Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Sốt giảm bạch cầu hạt trên bệnh nhân ung thư

21/06/2021
Sốt giảm bạch cầu hạt trên bệnh nhân ung thư

Sốt giảm bạch cầu hạt là một cấp cứu nội khoa và là một trong những biến chứng gặp phải khi điều trị ung thư, đặc biệt là hóa trị.

1. Nguyên nhân Sốt giảm bạch cầu hạt trên bệnh nhân ung thư

Bạch cầu hạt đóng vai trò quan trọng như những người lính giúp bảo vệ cơ thể khỏi loại nhiễm trùng. Chúng sẽ bao vây và tiêu diệt các vi sinh vật bên ngoài xâm nhập vào cơ thể và giúp cơ thể được khỏe mạnh. Do đó, giảm số lượng bạch cầu hạt sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.

Những bệnh nhân ung thư, đặc biệt là những bệnh nhân đang được hóa trị, sẽ có nguy cơ bị giảm bạch cầu hạt kèm sốt (gọi là sốt giảm bạch cầu hạt). Hậu quả của tình trạng này có thể đưa đến nhiễm trùng máu, sốc và có thể tử vong. Vì vậy, việc lưu ý sau hóa trị và phát hiện sớm các triệu chứng của Sốt giảm bạch cầu hạt rất quan trọng.

2. Triệu chứng sốt giảm bạch cầu hạt

Thông thường, giảm bạch cầu hạt sẽ không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, những bệnh nhân hóa trị cần được theo dõi sát các triệu chứng như lạnh run hoặc sốt.

Khi uống các thuốc như steroid hoặc Paracetamol có thể che đi triệu chứng sốt. Do vậy, cần chú ý các triệu chứng của nhiễm trùng như:

  • Triệu chứng giống cảm cúm: Mệt nhiều, nhức mỏi cơ, chảy mũi,...
  • Ho, khạc đàm nhiều, khò khè, khó thở.
Sốt giảm bạch cầu hạt trên bệnh nhân ung thư - ảnh 1
Ho, khạc đàm nhiều, khò khè, khó thở là triệu trứng sốt giảm bạch cầu hạt
  • Đổ mồ hôi bất thường
  • Nôn ói, tiêu chảy hoặc tiểu gắt buốt
  • Sưng, nóng, đỏ, đau, hoặc chảy mủ tại vị trí tiêm truyền
  • Nổi mụn mủ ở da, khóe móng tay, móng chân, hậu môn.
  • Đau đầu hoặc cứng cổ
  • Lở miệng, chảy dịch hoặc mủ ở tai - mũi - họng...

Khi có bất kỳ triệu chứng như trên, bạn cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

3. Các biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng

Bên cạnh việc phát hiện sớm các triệu chứng như trên, bạn nên chú ý đến sinh hoạt hằng ngày để phòng ngừa nhiễm trùng như:

  • Đo nhiệt độ cơ thể thường xuyên khi bạn thấy lạnh run, đổ mồ hôi hoặc cảm giác sốt.
  • Ăn thức ăn đã nấu chín, uống nước đã đun sôi. Không nên ăn thịt cá sống, tái, gỏi. Nên rửa sạch rau trái cây trước khi ăn. Không ăn uống vỉa hè, hoặc uống nước đá ở hàng quán bên ngoài.
  • Rửa tay thường xuyên đúng cách trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Chăm sóc răng miệng cẩn thận và súc miệng thường xuyên (3-4 lần mỗi ngày) để phòng ngừa lở miệng.
  • Tắm rửa mỗi ngày và không dùng chung khăn với người khác.
  • Rửa sạch các vết Trầy xước da ngay với nước và xà phòng sau đó che lại bằng băng gạc để phòng ngừa nhiễm trùng.
  • Nên đeo bao tay khi làm vườn và hạn chế tiếp xúc với thú vật, túi rác, nước cắm hoa...
  • Tránh những nơi đông người hoặc những người đang bị cảm lạnh, cúm hoặc bệnh lây nhiễm.

Nếu bạn có được đặt catheter (ống thông) hoặc các đường truyền tĩnh mạch khác, nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ và tham khảo các điều dưỡng về cách hướng dẫn chăm sóc các đường truyền này.