1. Suy thận mạn có mấy giai đoạn?
Dựa vào mức tổn thương thận với sự thay đổi về hệ số thanh thải creatinin nội sinh mà người ta chia suy thận mạn thành 5 giai đoạn lâm sàng như sau:
- Giai đoạn 1: Suy thận mức độ nhẹ
- Tổn thương thận ít, mức lọc cầu thận vẫn trong chỉ số bình thường;
- Hướng điều trị bảo tồn;
- Giai đoạn 2: Suy thận mức độ vừa
- Thận bị tổn thương nhẹ, mức lọc cầu thận bắt đầu giảm nhẹ, từ 60-89 ml/phút;
- Hướng điều trị bảo tồn;
- Giai đoạn 3a: Suy thận mức độ nặng
- Mức lọc cầu thận giảm vừa ( từ 30-59 ml/phút), có biểu hiện thiếu máu, có thể xuất hiện các bệnh lý về xương khớp như đau lưng mỏi gối;
- Hướng điều trị bảo tồn;
- Giai đoạn 3b: Suy thận mức độ nặng
- Mức lọc cầu thận giảm nặng (từ 15-29 ml/phút);
- Hướng điều trị lọc máu;
- Giai đoạn 4: Suy thận giai đoạn cuối
- Mức lọc cầu thận xuống dưới 15ml/phút, thận gần như không hoạt động, bệnh nhân phải tiến hành lọc máu ngoài thận hoặc ghép thận;
- Hướng điều trị lọc máu bắt buộc hoặc ghép thận.
2. Nguyên tắc điều trị bệnh suy thận mạn
Tùy theo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, giai đoạn bệnh để chọn lựa những phương pháp điều trị thích hợp, tối ưu nhất. Nhưng dù điều trị bằng phương pháp nào cũng cần đảm bảo được các nguyên tắc sau:
- Điều trị nguyên nhân kết hợp điều trị triệu chứng;
- Kiểm soát, điều trị huyết áp;
- Kiểm soát được lượng cholesterol trong quá trình điều trị để hạn chế được những nguy cơ biến chứng Tim mạch sau suy thận;
- Điều trị và hạn chế biến chứng sau suy thận mạn như ứ dịch, tăng kali máu, giảm protein...;
- Xác định chế độ ăn hợp lí theo giai đoạn suy thận.
- Lưu ý với những trường hợp suy thận mạn giai đoạn cuối để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp: cấy ghép thận, lọc màng bụng hay chạy thận nhân tạo.
3. Các phương pháp điều trị suy thận mạn
Hiện nay có rất nhiều phương pháp hỗ trợ điều trị suy thận mạn nhưng phổ biến sử dụng nhiều nhất trên lâm sàng có 3 phương pháp:
- Ghép thận:
Ghép thận hoặc cấy ghép thận, là một quá trình cấy ghép một quả thận khỏe mạnh cho những người mắc bệnh thận mạn ở giai đoạn cuối.
Thận được sử dụng để tiến hành cấy ghép có thể được lấy từ người hiến tặng hoặc còn sống (có cùng huyết thống hoặc không) hoặc đã chết.
Phương pháp này được chỉ định áp dụng với bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối khi các phương pháp lọc máu ngoài màng bụng hay chạy Thận nhân tạo không hiệu quả.
- Chạy thận nhân tạo:
Chạy Thận nhân tạo là phương pháp điều trị lọc máu ở bên ngoài cơ thể bệnh nhân qua máy chạy thận. Máu được rút ra từ mạch máu của bệnh nhân rồi đi qua một quả lọc máu tổng hợp. Lúc này, quả lọc máu hoạt động như một quả thận nhân tạo, máu được làm sạch rồi sau đó đưa trở lại cơ thể bệnh nhân.
