1. Rong kinh là gì?
Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ kéo dài trong khoảng 28 - 32 ngày, thời gian Hành kinh trung bình 3 - 5 ngày, mất đi khoảng 50 - 80ml máu. Máu kinh thường có màu đỏ sẫm, không đông, có nhiều chất vụn của tế bào niêm mạc âm đạo, tử cung và các vi khuẩn có sẵn trong âm đạo. Rong kinh là hiện tượng Hành kinh đúng chu kỳ kinh nguyệt nhưng kéo dài trên 7 ngày và mất đi lượng máu vượt quá 80ml/chu kỳ.
Rong kinh rong huyết có biểu hiện là kinh nguyệt ra nhiều, mỗi lần thay băng cần phải sử dụng tới 2 băng vệ sinh và cần thay băng liên tục mỗi giờ. Về ban đêm, kinh nguyệt vẫn ra nhiều. Máu kinh thường đóng thành cục lớn và phụ nữ hay bị đau bụng dưới. Nếu rong kinh kèm theo cường kinh trong thời gian dài thì phụ nữ thường có dấu hiệu mệt mỏi, hay thở dốc, có những triệu chứng của tình trạng thiếu máu.
2. Nguyên nhân gây rong kinh
Nguyên nhân gây rong kinh được chia thành hai loại: rong kinh cơ năng và do nguyên nhân thực thể.
- Rong kinh cơ năng: thường gặp ở giai đoạn đầu và giai đoạn cuối của thời kỳ dậy thì và tiền mãn kinh. Ở lứa tuổi này, Nội tiết tố biến đổi nhiều, lượng Estrogen tăng lên đột ngột hoặc giảm mạnh khiến chu kỳ kinh nguyệt kéo dài và lượng máu kinh ra nhiều. Trong vòng 2 năm đầu tiên sau khi bắt đầu có kinh, các bạn gái thường có vòng kinh không đều. Chu kỳ kinh nguyệt thường kéo dài 21 - 40 ngày, lên xuống 10 ngày giữa các chu kỳ. Rong kinh đôi khi đi kèm với cường kinh, nhất là khi trước đó phụ nữ có một vòng kinh dài bất thường.
- Rong kinh do nguyên nhân thực thể: do tổn thương thực thể ở tử cung hoặc buồng trứng như: viêm nội mạc tử cung, polyp buồng tử cung, u xơ tử cung, buồng trứng đa nang, Ung thư cổ tử cung, ung thư nguyên bào nuôi, ung thư nội mạc tử cung,...
Ngoài ra, một số thuốc tránh thai (đặc biệt là thuốc tránh thai khẩn cấp) có thể gây rong kinh.
3. Rong kinh có ảnh hưởng gì không?
Tình trạng rong kinh gây ra khá nhiều hệ lụy như:
- Rong kinh kéo dài sẽ khiến phái đẹp bị mất máu nhiều, dẫn đến bệnh thiếu máu với các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở,...
- Tình trạng ra máu kéo dài tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây viêm nhiễm bộ phận sinh dục. Vi khuẩn có thể lan ngược từ âm hộ vào âm đạo, vào buồng tử cung, lên vòi trứng gây viêm phần phụ hay thậm chí là gây Vô sinh sau này.
- Ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt hằng ngày, khiến phụ nữ luôn có cảm giác khó chịu hay thậm chí là sợ hãi khi đến kỳ kinh nguyệt.
- Rong kinh còn là triệu chứng của một số bệnh lý Phụ khoa như u xơ tử cung, polyp tử cung, viêm nội mạc tử cung, buồng trứng đa nang,... Nếu không được điều trị sớm thì các căn bệnh này sẽ dẫn đến nhiều biến chứng khó lường.
4. Nên làm gì khi bị rong kinh?
Khi bị rong kinh, phụ nữ nên thực hiện theo hướng dẫn sau:
- Nằm nghỉ nếu bị ra máu quá nhiều.
- Giữ sức khỏe bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi điều độ, tập thể dục thường xuyên, tránh căng thẳng, mệt mỏi kéo dài.
- Duy trì chế độ ăn uống ít thịt và chất béo, bổ sung thêm thực phẩm giàu magie, kẽm, sắt, vitamin B1, B6 và vitamin E. Phụ nữ nên kiêng các chất kích thích như cà phê, rượu và một số gia vị cay trong kỳ kinh nguyệt.
- Ăn ngải cứu hằng ngày vì theo Đông y, Ngải cứu có tác dụng điều hòa kinh nguyệt, giảm đau bụng kinh, giảm lượng máu xấu trong chu kỳ kinh.
- Đi khám phụ khoa để được bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân chính xác và đưa ra phương án điều trị phù hợp với cơ địa và tình trạng bệnh nặng, nhẹ.
Khi bị rong kinh, người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám, xác định nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp, tránh để tình trạng này kéo dài gây ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như khả năng sinh sản.