Sỏi túi mật: Khi nào cần phẫu thuật?

Sỏi túi mật thường gặp ở phụ nữ trên 40 tuổi, người béo phì. Bệnh khó phát hiện do những triệu chứng ban đầu rất nhẹ, gần như không có. Cho đến khi có những cơn đau rõ rệt thì kích thước sỏi thường đã khá lớn.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Sỏi túi mật là gì?

Túi mật nằm ở phía dưới của thùy gan phải, màu xanh lam, kích thước nhỏ từ 30 - 60ml. Túi mật có nhiệm vụ tích trữ dịch mật do gan tiết ra và cô đặc nó. Khi thức ăn vào trong dạ dày, túi mật sẽ co bóp đẩy dịch mật vào đường mật, xuống tá tràng giúp tiêu hóa chất béo có trong thức ăn.

Sỏi túi mật: Khi nào cần phẫu thuật? - ảnh 1
Sỏi túi mật gây cản trở quá trình tiết dịch mật

Sỏi túi mật là tinh thể rắn do các thành phần có trong dịch mật kết tinh thành. Nếu không điều trị sớm, sỏi túi mật sẽ tiếp tục phát triển về kích thước và số lượng. Ban đầu có thể bé như một hạt cát, đến to bằng hạt đậu, có trường hợp sỏi túi mật to bằng một quả bóng golf. Người bệnh có thể bị một hoặc nhiều sỏi cùng một lúc. Sỏi túi mật gây cản trở quá trình tiết dịch mật, sỏi còn có thể làm viêm túi mật, ảnh hưởng đến gan và tụy.

2. Khi nào cần phẫu thuật sỏi túi mật?

Sỏi túi mật khiến người bệnh cảm thấy đau quặn vùng hạ sườn phải và vùng thượng vị. Đau theo cơn, mỗi cơn thường kéo dài khoảng vài phút, thậm chí là vài giờ. Người bệnh thường bị đau sau khi ăn, nhất là bữa ăn có nhiều chất béo. Đi kèm với cơn đau là cảm giác buồn nôn hoặc nôn.

Điều trị sỏi túi mật có 2 phương pháp: phẫu thuật và không phẫu thuật. Vậy khi nào cần phẫu thuật điều trị sỏi túi mật?

Thông thường, sỏi túi mật không có triệu chứng, không gây đau đớn quá nhiều cho người bệnh thì chưa cần thiết phải phẫu thuật. Người bệnh có thể chọn giữa việc phẫu thuật và sử dụng các loại thuốc tan sỏi, tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng chấn động, làm tan sỏi và lấy sỏi qua da, lấy sỏi túi mật qua nội soi...Hiện nay điều trị nội khoa ở Việt Nam chủ yếu là dùng thuốc tan sỏi, tuy nhiên hiệu quả không cao do sỏi ở nước ta chủ yếu là sỏi sắc tố mật, khác với các nước phương Tây chủ yếu là sỏi Cholesterol. Với tán sỏi hay lấy sỏi túi mật qua Nội soi , kết quả không cao tùy thuộc vào loại sỏi, kích thước sỏi và giải phẫu của ống mật. Ngoài ra, các phương thức điều trị này đều có chung đặc điểm là để lại túi mật, là nơi sẽ tạo sỏi trong tương lai, mất khá nhiều thời gian, hiệu quả không cao.

Nếu sỏi túi mật đã có những triệu chứng đau đớn kéo dài, gây Viêm túi mật mãn tính hay những biến chứng có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân thì cần phải tiến hành phẫu thuật, bất kể kích thước sỏi túi mật nhỏ hay lớn. Ngoài ra, trường hợp sỏi túi mật không có triệu chứng nhưng bệnh nhân có sỏi lớn hơn 25mm, túi mật có nhiều sỏi, sỏi túi mật đi kèm với polyp túi mật có kích thước lớn hơn 10mm hoặc có nguy cơ Ung thư túi mật cũng cần phải phẫu thuật sớm.

3. Phương pháp phẫu thuật Cắt túi mật nội soi điều trị sỏi túi mật

Với nhiều ưu điểm vượt trội, phẫu thuật nội soi cắt túi mật đang là tiêu chuẩn vàng trong điều trị sỏi túi mật.

Ưu điểm của phẫu thuật cắt túi mật nội soi:

  • Mổ nội soi ít đau.
  • Vết mổ nhỏ.
  • Thời gian mổ nhanh, tổn thương ít.
  • Bệnh nhân nhanh hồi phục.
  • Tỉ lệ biến chứng và tai biến thấp.

Sau phẫu thuật cắt túi mật nội soi, một số bệnh nhân sẽ có biểu hiện Rối loạn tiêu hóa thoáng qua như ăn chậm tiêu, tiêu chảy... Tuy nhiên các triệu chứng này sẽ mất dần sau 3 đến 6 tháng. Vì vậy , bệnh nhân sau mổ cần có chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế chất béo và trứng, trong vòng vài tháng sau khi mổ.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung