1. Chụp số hoá xoá nền tĩnh mạch lách - cửa là gì?
Chụp số hoá xoá nền hệ thống tĩnh mạch lách - cửa qua da là kỹ thuật thăm dò mạch máu với xâm nhập tối thiểu. Kỹ thuật này thường được thực hiện bằng cách đi qua nhu mô gan hoặc đi qua nhu mô lách để vào hệ thống tĩnh mạch lách - cửa, sau đó bơm thuốc đối quang Iod vào và tiến hành chụp hệ thống mạch máu. Từ đó giúp đánh giá tình trạng lưu thông máu và các bệnh lý của hệ thống tĩnh mạch lách – cửa.
2. Chỉ định chụp DSA tĩnh mạch lách - cửa
2.1 Chỉ định
Trong một số bệnh cảnh lâm sàng, chụp hệ thống tĩnh mạch lách cửa thường được chỉ định khi có: hẹp tắc tĩnh mạch lách - cửa do những nguyên nhân lành tính hoặc ác tính, bệnh nhân có tăng áp lực tĩnh mạch cửa, Giãn tĩnh mạch thực quản, Giãn tĩnh mạch dạ dày, các bệnh lý bất thường tĩnh mạch cửa...
Đôi khi, chụp DSA tĩnh mạch lách - cửa còn được thực hiện trước khi các thủ thuật khác như điều trị hẹp miệng nối tĩnh mạch cửa sau ghép gan, điều trị giãn tĩnh mạch thực quản.
2.2 Chống chỉ định
- Bệnh nhân có tiền sử Dị ứng thuốc đối quang có thành phần iod
- Bệnh nhân bị suy thận nặng độ IV
- Huyết khối tĩnh mạch cảnh trong
- Huyết khối tĩnh mạch chủ trên
- Huyết khối tĩnh mạch gan
- Rối loạn đông máu nặng, mất kiểm soát (chỉ số prothrombin <60%, chỉ số INR > 1.5 và số lượng tiểu cầu < 50 g/l)
- Bệnh nhân Xơ gan cổ trướng mức độ nhiều
- Phụ nữ đang mang thai
3. Chuẩn bị trước khi chụp số hoá xoá nền tĩnh mạch lách - cửa
- Bác sĩ chuyên khoa;
- Bác sĩ phụ trợ;
- Kỹ thuật viên điện quang;
- Điều dưỡng;
- Bác sĩ, kỹ thuật viên gây mê (nếu bệnh nhân không thể hợp tác).
- Máy chụp DSA;
- Máy bơm điện;
- Máy siêu âm đầu dò cong;
- Túi nilon vô khuẩn để bọc đầu dò siêu âm;
- Phim, máy in phim, hệ thống lưu trữ hình ảnh;
- Bộ áo chì bảo vệ, tạp dề, che chắn tia X.
- Thuốc tê tại chỗ;
- Thuốc tiền mê và thuốc gây mê toàn thân (nếu bệnh nhân có chỉ định gây mê toàn thân);
- Thuốc chống đông máu;
- Thuốc trung hòa thuốc chống đông máu;
- Thuốc đối quang Iod tan trong nước;
- Dung dịch dùng để sát khuẩn da, niêm mạc.
- Người bệnh được giải thích kỹ càng về thủ thuật và quy trình chụp số hoá xoá nền tĩnh mạch lách - cửa để hợp tác với bác sĩ và các kỹ thuật viên. Người bệnh hoặc thân nhân phải viết cam kết đồng ý thực hiện thủ thuật.
- Người bệnh cần phải nhịn ăn, nhịn uống trước đó 6 giờ hoặc có thể uống không quá 50ml nước;
- Sau khi vào phòng can thiệp chụp số hoá xoá nền tĩnh mạch lách - cửa, người bệnh sẽ nằm ở tư thế ngửa, được các kỹ thuật viên lắp máy theo dõi các dấu hiệu sinh tồn như: nhịp thở, mạch đập, huyết áp, điện tim, khí máu động mạch.
- Trường hợp người bệnh không hợp tác hoặc quá khích sẽ được chỉ định sử dụng thuốc an thần;
- Sát trùng bề mặt da bằng dung dịch sát khuẩn và phủ khăn vô khuẩn có lỗ.
4. Quy trình chụp số hoá xoá nền tĩnh mạch lách - cửa
Người bệnh được Gây tê tại chỗ sau đó bác sĩ sẽ tiến hành rạch da. Sử dụng bộ kim chọc mạch để chọc xuyên qua nhu mô gan vào các nhánh tĩnh mạch cửa trong gan. Một số trường hợp có thể xem xét chọc qua nhu mô lách để vào hệ tĩnh mạch lách. Tiếp theo đặt ống vào lòng mạch 5 - 6F vào nhánh tĩnh mạch cửa trong gan.
Bước 2: Tiến hành chụp mạchĐưa ống thông (Cobra) và dây dẫn (guidewire) vào thân chính của tĩnh mạch cửa hoặc tĩnh mạch mạc treo hoặc tĩnh mạch lách. Sau đó thay ống thông Cobra bằng ống thông đuôi lợn (Pigtail) hoặc ống thông có nhiều lỗ bên với dây dẫn dài (260mm), rút dây dẫn ra khỏi ống thông Pigtail.
Tiến hành chụp mạch số hóa xóa nền hệ thống tĩnh mạch lách – cửa thông qua ống thông đuôi lợn (Pigtail).
Bước 3: Kết thúc thủ thuật chụp DSARút toàn bộ ống thông, dây dẫn và ống vào lòng mạch. Lưu ý, ngay trước khi rút ống vào lòng mạch ra khỏi bao gan thì cần bít tắc đoạn tận nhánh tĩnh mạch cửa bằng vật liệu nút mạch vòng xoắn kim loại (Coils) nhằm ngăn ngừa nguy cơ chảy máu ổ bụng tại vị trí chọc vào nhu mô gan.
Quy trình chụp số hoá xoá nền tĩnh mạch lách - cửa thành công khi bộc lộ được toàn bộ các thành phần cấu thành hệ động mạch lách - cửa bao gồm: tĩnh mạch lách, tĩnh mạch mạc treo tràng trên, thân chính của tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch cửa trong gan.
5. Tai biến khi thực hiện thủ thuật và cách xử trí
- Chảy máu trong ổ bụng: nguyên nhân gây ra tai biến này là do rách nhu mô gan và bao gan tại vị trí mở đường vào tĩnh mạch cửa hoặc chảy máu do tổn thương các động mạch ở thành bụng dẫn đến máu chảy vào ổ bụng. Nếu chảy máu từ động mạch ở thành ngực, động mạch gan thì có thể thực hiện chụp mạch và nút mạch. Nếu chảy máu từ các nhánh của tĩnh mạch cửa thì có thể theo dõi và điều trị nội khoa bằng thuốc.
- Chảy máu đường mật: có thể tự khỏi do lượng chảy máu ít.