Suy tim ở trẻ em

Suy tim, hay còn gọi là suy tim xung huyết xảy ra khi tim không hoạt động để bơm máu tốt như bình thường, máu bị nghẽn lại trong các mạch máu (xung huyết). Rất nhiều người cho rằng suy tim chỉ xảy ra với người lớn, nhưng thực ra tất cả mọi người ở tất cả các lứa tuổi đều có nguy cơ bị suy tim, bao gồm trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Nguyên nhân gây suy tim ở trẻ em

Suy tim ở trẻ em thường do dị tật tim bẩm sinh. Trong một số trường hợp, trẻ em cũng bị suy tim do nhiễm trùng hoặc gặp các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm một trong các vấn đề dưới đây: Bệnh cơ tim phì đại; Bệnh lý van tim; Rối loạn nhịp tim; Bệnh phổi mãn tính; Thiếu máu; Nhiễm siêu vi; Tăng huyết áp; Mất máu nhiều; Cường giáp; Biến chứng sau mổ tim; Tác dụng phụ của thuốc, đặc biệt là thuốc hóa trị.

Suy tim trẻ em có rất nhiều điểm khác biệt so với suy tim người lớn về nguyên nhân và triệu chứng lâm sàng. Thời điểm khởi bệnh là chìa khóa quan trọng cho việc chẩn đoán nguyên nhân suy tim ở trẻ em.

2. Suy tim ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ như thế nào?

Nếu suy tim ảnh hưởng đến phần tim trái, tim sẽ rất khó khăn trong việc vận chuyển máu đi khắp cơ thể, khiến máu tắc nghẽn trong mạch máu phổi, khiến phổi bị xung huyết.

Khi suy tim ảnh hưởng đến vùng bên phải, rất khó cho tim bơm máu đến phổi, khiến máu nghẽn trong gan và tĩnh mạch, khiến cơ thể giữ nước.

Trẻ bị suy tim thường có xu hướng phát triển hơi chậm hơn các bé khỏe mạnh. Chiều cao cũng hơi thấp hơn. Điều này đặc biệt đúng với trẻ em bị bệnh Tim bẩm sinh và suy tim sung huyết. Các bé tiêu tốn nhiều năng lượng hơn, cần tăng cường Dinh dưỡng và đôi khi gặp khó khăn trong việc hấp thụ thức ăn. Trẻ bị suy tim có thể mất nhiều thời gian hơn để đạt được những cột mốc nhất định trong cuộc sống, như bò, ngồi dậy hoặc ngồi bô thành thạo.

Suy tim ở trẻ em - ảnh 1
Trẻ bị suy tim thường có chiều cao thấp hơn trẻ bình thường

3. Triệu chứng suy tim trẻ em

Các triệu chứng nêu dưới đây là những triệu chứng thường gặp nhất của suy tim. Tuy nhiên, mỗi trẻ sẽ biểu hiện các triệu chứng khác nhau, bao gồm:

  • Sưng chân, Mắt cá chân, mí mắt, mặt và đôi khi cả ở bụng
  • Thở nhanh bất thường. Khó thở hoặc hơi thở ngắn
  • Mệt mỏi, Buồn nôn, Chán ăn.
  • Buồn ngủ khi ăn hoặc trở nên quá mệt để ăn.
  • Tăng cân bất thường trong thời gian ngắn, mặc dù kém ăn (thường là do sự tích nước trong cơ thể)
  • Ho và tắc nghẽn trong phổi
  • Đổ nhiều mồ hôi khi ăn, chơi hoặc tập thể dục
  • Khó thở khi thực hiện các hoạt động thường ngày, đặc biệt là đi bộ và leo cầu thang.
  • Giảm khối lượng cơ
  • Chậm phát triển cân nặng, không tăng cân
  • Thay đổi nhiệt độ và màu da (thường là da lạnh, ẩm hoặc ra nhiều mồ hôi, nóng bừng...)
  • Mức độ nghiêm trọng của triệu chứng phụ thuộc vào mức mà khả năng bơm máu của tim bị ảnh hưởng.

Các triệu chứng của suy tim có thể bị nhầm lẫn với các chứng bệnh khác. Hãy luôn tham khảo ý kiến chẩn đoán của bác sĩ.

4. Chẩn đoán suy tim trẻ em

Bác sĩ sẽ kiểm tra thể chất và bệnh sử toàn diện, hỏi han về sự thèm ăn, nhịp thở và mức năng lượng. Các quy trình chẩn đoán khác bao gồm:

Xét nghiệm máu và nước tiểu.

X quang ngực thẳng: Sử dụng tia X để tái tạo hình ảnh của các mô bên trong, xương và các cơ quan trên phim.

Điện tim (ECG hoặc EKG): Một Xét nghiệm ghi lại hoạt động điện của tim, có thể giúp chẩn đoán các rối Loạn nhịp tim và phát hiện các vấn đề của cơ tim.

Suy tim ở trẻ em - ảnh 2
Xét nghiệm ghi lại hoạt động điện của tim, có thể giúp chẩn đoán các Rối loạn nhịp tim và phát hiện các vấn đề của cơ tim.

Siêu âm tim: Xét nghiệm không xâm lấn để đánh giá hoạt động của các buồng tim và van tim. Sóng âm tái tạo hình ảnh trên màn hình như một đầu dò siêu âm được truyền qua tim.

Thông tim chẩn đoán (cath): Một xét nghiệm xâm lấn đưa một ống thông nhỏ vào tim từ các mạch máu đùi hoặc cánh tay. Điều này cho phép đo các áp lực khác nhau bên trong tim để hỗ trợ chẩn đoán suy tim. Ngoài ra Thông tim có thể sinh thiết cơ tim nhằm xác định nguyên nhân cơ bản của suy tim.

5. Điều trị suy tim ở trẻ em

Phương pháp điều trị suy tim sẽ được xác định bởi các chuyên gia dựa trên các yếu tố: Tuổi, tình trạng chung và bệnh sử; Mức độ nặng của bệnh; Khả năng chịu đựng của bé đối với các loại thuốc, quy trình hoặc liệu pháp cụ thể; Kỳ vọng về tiến trình của bệnh; Sự lựa chọn của gia đình

Nếu nguyên nhân suy tim là do dị tật Tim bẩm sinh hoặc bệnh lý tim mắc phải như bệnh lý thấp tim, cần thiết phải thực hiện phẫu thuật. Thuốc hoặc máy tạo nhịp thường hữu ích trong giai đoạn điều trị đầu. Thuốc cũng có thể được sử dụng sau phẫu thuật để giúp cải thiện chức năng tim trong thời gian hồi phục.

Thuốc và máy tạo nhịp thường được dùng để điều trị suy tim ở trẻ em, có thể bao gồm

● Digoxin. Thuốc này giúp cải thiện co bóp cơ tim và giúp nhịp tim đều hơn.

● Thuốc lợi tiểu: Giúp thận loại bỏ lượng nước thừa ra khỏi cơ thể.

● Thuốc lợi tiểu giữ Kali: Giúp cơ thể giữ lại kali, một khoáng chất và chất điện giải quan trọng thường bị mất khi dùng thuốc lợi tiểu.

● Thuốc ức chế men chuyển angiotensin: Giúp làm giãn mạch máu, giúp tim bơm máu vào cơ thể dễ dàng hơn .

● Thuốc ức chế beta: Giảm nhịp tim và huyết áp, giúp tim làm việc hiệu quả hơn.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung