Suy tim - Nguyên nhân và Phương pháp điều trị hiệu quả

Suy tim là một vấn đề về tim mạch hay gặp, có tỷ lệ mắc cao và Có đến 50% bệnh nhân suy tim tử vong sau 5 năm. Vậy suy tim nguyên nhân do đâu?, điều trị như thế nào? và cách phòng tránh suy tim.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Suy tim là gì?

Trái tim như 1 cái bơm có chức năng giãn ra để nhận máu và co bóp để bơm máu đi nuôi cơ thể. Suy tim là khi tim bị giảm khả năng giãn để nhận máu (suy tim tâm trương) hoặc giảm khả năng co bóp (suy tim tâm thu), dẫn đến giảm lượng máu cần thiết đi nuôi cơ thể và ứ trệ máu ở phổi và ngoại biên.

Suy tim là một hội chứng lâm sàng, có căn nguyên là sự bất thường ở cấu trúc hoặc chức năng tim nên bệnh có thể điều trị nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn.

Trong đa số các trường hợp, suy tim là tình trạng giảm khả năng co bóp của quả tim dẫn đến giảm lưu lượng máu đến các cơ quan trong cơ thể, đồng thời gây ứ trệ nước tại các cơ quan nên được gọi là suy tim ứ huyết (ứ máu).

Cách tốt nhất để ngăn ngừa suy tim là kiểm soát các yếu tố nguy cơ và điều kiện gây suy tim, như bệnh động mạch vành, huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường hay béo phì.

2. Triệu chứng bệnh suy tim như thế nào?

Các triệu chứng bệnh suy tim biểu hiện tùy theo mức độ của bệnh, từ kín đáo đến nặng nề.

Triệu chứng khó thở

  • Cảm giác hụt hơi, thiếu không khí, ngột thở. Đây cũng thường là biểu hiện sớm nhất và là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân đi khám bệnh.
  • Trong suy tim cấp thì khó thở xuất hiện đột ngột và nặng lên nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời. Còn trong suy tim mạn tính thì biểu hiện khó thở tùy thuộc vào mức độ tiến triển của suy tim.
  • Ban đầu khó thở chỉ xuất hiện khi gắng sức như leo cầu thang, đi bộ một quãng đường dài, mang vác vật nặng hoặc khi sinh hoạt tình dục. Về sau khó thở thường xuyên hơn, ngay cả khi nghỉ ngơi, thậm chí là khi ngủ làm cho bệnh nhân phải ngồi dậy để thở.
  • Khó thở biểu hiện bằng thở nhanh, nếu khó thở nhiều thường kèm theo dấu hiệu tím da ơ môi và đầu ngón tay, chân.

Suy tim - Nguyên nhân và Phương pháp điều trị hiệu quả - ảnh 1

Triệu chứng phù

  • Biểu hiện phù trong suy tim là hậu quả của ứ trệ nước trong cơ thể. Do khi suy tim, sức co bóp của cơ tim giãn, máu đến các cơ quan trong cơ thể không đầy đủ như lúc bình thường. Cơ thể sẽ cố gắng tìm cách để bù đắp lại sự thiếu hụt đó bằng cách tiết ra các chất để làm tim co bóp mạnh hơn, nhanh hơn. Hiệu quả trước Mắt là tim bóp tốt hơn nhưng lâu dài sẽ làm giảm chức năng của quả tim.
  • Khi lượng máu đến thận không đủ, cơ quan này giữ nước và muối lại trong cơ thể mà nếu bình thường phải được thải đi qua đường nước tiểu. Lúc đầu nước và muối được giữ lại sẽ làm tăng lượng máu lưu thông trong cơ thể, cung cấp thêm cho quả thận lượng máu bị thiếu hụt.
  • Đây chính là cơ chế bù trừ của cơ thể, nó có tác dụng trong một khoảng thời gian. Nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời thì cơ chế bù trừ này không chỉ mất tác dụng mà còn làm tình trạng suy tim nặng thêm.
  • Lượng dịch thừa ra, cứ tích lũy dần lên một cách từ từ. Khi dịch tích tụ nhiều sẽ ngấm qua thành mạch máu gây ứ nước ở nhiều cơ quan. Dịch ứ trệ ở các khu vực như ở chân gây biểu hiện phù. Đồng thời dịch ứ đọng trong khoang màng phổi làm khó thở nặng nề thêm.
  • Ban đầu phù thường kín đáo ở mắt cá hoặc mu chân, mềm, ấn lõm, rõ về cuối ngày và nhẹ về sáng sớm. Phù thường đi kèm với khó thở.

Các triệu chứng khác

  • Khó thở và phù rõ thì thường là giai đoạn bệnh đã tiến triển. Ở giai đoạn đầu, các biểu hiện thường kín đáo như Ho kéo dài, nhiều về đêm, mệt mỏi vô cớ hoặc khi gắng sức. Ngoài ra còn có các dấu hiệu khác như đi tiểu nhiều về đêm, chướng bụng, chán ăn, suy giảm trí nhớ.

Suy tim - Nguyên nhân và Phương pháp điều trị hiệu quả - ảnh 2

3. Nguyên nhân dẫn đến suy tim là gì ?

Suy tim là hậu quả của nhiều bệnh. Các nguyên nhân thường gặp nhất là tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, các bệnh van tim, các bệnh tim bẩm sinh, bệnh cơ tim giãn, nghiện rượu, Viêm cơ tim, loạn nhịp tim, tiểu đường, cường giáp, bệnh tự miễn, bệnh tim chu sản (suy tim xảy ra cho người mẹ trước và sau thời gian sinh con vài tuần)...

4. Yếu tố nguy cơ suy tim

  • Tăng huyết áp
  • Bệnh động mạch vành
  • Nhồi máu cơ tim
  • Tim đập không đều
  • Bệnh tiểu đường
  • Một số thuốc bệnh tiểu đường
  • Ngưng thở khi ngủ
  • Khuyết tật tim bẩm sinh
  • Uống rượu quá nhiều
  • Bệnh Thận

5. Các biến chứng suy tim

  • Tổn thương hay suy thận
  • Vấn đề van tim
  • Tổn thương gan
  • Đau tim và đột quỵ

6. Điều trị suy tim thế nào?

Các tiêu chí chính của điều trị bệnh suy tim là kéo dài cuộc sống, cải thiện chất lượng cuộc sống (giảm các triệu chứng và giảm số lần phải nhập viện). Để đạt được các tiêu chí đó, điều trị suy tim phải toàn diện, bao gồm:

6.1. Điều chỉnh lối sống

  • Chế độ ăn giảm muối. Khi suy tim nặng lên, mất bù thì thực hiện chế độ kiêng muối tuyệt đối trong thời gian khoảng 1-2 tuần.
  • Bỏ thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích khác.
  • Làm công việc phù hợp: tránh các công việc đòi hỏi phải gắng sức.
  • Tập luyện phù hợp: thể dục dưỡng sinh, thái cực quyền. Những bệnh nhân bị suy tim mức độ nhẹ (NYHA I, II) có thể tập đạp xe, bơi, đi bộ. Nhưng dù tập môn gì cũng cần ghi nhớ 1 điều là không được gắng sức.
  • Tham gia sinh hoạt, giải trí ở hội, câu lạc bộ để nâng cao tinh thần lạc quan, tránh bi quan tiêu cực.

6.2. Điều trị bằng thuốc

Các thuốc đã được chứng minh qua các thử nghiệm lâm sàng là có hiệu quả tốt trong điều trị suy tim ( nếu không có chống chỉ định ) là:

  • Các thuốc ức chế men chuyển và các thuốc ức chế thụ thể của Angiotensine II.
  • Sacubitril + Valsartan: thuốc Uperio
  • Một số thuốc chẹn β: Bisoprolone; Metoprolone; Carvedilone, Nebivolone.
  • Các thuốc kháng Aldosterone.
  • Ivabradine.

Ngoài ra tùy bệnh cảnh lâm sàng còn dùng thêm 1 số thuốc khác: lợi tiểu khi có suy tim sung huyết (phù, gan to, ran ẩm ở phổi), Digoxine và kháng vitamine K khi có rung nhĩ, Nitrate và vận mạch trong cơn suy tim cấp...

6.3. Các kỹ thuật nâng cao

Khi suy tim nặng lên, đáp ứng kém với điều trị nội khoa. Có thể áp dụng các kỹ thuật sau: cấy máy tái đồng bộ thất trái (CRT), cấy máy khử rung tự động (ICD), thiết bị hỗ trợ thất trái (LVAD), ghép tim, và gần đây nhất là tim nhân tạo toàn bộ. Các kỹ thuật này chưa được thực hiện 1 cách rộng rãi ở Việt nam do cần phải có trang bị và trình độ kỹ thuật chuyên sâu, và nhất là do chi phí còn rất cao so với khả năng kinh tế của người bệnh. Riêng với kỹ thuật ghép tim còn vấp thêm 1 trở ngại khác nữa, đó là nguồn hiến tim còn rất hiếm. Vì vậy chiến lược điều trị suy tim thích hợp và hiệu quả nhất vẫn là phát hiện sớm và theo dõi, tuân thủ điều trị 1 cách chặt chẽ, đồng thời nâng cao nhận thức và có biện pháp để dự phòng suy tim. Đây là điều hết sức quan trọng.

7. Làm thế nào để dự phòng suy tim?

Trước hết phải có lối sống lành mạnh: không thuốc lá, không lạm dụng rượu bia, không các chất kích thích. Tập thể dục và các môn thể thao vừa sức, nghỉ ngơi giải trí, tránh lối sống trì trệ.

Khám sức khỏe định kỳ, khám chuyên khoa Tim mạch định kỳ nhằm phát hiện sớm và điều trị đúng các biến chứng suy tim, cũng như để quản lý và điều trị suy tim một cách hiệu quả.

Quan trọng hàng đầu là phát hiện sớm và quản lý, điều trị tốt các bệnh có thể dẫn đến suy tim như đã nói trong phần 3 ở trên, nhất là bệnh tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh tiểu đường là các bệnh đang có xu hướng gia tăng ở Việt nam. Một số bệnh gây ra suy tim có thể được điều trị 1 cách triệt để bằng phẫu thuật: bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh.

Mọi thắc mắc các bạn có thể đặt câu hỏi bác sĩ, phòng khám và bệnh viện trên nền tảng bcare.vn để được giải đáp

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung