1. Đặc điểm cột sống thắt lưng
Cột sống thắt lưng là cấu trúc chống đỡ sức nặng của toàn bộ cơ thể nên nó đóng vai trò rất quan trọng. Theo khảo sát, có tới 80% dân số thế giới ít nhất từng một lần trong đời gặp các vấn đề bệnh lý liên quan tới cột sống thắt lưng.
1.1 Giải phẫu
Về giải phẫu, cột sống thắt lưng có 5 đốt sống với ký hiệu từ L1 đến L5. Cột sống thắt lưng nằm giữa lồng xương sườn với xương chậu, có những đặc điểm sau: Thân đốt sống lớn, rộng theo bề ngang; cuống cung ngắn có đường kính lớn; phần mỏm ngang mỏng, hẹp và dài, mỏm gai hướng ngang ra sau.
Cấu tạo bên trong cột sống thắt lưng gồm 7 bộ phận:
- Khớp đốt sống: Gồm phần sụn, hoạt dịch, bao hoạt dịch và bao khớp. Khớp đốt sống có khả năng vận động trong giới hạn, chỉ vận động theo chiều trước và sau, chuyển động theo hướng dọc thân;
- Đĩa đệm gian đốt: Có cấu tạo gồm mâm sụn, vòng sợi và nhân nhầy. Đĩa đệm thắt lưng có độ dày khoảng 9mm, có sự chênh lệch về chiều dày của đĩa đệm trước và sau tùy thuộc vào độ cong sinh lý của cột sống;
- Lỗ ghép thắt lưng: Là nơi các dây Thần kinh đi qua, cấu tạo bởi khuyết dưới và khuyết trên của đốt sống trên và đốt sống dưới. Các lỗ ghép thường xuyên bị chèn ép, gây ra các cơn đau thắt lưng;
- Dây chằng thắt lưng: Gồm dây chằng dọc trước, dây chằng dọc sau, dây chằng vành, dây chằng trên gai và liên gai. Các dây chằng thường bám chặt vào nhau, đảm bảo nhân nhầy không thoát ra được;
- Ống sống thắt lưng: Gồm nhiều tổ chức màng cứng, bao màng cứng và rễ thần kinh;
- Rễ và dây Thần kinh tủy sống: Quanh tủy sống có rễ vận động và rễ cảm giác, liên kết với nhau thành dây thần kinh, chui từ lỗ ghép ra ngoài;
- Đoạn vận động đốt sống: Gồm các khớp đốt sống, khoang gian đốt, nửa phần thân đốt sống trên và dưới, dây chằng vành, dây chằng dọc trước - sau và các phần mềm khác.
1.2 Chức năng
Cột sống thắt lưng có chức năng tương tự các đoạn cột sống khác. Đó là:
- Giúp cơ thể vận động linh hoạt, dễ dàng cúi, gập người;
- Bảo vệ đường ống tủy sống: Đây là điểm xuất phát của rễ thần kinh, có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo chi phối các hoạt động của cơ thể;
- Liên kết với các xương sườn để tạo thành một bộ khung vững chắc, giúp cơ bám vào, bảo vệ nội tạng phía trong cơ thể.
1.3 Các bệnh lý thường gặp ở cột sống thắt lưng
Dân văn phòng, người lười vận động hoặc thường xuyên lao động thường bị đau cột sống thắt lưng. Biểu hiện của cơn đau là: Đau xuất phát từ lưng trên; đau cấp tính (vài ngày tới vài tuần) hoặc đau mãn tính (trên 3 tháng); cơn đau có thể lan dọc theo cột sống xuống chân; thường đau nhiều vào sáng sớm hoặc đêm gây khó ngủ; đau nặng hơn khi ngồi lâu hoặc vận động; khó đứng thẳng, hạn chế vận động; có thể dẫn tới sốt, ớn lạnh, mất kiểm soát ruột và bàng quang.
Đau cột sống thắt lưng có thể gặp ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Triệu chứng này là biểu hiện của một số bệnh lý như: Gai cột sống, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, viêm khớp, ung thư,... Chụp CLVT cột sống thắt lưng có dựng hình 3D là một kỹ thuật giúp chẩn đoán hiệu quả cho tình trạng này.
2. Quy trình chụp CLVT cột sống thắt lưng có dựng hình 3D
Đây là kỹ thuật sử dụng máy chụp cắt lớp vi tính để tạo ảnh cột sống thắt lưng, giúp đánh giá các tổn thương của xương, ống sống cùng các thành phần lân cận. Về nguyên lý, một cơ quan cơ thể qua chụp cắt lớp vi tính sẽ cho ra vô số lát cắt, nếu chồng chúng lên nhau sẽ cho đúng hình thể ban đầu. Cơ chế dựng hình 3D là dựng hình tuần tự nhiều lát cắt chồng lên nhau theo từng lớp tới khi hoàn thành toàn dạng của cơ quan cần chẩn đoán (ở đây là cột sống thắt lưng).
2.1 Chỉ định và chống chỉ định
- Chỉ định trong chẩn đoán, đánh giá các bệnh lý chấn thương, khối u, viêm của xương và các phần mềm cột sống thắt lưng;
- Chống chỉ định: Kỹ thuật này không có chống chỉ định tuyệt đối nhưng chống chỉ định tương đối với phụ nữ có thai.
2.2 Chuẩn bị thực hiện
- Nhân sự thực hiện: Kỹ thuật viên điện quang, bác sĩ chuyên khoa và điều dưỡng;
- Phương tiện kỹ thuật: Gồm máy chụp cắt lớp vi tính đa dãy (trên 8 dãy), phim, máy in phim và hệ thống lưu trữ hình ảnh;
- Bệnh nhân: Được bác sĩ giải thích về kỹ thuật để phối hợp theo đúng hướng dẫn; tháo bỏ trang sức bằng kim loại trên cơ thể như kẹp tóc, vòng cổ, khuyên tai; cho dùng thuốc an thần nếu bệnh nhân quá kích thích, không nằm yên;
- Phiếu xét nghiệm: Có phiếu chỉ định chụp cắt lớp vi tính và các loại giấy tờ liên quan nếu có.
2.3 Tiến hành kỹ thuật
- Tư thế bệnh nhân: Đặt người bệnh vào trong khung máy, nằm ngửa, 2 vay hạ thấp tối đa, 2 tay đưa lên cao theo trục cơ thể. Bệnh nhân cần nhịn thở, không nuốt trong quá trình chụp CT;
- Chụp định khu toàn bộ cột sống thắt lưng ở 2 bình diện;
- Lấy hình định vị theo hướng bên bắt đầu từ bờ trên đốt sống D12 tới bờ dưới đốt sống S1;
- Đặt chương trình chụp theo yêu cầu lâm sàng. Có thể sử dụng các lớp cắt theo hướng các đĩa đệm nhằm đánh giá bệnh lý ở cột sống thắt lưng và dùng các phần mềm cho phép xử trí ảnh sau chụp. Các kỹ thuật xử trí ảnh thường dùng gồm: Kỹ thuật hiển thị bề mặt thể tích (VRT), kỹ thuật hiển thị bề mặt (SSD), kỹ thuật tạo ảnh đa mặt cắt (MPR) và kỹ thuật hình chiếu cường độ tối đa (MIP);
- Chọn ảnh chụp phim trên các cửa sổ đĩa đệm và cửa sổ xương.
2.4 Đánh giá kết quả
Tạo ảnh 3D trong chụp CLVT cột sống thắt lưng có giá trị đặc biệt đối với sự biến đổi tư thế cột sống thắt lưng. Các hình ảnh tái tạo theo mặt phẳng trán, mặt phẳng dọc giữa rất có ý nghĩa. Phương pháp này được sử dụng nhằm:
- Đánh giá các tổn thương gặp ở bệnh lý thoái hóa đốt sống gồm hẹp ống sống, Trượt đốt sống do thoái hóa, thoái hóa dây chằng và thoái hóa khối khớp bên;
- Đánh giá các dấu hiệu thoát vị đĩa đệm, các tổn thương thân đốt (trượt thân đốt, vỡ thân đốt và xẹp thân đốt), di lệch tổn thương tường sau thân đốt, máu tụ do chấn thương, tổn thương phần mềm rãnh sống, hẹp ống sống;
- Đánh giá được các bất thường bẩm sinh ở cột sống;
- Xem xét mối tương quan giải phẫu, mức độ choán chỗ, xâm lấn và đè ép.
Phương pháp chụp CLVT cột sống thắt lưng có dựng hình 3D không có tai biến. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể phải thực hiện lại kỹ thuật nếu không bộc lộ rõ nét hình ảnh, không giữ Bất động trong quá trình chụp phim,...