Mục lục:

Phẫu thuật cắt dạ dày để giảm cân

Hiện nay, tỷ lệ người bị mắc bệnh béo phì đang ngày càng tăng cao. Rất nhiều người đã tìm mọi biện pháp để có thể giảm cân như điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện thể dục, uống thuốc nhưng đều không thành công, thậm chí số cân nặng vẫn tăng lên không kiểm soát được. Lúc này, phẫu thuật chính là biện pháp cuối cùng để điều trị tình trạng này. Với sự tiến bộ của y học, phương pháp phẫu thuật cắt dạ dày đối với những trường hợp béo phì không khắc phục được đang trở nên phổ biến và được nhiều bệnh nhân tin tưởng.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Phẫu thuật Cắt dạ dày là gì?

Phẫu thuật cắt dạ dày là phương pháp loại bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày. Mục đích chính của phương pháp phẫu thuật này là để điều trị cho các trường hợp mắc ung thư và béo phì.

Phẫu thuật cắt dạ dày thường có 4 loại chính, bao gồm:

  • Cắt tạo hình dạ dày hình ống (Gastric Sleeve): là phương pháp cắt bỏ khoảng 80% dạ dày và tạo ra một dạ dày có hình ống. Sau khi thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân sẽ có cảm giác ít đói và nhanh no hơn sau khi ăn.
  • Nối tắt dạ dày (Gastric Bypass): phương pháp tạo ra một túi dạ dày nhỏ hơn và sau đó được nối với ruột non giúp bệnh nhân có cảm giác mau no hơn và giảm hấp thụ chất khoáng.
  • Thắt đai dạ dày (Lap Band): bác sĩ sẽ thực hiện thắt một đai quanh phần trên của dạ dày và tạo thành một túi nhỏ phía trên đai. Qua phương pháp này giúp cho dạ dày được làm đầy nhanh hơn khi ăn, tạo cảm giác nhanh no hơn cho người bệnh.
  • Chuyển dòng mật tụy (Duodenal Switch): bác sĩ sẽ cắt bỏ một phần lớn thể tích dạ dày giống với phẫu thuật tạo dạ dày hình ống. Chuyển dòng mật tụy nghĩa là chuyển dòng ruột và cắt bỏ túi mật. Hiệu quả của phương pháp này cũng tương tự như những phương pháp trên, bệnh nhân có cảm giác nhanh no hơn và cơ thể hấp thụ ít lượng calo và khoáng chất hơn bình thường.

Có thể nói, mỗi một phương pháp phẫu thuật cắt dạ dày đều mang lại những ưu điểm và nhược điểm riêng. Trong số đó, phương pháp phẫu thuật tạo dạ dày hình ống, nối tắt dạ dày và chuyển dòng mật tụy đem lại hiệu quả giảm cân cao và giúp sức khỏe người bệnh được cải thiện tốt hơn. Tuy nhiên, những phương pháp này đòi hỏi thời gian lưu viện và phục hồi lâu hơn, yêu cầu người bệnh phải thực hiện một chế độ ăn uống nghiêm khắc hơn sau khi thực hiện phẫu thuật.

2. Nên thực hiện phẫu thuật cắt dạ dày khi nào?

Phẫu thuật cắt dạ dày là một biện pháp giảm béo hiệu quả, giúp loại bỏ và cải thiện đáng kể các vấn đề về sức khỏe nói chung cũng như tâm lý của người mắc bệnh béo phì, thừa cân.

Tuy nhiên, người bệnh cũng cần nhận thức được rằng phẫu thuật cắt bỏ dạ dày chỉ là giải pháp cuối cùng, bởi vì nó không phải là lựa chọn phù hợp cho tất cả những người mắc béo phì, ngay cả khi người bệnh có đầy đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện phẫu thuật.

Bệnh nhân sẽ đủ điều kiện để thực hiện phẫu thuật cắt dạ dày khi đã đáp ứng được tối thiểu các yêu cầu dưới đây:

  • Có chỉ số BMI trên 40 hoặc các trường hợp có BMI từ 30-39,9 kèm theo các bệnh lý nghiêm trọng như tăng huyết áp, tiểu đường, ngưng thở khi ngủ, nồng độ cholesterol cao hoặc mắc các vấn đề về xương khớp,...
  • Vượt quá số cân nặng (ít nhất là 36kg)
  • Những người béo phì, thừa cân ở độ tuổi từ 18 đến 75
  • Những người có tiền sử giảm cân thất bại

Bệnh nhân cần nhận thức được rõ ràng phẫu thuật chỉ là một phần của cả quá trình điều trị béo phì. Ngoài việc điều trị ngoại khoa, bệnh nhân cũng cần kết hợp với điều trị nội khoa và điều trị tâm lý. Đặc biệt, người bệnh cần phải xây dựng một chế độ ăn uống khoa học và duy trì nghiêm ngặt theo chế độ đó, kết hợp với việc tập luyện điều độ để đạt được hiệu quả giảm cân lâu dài.