Chỉ định chạy thận nhân tạo trong các trường hợp:
- Bệnh nhân suy thận đã có biến chứng gây rối loạn chức năng não;
- Có biểu hiện Tăng Kali máu mà điều trị nội khoa không đáp ứng;
- Có biểu hiện toan máu mà không điều trị được bằng nội khoa;
- Hệ số thanh thải creatinin giảm dưới 10ml/phút/1,73m2 cơ thể.
Chạy thận nhân tạo thường được tiến hành 3 lần trong một tuần, mỗi lần tối thiểu khoảng 4 giờ đồng hồ.
Để chạy thận nhân tạo có hiệu quả tốt nhất, đảm bảo được các chức năng lọc, bệnh nhân cần có một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi sinh hoạt hợp lý.
- Lọc màng bụng:
Là phương pháp lọc máu sử dụng màng lọc tự nhiên của cơ thể thay vì dùng màng lọc nhân tạo giống như trong phương pháp chạy thận nhân tạo. Màng lọc tự nhiên được nói đến ở đây chính là lớp màng lót trong ổ bụng hay còn gọi là màng bụng.
Trong quy trình lọc máu qua màng bụng, 1-3 lít dịch thẩm phân sẽ được đưa vào khoang phúc mạc bao gồm các thành phần đường, muối và một số chất khác. Tại đây, các chất độc, sản phẩm của quá trình chuyển hóa trong cơ thể và nước sẽ được lọc rồi loại trừ khỏi máu với các tổ chức trong khoang phúc mạc vào khoang dịch lọc dựa trên có chế khuếch tán và siêu lọc bởi áp lực thẩm thấu với sự chênh lệch về nồng độ của các chất hòa tan.
Dịch lọc được đưa vào ổ bụng thông qua một catheter hoặc một ống cố định. Tại đây, các chất độc trong máu được hấp thụ. Sau một thời gian, dịch lọc này được xả vào một túi thải rồi được thay thế bởi một dịch lọc mới. Quy trình đưa vào và xả dịch ra này có thể được thực hiện theo 2 cách khác nhau: hoặc lọc màng bụng liên tục ngoại trú (làm bằng tay trong ngày), hoặc lọc màng bụng chu kỳ tự động (thực hiện bằng máy chạy tự động theo chu kỳ).
Chỉ định lọc màng bụng trong các trường hợp sau:
- Suy thận cấp có chỉ định lọc máu cấp với các biểu hiện của tăng ure máu, tăng creatinin máu, tăng kali máu, toan chuyển hóa và thừa dịch;
- Khó chọn đường vào để đặt catheter chạy thận nhân tạo;
- Tắc cầu nối tĩnh mạch-động mạch;
- Có kèm bệnh lý Tim mạch mạn tính, bệnh nhân không đáp ứng được với lọc máu cấp cứu.
Chống chỉ định lọc màng bụng với các trường hợp:
- Bệnh nhân có bệnh lý nhiễm khuẩn hay rối loạn đông máu nặng;
- Bệnh nhân đang trong thai kỳ;
- Bệnh nhân béo, có tiền sử dính ruột hay gãy xương đùi;
- Bệnh nhân đang sử dụng thông khí nhân tạo.
Suy thận mạn nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, sử dụng đúng phương pháp điều trị có thể làm hạn chế các nguy cơ biến chứng xảy ra trên các bộ phận cơ quan khác đồng thời có thể kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, ở những giai đoạn muộn khi chức năng thận đã hoàn toàn bị suy yếu rồi mất đi, việc điều trị phục hồi hoàn toàn là rất khó khăn. Khi đó cần phải áp dụng các phương pháp hỗ trợ như chạy thận nhân tạo, lọc ngoài màng bụng. Các phương pháp này sẽ giúp đảm bảo cho hoạt động tái hấp thu và thải trừ chất độc của cơ thể, từ đó giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, kéo dài sự sống. Ở những bệnh nhân không thể thực hiện được những phương pháp này thì chỉ định được đặt ra lúc này là cấy ghép thận.