1. Vắc-xin 5 trong 1 (Pentaxim)
Vắc-xin 5 trong 1 (Pentaxim) có thể ngăn ngừa 5 bệnh bạch hầu, Ho gà, uốn ván, Bại liệt và các bệnh lý do nhiễm khuẩn HIB. Vắc-xin này do công ty Sanofi Pasteur của Pháp sản xuất. Pentaxim đang được sử dụng nhiều vì có nhiều ưu điểm. Trong đó, ưu điểm vượt trội nhất là có chứa thành phần Ho gà vô bào làm giảm phản ứng phụ cho trẻ.
2. Vắc-xin 6 trong 1 Hexaxim
Vắc-xin 6 trong 1 của Pháp là vắc-xin Hexaxim, được sản xuất bởi công ty Sanofi Pasteur - cùng nhà sản xuất với vắc-xin 5 trong 1 Pentaxim.
Vắc-xin được bào chế dưới dạng hỗn dịch tiêm pha sẵn, không cần hoàn nguyên, được chỉ định tiêm chủng cơ bản và nhắc lại cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến trước 24 tháng tuổi. Tuy nhiên, theo Thông tư số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế Việt Nam về ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc thì vắc-xin 6 trong 1 nên tiêm tổng tất cả 4 mũi, 3 mũi vào thời điểm trẻ 2,3,4 tháng tuổi và nhắc lại lúc trẻ 18 tháng tuổi.
Hexaxim là vắc-xin có khả năng phòng ngừa 6 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hàng đầu ở trẻ nhỏ, bao gồm:
- Bạch hầu
- Ho gà
- Uốn ván
- Bại liệt
- Viêm gan B
- Hib (Các bệnh do Haemophilus influenzae type b gây ra như viêm màng não, viêm phổi).
Những ưu điểm nổi bật của vắc-xin 6 trong 1 Hexaxim:
- Phòng ngừa hiệu quả 6 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ chỉ với một mũi tiêm, nhờ đó giúp giảm số lần tiêm chủng từ 9 xuống còn 3 lần so với việc tiêm vắc-xin với các mũi riêng lẻ
- Vắc-xin 6 trong 1 của Pháp được bào chế dưới dạng hỗn dịch tiêm pha sẵn, không cần hoàn nguyên, có thể sử dụng ngay, giúp rút ngắn thời gian tiêm chủng cho trẻ, giảm nguy cơ sai sót liên quan đến quá trình hoàn nguyên vắc-xin, tránh nhiễm khuẩn trong quá trình thao tác, giúp mang lại hiệu quả miễn dịch cao
- Tính an toàn cao: điểm đặc biệt của vắc-xin 6 trong 1 của Pháp là có chứa thành phần Ho gà vô bào nên các phản ứng tại chỗ sau tiêm chủng như sưng, đỏ, đau hoặc Sốt sẽ thấp hơn so với các loại vắc-xin chứa thành phần ho gà toàn tế bào.
3. Vắc-xin 6 trong 1 Infanrix Hexa
Vắc-xin 6 trong 1 Infanrix Hexa do công ty GlaxoSmithKline của Bỉ sản xuất. Infanrix hexa được chỉ định để tiêm chủng cơ bản và tiêm nhắc lại cho trẻ phòng ngừa bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Viêm gan B và Hib tương tự như vắc-xin Hexaxim.
So với Quinvaxem, Combe Five (trong thành phần không có bại liệt, phải uống thêm vắc-xin phòng bại liệt) và Pentaxim (Trong thành phần không có viêm gan B, phải tiêm thêm 1 mũi viêm gan B) thì Infanrix Hexa đem lại sự thuận tiện hơn cho người sử dụng. Giúp bé giảm số mũi tiêm, đồng nghĩa với việc hạn chế đau đớn cho bé khi phải tiêm quá nhiều mũi. Điểm đặc biệt hơn của vắc-xin 6 trong 1 này là: Thành phần ho gà trong vắc-xin là loại vô bào có 3 thành phần kháng nguyên nên an toàn, ít Sốt và ít tác dụng phụ hơn các loại vắc-xin có thành phần kháng nguyên ho gà toàn tế bào nhưng vẫn duy trì được hiệu quả và hiệu lực bảo vệ của vắc-xin.
4. Phản ứng thường gặp sau tiêm vắc-xin 5 trong 1 (Pentaxim) và 6 trong 1 (Hexaxim, Infanrix Hexa)
Tiêm vắc-xin 5 trong 1, 6 trong 1 hay vắc-xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván trẻ có sốt, có quấy khóc nhiều không? Đó là băn khoăn của rất nhiều phụ huynh khi lựa chọn vắc-xin cho trẻ.
Cũng như những loại vắc-xin khác, những phản ứng thường gặp của vắc-xin 5 trong 1 (Pentaxim) và 6 trong 1 (Hexaxim, Infanrix Hexa) hầu hết các phản ứng tại chỗ cũng như toàn thân là nhẹ, có thể tự khỏi, không cần điều trị và thường chỉ xuất hiện trong vòng 1-2 ngày sau tiêm vắc-xin như:
- Sưng/đỏ/đau tại vị trí tiêm
- Sốt nhẹ, một số trường hợp có thể sốt > 38.50C
- Quấy khóc khó chịu nhiều hơn bình thường
- Ăn/bú kém hơn.
Sau khi tiêm, cần để trẻ theo dõi tình trạng sức khỏe tại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút để kịp thời xử lý nếu xảy ra những phản ứng bất thường. Sau đó gia đình cần tiếp tục theo dõi trẻ ít nhất 24-48 giờ tiếp theo về tình trạng ăn, ngủ, nhiệt độ cơ thể, nhịp thở,... Nếu trẻ sốt cần cặp nhiệt kế và theo dõi liên tục, chườm mát, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Cho trẻ bú, ăn theo nhu cầu, nếu trẻ có sốt có thể cho bú tích cực hơn và không chạm, đè vào chỗ tiêm, không chườm nóng, lạnh, đắp lá thuốc, chanh, khoai tây,... vào vị trí tiêm.
5. Khi nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế?
- Cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như phát ban, sốt cao (>39°C) dùng thuốc hạ sốt không đỡ, co giật, quấy khóc kéo dài, khó thở, tím tái, li bì, lơ mơ, bú kém, bỏ bú.... hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày.
- Nếu cha mẹ vẫn còn lo lắng về những phản ứng của trẻ sau khi tiêm có thể trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được tư vấn cách theo dõi và chăm sóc trẻ.
- Các phản ứng nặng như sốc phản vệ có thể qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời. Vì vậy, gia đình cần chú trọng việc theo dõi sức khỏe của trẻ sau khi tiêm chủng liên tục ít nhất trong 24- 48 giờ sau khi tiêm.