, quy trình thực hiện, biến chứng có thể xảy ra

Nong mạch vành là kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da, giúp mở rộng lòng động mạch vành nhằm cải thiện tình trạng thiếu máu cơ tim do mảng xơ vữa gây chít hẹp.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Khái niệm

Hệ thống động mạch vành cung cấp máu cho cơ tim, khi có sự tích tụ các mảng bám trong lòng mạch vành gây ra hiện tượng xơ vữa mạch vành. Xơ vữa mạch làm cho động mạch vành bị thu hẹp lại, làm giảm lượng máu cung cấp cho cơ tim, khi hẹp nhiều gây ra cơn đau thắt ngực, và đặc biệt nếu mảng xơ vữa không ổn định có thể bong ra gây tắc Mạch vành gọi là nhồi máu cơ tim cấp. Nhồi máu cơ tim cấp có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.

2. Chỉ định đặt stent Mạch vành

  • Động mạch vành bị hẹp từ 70% trên phim chụp mạch vành
  • Đau thắt ngực ổn định không khống chế được dù đã điều trị phương pháp nội khoa tối ưu
  • Đau thắt ngực ổn định có bằng chứng của tình trạng thiếu máu cơ tim và tổn thương ở một động mạch vành mà cung cấp máu cho một vùng lớn của cơ tim
  • Đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim không có ST chênh lên. mà phân tầng nguy cơ cao
  • Nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên
  • Cơn đau thắt ngực xuất hiện sau khi phẫu thuật làm cầu nối chủ vành
  • Có triệu chứng của tái hẹp mạch vành sau khi can thiệp động mạch vành qua da

3. Chống chỉ định đặt stent mạch vành

  • Tổn thương mạch vành không thích hợp cho đặt stent như: Tổn thương nặng lan tỏa, tổn thương nhiều nhiều thân mạch vành, tổn thương đoạn xa...
  • Tổn thương mạch vành có nguy cơ cao dẫn đến tử vong nếu động mạch vành đó bị tắc lại trong quá trình can thiệp
  • Thể trạng dễ chảy máu: Rối loạn đông máu, số lượng tiểu cầu thấp...
Nong mạch vành và đặt stent: Chỉ định, quy trình thực hiện, biến chứng có thể xảy ra - ảnh 1
Tổn thương mạch vành có nguy cơ cao dẫn đến tử vong nếu động mạch vành
  • Người bệnh không tuân thủ điều trị trước và sau khi làm thủ thuật can thiệp
  • Bệnh nhân bị tái hẹp nhiều vị trí sau khi can thiệp

4. Quy trình đặt stent mạch vành

4.1. Chuẩn bị bệnh nhân

  • Người bệnh được giải thích đầy đủ thông tin và những rủi ro sau thủ thuật
  • Kiểm tra những bệnh lý như: Các bệnh về rối loạn đông máu, Dị ứng thuốc cản quang....
  • Kiểm tra bệnh lý đi kèm bệnh lý về thận, bệnh phổi mạn tính...
  • Người bệnh được sử dụng thuốc chống ngưng kết tiểu cầu trước khi tiến hành thủ thuật

4.2. Thực hiện thủ thuật

Bước 1: Mở đường vào mạch máu

  • Sát trùng vị trí tạo đường vào máu
  • Mở đường vào mạch máu người bệnh qua động mạch quay hoặc động mạch đùi

Bước 2: Đặt ống thông can thiệp

  • Sau khi chụp động mạch vành chọn lọc, xác định được vị trí cần phải can thiệp
  • Đặt ống thông can thiệp vào lòng động mạch vành
  • Kết nối đuôi ống thông can thiệp với đường đo áp lực
Nong mạch vành và đặt stent: Chỉ định, quy trình thực hiện, biến chứng có thể xảy ra - ảnh 2
Đặt stent mạch vành

Bước 3: Tiến hành can thiệp mạch vành

  • Tiến hành nong bóng để làm nở rộng lòng mạch vị trí tổn thương
  • Tiến hành đặt stent để tránh hiện tượng hẹp trở lại của lòng động mạch vành sau khi nong bóng
  • Kiểm tra xem stent đã nở tốt hay không
  • Sau khi đã đặt stent, chụp lại động mạch vành để đảm bảo không có biến chứng
  • Cuối cùng rút dây dân ra khỏi động mạch vành

5. Biến chứng đặt stent mạch vành

Những biến chứng có thể xảy ra sau khi đặt stent mạch vành gồm:

  • Rối loạn nhịp tim
  • Tái thu hẹp lòng động mạch
  • Chảy máu
  • Tràn máu màng tim do tách, vỡ động mạch vành, thủng mạch vành
  • Tắc mạch não, tắc mạch đùi, mạch quay...
  • Tách thành động mạch chủ do thành động mạch
  • Nhồi máu cơ tim cấp sau thủ thuật
  • Suy thận cấp do thuốc cản quang
  • Nhiễm trùng hiếm gặp
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung