1. Thuốc co mạch và thuốc tăng co bóp là gì?
Nhịp tim, tần số mạch và huyết áp là những thông số cơ bản đánh giá hoạt động của hệ tuần hoàn trong cơ thể. Chỉ khi các thông số này ổn định, sự cung cấp máu đến các cơ quan được đầy đủ, hoạt động sống của cơ thể mới được đảm bảo.
Khi tim co bóp hiệu quả, từng nhịp đập của tim sẽ tống một thể tích máu nhất định vào đại động mạch. Đi kèm với điều kiện sức co bóp cơ tim là trương lực thành mạch, hai yếu tố này cấu thành nên huyết áp, tức áp suất máu trong lòng mạch cũng như áp lực tưới máu cho mô. Nếu vì bất kỳ lý do nào khiến một trong hai, tim hoặc hệ mạch bị tổn thương, hay cả hai, máu tới cơ quan không đủ, các mô sẽ bị thiếu oxy, dẫn đến sự hình thành axit lactic và suy nội tạng, tử vong sau đó.
Như vậy, để chống lại tình trạng này, cần có chỉ định sử dụng thuốc co mạch và thuốc gây tăng co bóp. Đây đều là các thuốc có tác động dương tính lên hệ tuần hoàn. Thuốc tăng co bóp sẽ có vai trò nhanh chóng làm tăng sức bóp của cơ tim và tăng tần số tim. Thuốc co mạch sẽ có vai trò làm tăng trương lực thành mạch, các Mạch máu ngoại biên co lại. Sự kết hợp của hai nhóm thuốc này sẽ làm tăng nhanh trị số huyết áp, duy trì chức năng tuần hoàn cho cơ thể.
Tuy nhiên, do các thuốc này có tác dụng kích hoạt rất nhanh, ngay khi bắt đầu sử dụng, cần nhanh chóng theo dõi sát các thông số huyết động như cung lượng tim, áp lực động mạch và cả áp lực tĩnh mạch trung tâm (nếu có). Các thông số này sẽ là nền tảng để liên tục điều chỉnh thuốc cho phù hợp, nhằm duy trì tính hiệu quả cao nhất cho người bệnh cũng như hạn chế tối đa các tác dụng phụ, nhất là khi dùng liều cao.
Đồng thời, việc dùng thuốc co mạch và thuốc tăng co bóp chỉ giúp ích trong tình huống nhất thời. Việc tích cực tìm kiếm và điều chỉnh các yếu tố gây suy tuần hoàn mới là yếu tố quan trọng nhất, giúp người bệnh thoát khỏi cơn nguy kịch.
2. Chỉ định sử dụng thuốc co mạch và tăng co bóp trong choáng
Chỉ định cho việc sử dụng thuốc co mạch và tăng co bóp trong choáng ở bệnh nhân khác nhau tùy theo nguyên nhân gây ra choáng.
Choáng là tình trạng không cung cấp đủ máu cho nhu cầu của các mô, gây rối loạn chuyển hóa tế bào và rối loạn chức năng của các mô, cơ quan. Có 4 loại choáng chính: (1) choáng giảm thể tích, (2) choáng phân phối, (3) choáng do tim và (4) choáng tắc nghẽn. Mỗi loại có chỉ định cho thuốc vận mạch và thuốc tăng co bóp khác nhau. Tuy nhiên, dù cho có thuộc loại choáng nào, các loại thuốc co mạch và tăng co bóp thường dùng là norepinephrine, epinephrine, Dopamine và dobutamine.
Choáng phân phối thường được gây ra bởi nhiễm trùng huyết, choáng Thần kinh và choáng phản vệ. Những loại choáng này là do hệ thống mạch máu bị mất tính đàn hồi dẫn tới dãn ra quá mức hay khi bị tăng tính thấm thành mạch quá mức. Chính vì thế, trong tình huống này, việc dùng thuốc co mạch có vai trò chủ yếu nhằm tăng trương lực thành mạch, làm tăng huyết áp. Mục tiêu huyết áp trung bình cần đạt là từ 60 đến 65 mmHg để duy trì được áp lực tưới máu cho các cơ quan.
Theo đó, nếu sau khi hồi sức bằng cách bù dịch mà huyết áp không cải thiện đến khoảng 60 mmHg, nên bắt đầu dùng thuốc vận mạch. Norepinephrine được khuyến cáo là thuốc vận mạch đầu tay trong bệnh cảnh này. Nếu vẫn chưa đáp ứng, vasopressin hoặc epinephrine là hai thuốc vận mạch được khuyến cáo bổ sung thêm vào sau norepinephrine.
Choáng tim thường xảy ra nhất trong bối cảnh nhồi máu cơ tim cấp. Sức co bóp cơ tim giảm dẫn đến cung lượng tim giảm và làm giảm huyết áp tâm thu và cả tâm trương. Hệ quả là gây ra tình trạng giảm tưới máu và rối loạn chức năng nội tạng, sau đó lại dẫn đến tổn thương tim ngày càng trầm trọng. Lúc này, xử trí ban đầu là cần đảm bảo cơ thể có đủ dịch trong lòng mạch.
Nếu dịch đã đủ nhưng tình trạng hạ huyết áp vẫn kéo dài thì đòi hỏi phải thêm thuốc tăng co bóp cơ tim hơn là thuốc co mạch. Theo đó, thuốc được chỉ định là dobutamin với mục tiêu huyết áp trung bình là 65 mm Hg. Nếu huyết áp vẫn chưa đạt được thì có thể bổ sung thêm các thuốc co mạch giúp hỗ trợ thêm tình trạng khôi phục huyết áp.
Ngược lại với choáng phân phối và choáng tim, trong choáng giảm thể tích và choáng tắc nghẽn, thuốc co mạch và thuốc tăng co bóp không phải là chỉ định đầu tiên. Đối với choáng giảm thể tích, việc cần làm là ngay lập tức khôi phục thể tích tuần hoàn hiệu quả cho người bệnh bằng cách tăng lượng dịch uống vào qua đường miệng nếu còn uống được hay truyền dịch trực tiếp vào đường tĩnh mạch. Khi thể tích lòng mạch đầy tủ, huyết áp trong choáng giảm thể tích sẽ nhanh chóng hồi phục.
Tương tự như choáng giảm thể tích, trong choáng tắc nghẽn, việc ưu tiên cần làm là giải phóng tắc nghẽn trên con đường của hệ tuần hoàn. Tuy nhiên, để thực hiện được việc này thường phải nhờ đến các can thiệp ngoại khoa. Nếu vì bất kỳ lý do nào mà phẫu thuật cấp cứu chưa thể thực hiện được, có thể sử dụng thuốc co mạch nhằm duy trì huyết áp hiệu quả tạm thời cho bệnh nhân.
3. Cách thức sử dụng thuốc co mạch và tăng co bóp
Tất cả các thuốc co mạch và thuốc tăng co bóp đều được sử dụng dưới dạng tiêm tĩnh mạch.
Phương pháp được lựa chọn trong thực tế là truyền tĩnh mạch liên tục bằng máy tiêm điện với tốc độ và nồng độ được chuẩn độ ở mức độ chính xác nhất nhằm đạt được hiệu quả mong muốn.
Thông thường đường tĩnh mạch ngoại vi sẽ được lựa chọn tiếp cận đầu tiên vì tính thuận tiện, dễ sử dụng nhưng chỉ nên dùng trong thời gian ngắn, nhằm hạn chế các tác dụng phụ. Nếu có chỉ định sử dụng thuốc lâu dài, cần dùng thuốc qua đường tĩnh mạch trung tâm và điều này sẽ cho phép thuốc phát huy tác dụng hiệu quả hơn.
4. Các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc co mạch và tăng co bóp
Tác dụng bất lợi của thuốc vận mạch và thuốc tăng co bóp sẽ phụ thuộc vào cơ chế tác dụng. Tuy nhiên, hầu hết các thuốc đều có tính kích thích thụ thể beta giao cảm, rối Loạn nhịp tim là một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất.
Dopamine có tác dụng trong các cơ chế khác nhau và cũng có tác dụng phụ như hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, Hoại tử mô cục bộ và hoại thư nếu xảy ra ngoại mạch.
Epinephrine có thể làm nhịp tim tăng quá nhanh, khiến bệnh nhân kích thích nếu còn tỉnh táo. Norepinephrine cũng có tác dụng phụ tương tự như epinephrine nhưng cũng có thể khiến Nhịp tim chậm và rối loạn nhịp tim.
Tác dụng bất lợi của thuốc gây tăng co bóp cơ tim như dobutamin là tăng huyết áp quá mức hay hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực, cơn nhồi máu cơ tim cấp tính. Dobutamine đặc biệt có thể gây Hạ kali máu và Hoại tử mô cục bộ khi thoát mạch. Ngoài ra, trong các tình huống suy tim nặng, sử dụng dobutamine cũng có bằng chứng làm tăng tỷ lệ tử vong khi sử dụng kéo dài.
5. Cách theo dõi khi sử dụng thuốc co mạch và tăng co bóp
Tất cả các bệnh nhân cần dùng thuốc co mạch và tăng co bóp đều cần được theo dõi chặt chẽ trong suốt thời gian dùng thuốc.
Việc theo dõi bao gồm các chỉ số sinh hiệu, như tần số tim, huyết áp động mạch tốt nhất là đo đạc qua ống thông trong lòng động mạch, áp lực tĩnh mạch trung tâm cũng đo qua ống thông. Ngoài ra, lượng nước xuất nhập vào cơ thể mỗi ngày cũng cần theo dõi nhằm đảm bảo lượng dịch đầy đủ trong lòng mạch.
Bên cạnh đó, việc theo dõi điện tim liên tục cũng rất cần thiết nhằm phát hiện sớm rối Loạn nhịp tim và kịp thời xử trí. Ngoài ra, nếu sử dụng đường truyền ngoại biên, vị trí đặt kim vẫn cần kiểm tra liên tục, nhằm tránh nguy cơ thoát mạch, vừa khiến mất tính hiệu quả của thuốc, vừa gây ra các tổn thương hoại tử cục bộ.
Tóm lại, thuốc co mạch và thuốc gây tăng co bóp là các loại thuốc rất thường dùng ở bệnh nhân bị choáng. Tùy vào cơ chế choáng, loại thuốc và liều lượng dùng là khác nhau. Trong quá trình sử dụng các loại thuốc này, người bệnh cần được theo dõi sát cũng như tích cực giải quyết nguyên nhân gây choáng, vừa giúp hồi phục tình trạng huyết động một cách nhanh chóng, vừa hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc co mạch và tăng co bóp nếu dùng lâu dài.
Nguồn tham khảo: drugs.com; ncbi.nlm.nih.gov; sld.cu.