Phẫu thuật cắt dạ dày để giảm cân - ảnh 1
Bệnh nhân cần nhận thức được rõ ràng phẫu thuật chỉ là một phần của cả quá trình điều trị béo phì

3. Quy trình phẫu thuật cắt dạ dày

Chuẩn bị trước khi phẫu thuật cắt dạ dày

Bạn sẽ được yêu cầu Xét nghiệm máu Xét nghiệm hình ảnh trước khi thực hiện phẫu thuật cắt dạ dày để đảm bảo rằng bạn có đủ sức khỏe để trải qua phẫu thuật. Bác sĩ cũng sẽ khám sức khỏe tổng thể cho bệnh nhân và đánh giá chung về bệnh sử.

Trong quá trình khám tổng thể, bạn nên tiết lộ cho bác sĩ biết:

  • Bất cứ loại thuốc mà bạn đang sử dụng, bao gồm cả thuốc không kê đơn và các thực phẩm bổ sung. Bạn có thể phải ngừng sử dụng một số loại thuốc nhất định trước khi thực hiện phẫu thuật.
  • Nếu bạn đang trong thời gian thai kỳ, có khả năng có thai hoặc mắc phải các tình trạng sức khỏe khác như tiểu đường.
  • Trong trường hợp bạn là người thường xuyên hút thuốc lá, bạn nên ngừng hút. Bởi vì thuốc lá có thể làm cho tình trạng vết thương nặng hơn và lâu lành hơn sau phẫu thuật. Ngoài ra, thuốc lá cũng có thể đem lại một số biến chứng cho người bệnh, đặc biệt là các biến chứng liên quan đến nhiễm trùng và các vấn đề về phổi.
Quá trình phẫu thuật cắt dạ dày

Phẫu thuật cắt dạ dày cho những bệnh nhân mắc tình trạng Béo phì thường mất khoảng 4-5 giờ nếu bác sĩ thực hiện phẫu thuật mở. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể thực hiện phẫu thuật nội soi tùy vào tình trạng bệnh và sức khỏe của mỗi người. Mặc dù phương pháp Nội soi sẽ tốn ít thời gian hơn, nhưng nó không được áp dụng rộng rãi:

  • Phẫu thuật mở: gồm một vết rạch lớn duy nhất. Bác sĩ sẽ kéo da, cơ và mô để dễ dàng tiếp cận với dạ dày.
  • Phẫu thuật nội soi: là hình thức phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, gồm những vết rạch nhỏ và các công cụ chuyên dụng để thực hiện. Phương pháp nội soi thường ít gây đau đớn cho bệnh nhân và thời gian hồi phục cũng nhanh hơn. Hình thức phẫu thuật này còn có tên gọi khác là “phẫu thuật lỗ khóa” hoặc cắt dạ dày hỗ trợ nội soi (LAG). Phương pháp này cho hiệu quả cao và an toàn hơn so với phẫu thuật mở. Tuy nhiên, hình thức này thường được chỉ định áp dụng để điều trị các tình trạng nhất định như ung thư dạ dày.

4. Kết quả sau khi phẫu thuật cắt dạ dày

Phẫu thuật cắt dạ dày để giảm cân - ảnh 2
Sau khi trải qua phẫu thuật cắt dạ dày để giảm cân, bệnh nhân có thể được xuất viện ngay trong ngày hoặc lưu viện khoảng 3 ngày để hồi phục sức khỏe

Sau khi trải qua phẫu thuật cắt dạ dày để giảm cân, bệnh nhân có thể được xuất viện ngay trong ngày hoặc lưu viện khoảng 3 ngày để hồi phục sức khỏe. Bệnh nhân sau khi phẫu thuật cũng có thể quay trở lại với công việc hàng ngày sau 3 ngày đến 3 tuần.

Sau khi phẫu thuật cắt dạ dày, số cân nặng giảm đi sẽ phụ thuộc vào phương pháp phẫu thuật được áp dụng và mức độ tuân thủ theo chỉ dẫn từ bác sĩ của bệnh nhân. Tùy thuộc vào chiều cao, cân nặng và phương pháp thực hiện phẫu thuật mà nhiều bệnh nhân bị béo phì có thể giảm được khoảng 45kg (tương đương với 100 pounds) hoặc thậm chí là nhiều hơn chỉ sau 12-18 tháng.

Thêm vào đó, ưu điểm nổi bật của phẫu thuật cắt dạ dày để điều trị béo phì là giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của 95% bệnh nhân và giảm được 89% nguy cơ tử vong trong 5 năm đầu.

Đối với những bệnh nhân bị béo phì và kèm theo các bệnh lý khác thì phẫu thuật chính là lựa chọn điều trị tốt nhất. Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể giảm được 82% nguy cơ bệnh tim mạch, tỷ lệ bệnh nhân bị đau nửa đầu là 57%, tình trạng Trào ngược dạ dày thực quản có thể giải quyết trên 98% bệnh nhân, bệnh nhân trầm cảm là 55%, khó thở khi ngủ là 74-98%, bệnh giả u Não là 96% bệnh nhân,...

5. Các biến chứng của phẫu thuật cắt dạ dày

Một số tác dụng phụ mà bệnh nhân có thể gặp phải sau khi thực hiện phẫu thuật cắt dạ dày để giảm cân, bao gồm:

  • Tiêu chảy, buồn nôn, ói mửa
  • Trào ngược axit
  • Hội chứng dạ dày rỗng nhanh
  • Nhiễm trùng vết mổ
  • Nhiễm trùng trong ngực
  • Rò rỉ dạ dày tại vết mổ
  • Chảy máu nội tạng
  • Rò rỉ axit vào thực quản gây ra sẹo, thu hẹp hoặc co thắt
  • Thiếu vitamin
  • Tắc Nghẽn ruột non
  • Sụt cân
  • Khó thở
  • Viêm phổi
  • Tổn thương các cấu trúc lân cận

Khi ruột non phải tiêu hóa một lượng lớn thức ăn cùng 1 lúc, bạn có thể bị buồn nôn, chuột rút hoặc tiêu chảy. Các triệu chứng này có thể xảy ra trong vòng 1 giờ sau khi ăn. Ngoài ra, lượng đường trong máu tăng lên và giảm nhanh khiến bạn bị vã mồ hôi, tim đập nhanh, cơ thể mệt mỏi và bối rối. Để làm giảm các triệu chứng này, sau khi cắt dạ dày, bạn nên thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh và tuân thủ nghiêm ngặt theo chế độ đó. Bạn có thể mất khoảng 3-6 tháng để điều chỉnh được chế độ ăn uống phù hợp cho bản thân.

6. Phục hồi sau khi phẫu thuật cắt dạ dày để giảm cân

Phẫu thuật cắt dạ dày để giảm cân - ảnh 3
Tránh soda có hàm lượng calo cao và thức ăn nhanh

Những bệnh nhân bị béo phì, sau khi phẫu thuật cắt dạ dày cần thay đổi một số thói quen hàng ngày nhất định, đặc biệt là thói quen ăn uống. Cụ thể là:

  • Trong khoảng 4 tuần tiên sau khi phẫu thuật cắt dạ dày, bạn nên uống các đồ uống lỏng và ăn các thực phẩm được xay nhuyễn
  • Sau tháng đầu tiên, bạn có thể chuyển sang ăn các loại thực phẩm mềm hoặc cứng, nhưng lưu ý cần nhai chậm và thật kỹ trước khi nuốt
  • Không nên vừa ăn vừa uống
  • Tránh soda có hàm lượng calo cao và thức ăn nhanh
  • Bổ sung vitamin và khoáng chất mỗi ngày
  • Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày
  • Tránh các loại thực phẩm nhiều chất xơ
  • Ăn thực phẩm giàu canxi, Sắt và vitamin C và D
  • Sau 2 hoặc 3 tháng, bạn có thể chuyển sang các bữa ăn thông thường. Nhưng hãy nhớ rằng, bạn sẽ không thể ăn nhiều giống như trước đây
  • Đối với những bệnh nhân thực hiện phẫu thuật cắt tạo hình dạ dày hình ống thì không được ăn quá nhiều và quá nhanh, bởi vì nó có thể dẫn tới nguy cơ kéo giãn phần dạ dày nhỏ còn lại, dẫn tới tăng cân trở lại
  • Đối với những người thực hiện phẫu thuật nối tắt dạ dày thì không nên ăn đường để tránh gặp phải các vấn đề tiêu hóa khó chịu
  • Những người thực hiện phẫu thuật thắt đai dạ dày sẽ bị khó nuốt nếu ăn quá nhanh, người bệnh nên ăn uống thêm trong vòng 30 phút sau khi ăn.
  • Những bệnh nhân thực hiện phẫu thuật chuyển dòng mật tụy nên tăng cường bổ sung thêm vitamin để tránh bị suy dinh dưỡng
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung