1. Suy thượng thận do dùng corticoid là gì?
Tuyến thượng thận có hình mũ, nằm trên hai quả thận, ở phần lớp bó bài tiết ra các glucocorticoid. Đây là các hormone có vai trò quan trọng trong sự chuyển hóa năng lượng của các tế bào trong cơ thể. Bên cạnh đó, glucocorticoid còn hỗ trợ một phần trong việc ổn định huyết động, giữ cân bằng nội môi thông qua điều khiển bài tiết hay tái hấp thu muối nước. Đồng thời, hormone này còn giúp cơ thể tăng sức chống đỡ với stress bên trong lẫn bên ngoài tác động vào. Sự hoạt động của tuyến thượng thận được điều khiển bởi ACTH, một hormone do vùng hạ đồi – tuyến yên bài tiết ra.
Chính vì những vai trò rất có ý nghĩa này đối với các hoạt động sinh lý, glucocorticoid đã được tìm tòi để tổng hợp nhân tạo từ rất lâu đời, gọi là corticoid. Ngày nay, các thuốc chứa corticoid đã được sản xuất công nghiệp hàng loạt với chi phí thấp, khả năng tiếp cận dễ dàng. Người bệnh sẽ có cảm giác rất khỏe mạnh một cách “diệu kỳ” ngay sau khi được sử dụng corticoid, mọi bệnh tật dường như thoái lui. Tuy nhiên, sau một thời gian dài dùng thuốc, cơ thể sẽ có nguy cơ bị suy thượng thận do dùng corticoid.
Suy thượng thận do điều trị glucocorticoid quá mức là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra suy thượng thận thứ phát. Tình trạng này còn gọi là Hội chứng giả Cushing, phân biệt với hội chứng Cushing thực sự là do tuyến thượng thận tăng hoạt động bất thường.
Lúc này, chức năng của tuyến thượng thận không còn được đảm bảo như trước là do nồng độ glucocorticoid có nguồn gốc từ bên ngoài đưa vào luôn giữ một nồng độ cao quá mức cho phép trong máu, làm ức chế vùng hạ đồi tuyến yên làm giảm tiết ACTH. Ở giai đoạn sớm, nồng độ ACTH nền và cortisol nền có thể bình thường, tuy nhiên dự trữ của ACTH đã suy giảm. Sau đó, sự thiếu hụt kéo dài ACTH làm vỏ thượng thận teo lại dẫn tới giảm tiết cortisol. Khi cơ thể gặp stress, khả năng đáp ứng tiết cortisol sẽ không đủ áp ứng. Cuối cùng, mọi hoạt động sinh lý của cơ thể sẽ bị trì trệ và phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn corticoid từ bên ngoài.
Nguồn gốc của các sản phẩm chứa glucocorticoid ngoại sinh là các thuốc tân Dược như hydrocortisol, prednison, prednisolon, dexamethason, betamethason... Các thuốc này có thể ở dạng thuốc uống, hít, tiêm khớp, tiêm bắp được sử dụng quá mức. Thậm chí, đáng sợ hơn là các nguồn glucocorticoid được trộn trong thuốc gia truyền, thuốc đông y, thuốc bồi bổ sức khỏe không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu hành rộng rãi trong cộng đồng được người dân mua uống một cách rất dễ dàng.
2. Dấu hiệu của suy thượng thận do dùng corticoid
Tương tự như hội chứng Cushing thực sự do tuyến thượng thận bài tiết glucocorticoid quá mức, nếu dùng thuốc corticoid liều cao và dài ngày, người bệnh cũng có các triệu chứng điển hình như rậm lông, tăng cân, mặt tròn, béo trung tâm, tích tụ mỡ ở vùng cổ, sau gáy, mặt tròn đỏ, da mỏng, rạn da, yếu cơ gốc chi, đi lại khó khăn. Khi bị tổn thương da sẽ thấy vết thương khó lành; đi khám còn phát hiện ra huyết áp tăng cao khó kiểm soát hay rối loạn dung nạp đường huyết. Một số trường hợp còn bị rối loạn tâm thần, kích động, không kiểm soát hành vi, nhất là khi dùng corticoid ở trẻ nhỏ hay người lớn tuổi.
Nếu bắt buộc phải ngừng thuốc đột ngột hay chỉ làm giảm liều, người bệnh sẽ có biểu hiện của hội chứng cai thuốc như khó chịu, mệt mỏi, uể oải liên tục, thiếu sức sống, chán ăn, đau nhức cơ xương khớp... Thậm chí, ở một số bệnh nhân đã dùng liều rất cao và kéo dài, khi ngưng cung cấp corticoid, tình trạng huyết động cũng sẽ bị ảnh hưởng, trụy mạch và tuần hoàn, dễ nguy kịch đến tính mạng.
3. Cách chẩn đoán suy thượng thận do dùng corticoid
Suy thượng thận do dùng corticoid hầu hết rất dễ nhận biết trên lâm sàng nhờ các triệu chứng điển hình nêu trên và một bệnh sử đã từng dùng thuốc giảm đau, thuốc gia truyền... kéo dài và không cai thuốc được. Bên cạnh đó, cần tầm soát một số bệnh lý cũng cần phải điều trị corticoid mạn tính như rối loạn hệ thống Tự miễn dịch, bệnh viêm thoái hóa khớp, Hen suyễn không kiểm soát, Chàm da...
Các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán vẫn chưa rõ ràng. Đóng vai trò trung tâm là Xét nghiệm đo Nồng độ cortisol trong máu. Nồng độ cao nhất theo sinh lý của hormone này trong ngày là vào thời điểm 8 giờ sáng, lúc cơ thể hoạt động mạnh mẽ nhất và hạ thấp dần khi về đêm. Nếu cortisol sáng trong máu dưới 3mcg/dl thì chẩn đoán là suy thượng thận chắc chắn và ngược lại, nếu cortisol sáng đạt trên 20mcg/dl thì loại bỏ suy thượng thận.
Ngoài ra, các kết quả khác sẽ ghi nhận có tình trạng rối loạn điện giải như hạ natri máu, hạ kali máu, Tăng đường huyết hay cũng có thể Hạ đường huyết do giảm chuyển hóa của tế bào; đo loãng xương thấy mật độ xương giảm rất nặng...
4. Cách điều trị và phòng tránh suy thượng thận do dùng corticoid
Nếu đo nồng độ glucocorticoid trong máu quá thấp, người bệnh có biểu hiện thiếu glucocorticoid nặng nề, nguy cơ vào suy thượng thận cấp cao, điều trị trước tiên là bù glucocorticoid. Tuy nhiên, việc điều trị glucocorticoid lúc này cần có sự kiểm soát về liều dụng và cách dùng, tránh tác dụng phụ.
Ngay khi bệnh ổn, bác sĩ cần thiết lập kế hoạch cai thuốc dần cho người bệnh càng sớm càng tốt, giúp khôi phục lại phần nào chức năng của tuyến thượng thận. Theo đó, mặc dù glucocorticoid được dùng rộng rãi và tình trạng lạm dụng rất phổ biến, liệu trình cai thuốc đạt hiệu quả là như thế nào cũng chưa thống nhất trong các nghiên cứu. Tuy nhiên, kế hoạch ngừng thuốc luôn phải đạt được hai mục tiêu là tránh các tác dụng phụ của dùng glucocorticoid kéo dài và tránh xuất hiện suy thượng thận chức năng.
Đồng thời, việc giảm liều cần tùy thuộc vào từng bệnh nhân, mức độ thiếu hụt glucocorticoid cũng như nguy cơ bùng phát các bệnh lý cấp tính. Bởi lẽ, nếu việc điều chỉnh liều không khéo léo, người bệnh thiếu kiên nhẫn, mất hợp tác, khả năng tái lạm dụng corticoid là rất cao hoặc vào cơn suy thượng thận cấp, dễ nguy kịch tính mạnh nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.
Tóm lại, suy thượng thận do dùng corticoid là một tình trạng đáng báo động trong cộng đồng, gây suy mòn sức khỏe về lâu dài. Việc phòng tránh vẫn luôn đóng vai trò quan trọng nhất. Người bệnh chỉ được kê toa sử dụng corticoid đúng chỉ định, tuân thủ liều và lượng, tránh lạm dụng. Các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng trước khi sử dụng cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý dùng các loại thuốc lưu hành trên thị trường mà không rõ xuất xứ, nguồn gốc, vừa không giúp điều trị bệnh, vừa có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe.
Nguồn tham khảo: Tài liệu của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế